Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Yên Bái là tỉnh nghèo, nền kinh tế phát triển chưa vững chắc; trình độ khoa học, công nghệ thấp; phong tục tập quán lạc hậu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa đồng đều, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; do vậy vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ con người còn rất hạn chế.
Cần phải có giải pháp tốt nhất trong việc cung cấp thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. (Ảnh: C.T.V)
|
Đa số các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong điều kiện thiếu vệ sinh; các sản phẩm đưa ra thị trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư các chất hoá học, các loại kháng sinh còn phổ biến trong các loại thực phẩm. Nhất là trong những năm gần đây, hiện tượng ngộ độc thực phẩm diễn ra có xu hướng ngày càng nghiêm trọng.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, ở nước ta mỗi năm có khoảng 3 triệu ca ngộ độc thực phẩm, gây tổn thất khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo kết quả ghi nhận của ngành y tế, chỉ tính trong 7 năm (2000 - 2006), cả nước đã xảy ra 1.358 vụ ngộ độc thực phẩm với 34.411 người mắc, trong đó 379 người đã chết. Trong số các trường hợp ngộ độc trên, ngộ độc do vi sinh vật chiếm tỉ lệ cao nhất 589 vụ (43,3%), ngộ độc do độc tố tự nhiên 346 vụ (25,5%), ngộ độc do hoá chất 227 vụ (16,7%), ngộ độc do không rõ nguyên nhân 196 vụ (14,4%). Phân loại ngộ độc thực phẩm theo loại thức ăn cho thấy: Ngộ độc thực phẩm do thuỷ sản với 271 vụ (20%) với 5.230 người mắc/141 người chết. Ngộ độc thực phẩm do cá nóc với 125 vụ (9,2%) với 726 người mắc/120 người chết. Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị thiu, mốc có 99 vụ (7,3%) với 473 người mắc/81 người chết. Ngộ độc thực phẩm do ăn các loại rau, củ, quả và thực phẩm có thuốc bảo vệ thực vật có 281 vụ (20,6%) với 5.697 người mắc/22 người chết; ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố có 161 vụ (11,8%) với 3.759 người mắc/7 người chết... |
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2006, bình quân số người bị ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 22,7. Trong 6 tháng đầu năm 2007đã xảy ra 14 vụ, với tổng số 87 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 07 người bị tử vong, tỷ lệ tử vong tăng cao so với cùng kỳ năm 2006.
Qua kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống cho thấy: có 235/305 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đạt yêu cầu, bằng 73%; 1.629/1.925 cơ sở kinh doanh đạt yêu cầu, bằng 85%; 655/822 cơ sở dịch vụ ăn uống đạt yêu cầu, bằng 80%.
Qua công tác xét nghiệm về chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong thực phẩm và nước sinh hoạt thì chỉ có 200/355 mẫu thực phẩm đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật, 108/189 mẫu đạt yêu cầu về chỉ tiêu hoá chất, trên 50% mẫu nước được xét nghiệm là đạt yêu cầu về chỉ tiêu vi sinh vật và hàm lượng hoá chất trong nước...
Để giảm thiểu ô nhiễm thực phẩm, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhân dân, đặc biệt đối với người sản xuất và lưu thông, chú ý các cơ sở sản xuất, người nông dân trực tiếp sản xuất nông sản, thực phẩm, chế biến thực phẩm trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, phân bón, thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm.
Phổ biến, tuyên truyền sâu rộng, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón... tới từng cơ sở và cá nhân sản xuất vật tư, nông sản, thực phẩm. Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn việc thực hiện các quy trình về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm chất lượng, an toàn, nâng cao nhận thức của cộng đồng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phải quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, hiệu quả theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh. Xây dựng mối liên kết thông qua hợp đồng trách nhiệm giữa người sản xuất sản phẩm an toàn với nhà khoa học và người tiêu thụ về sản phẩm đạt chất lượng, sạch, an toàn.
Đối với các cơ sở chế biến nông lâm sản, các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp cần đổi mới thiết bị và công nghệ trong sản xuất, đảm bảo các điều kiện tối thiểu về nhà, xưởng, thiết bị và công nghệ.
Xây dựng và tăng cường hệ thống tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm theo hướng đồng bộ và thống nhất. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý chất lượng nông - lâm sản, vật tư nông nghiệp. Rà soát, đánh giá năng lực các phòng thử nghiệm đảm bảo hỗ trợ có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất nông sản sạch và an toàn ở các vùng sản xuất hàng hoá.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chế phẩm, thức ăn trong quá trình thâm canh cây trồng và vật nuôi. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ tồn dư vi sinh vật và hoá chất độc hại trong nông sản, thực phẩm để xác định nguy cơ gây ô nhiễm và kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục.
Hà Thị Minh Lý
Các tin khác
YBĐT - Tỉnh Đoàn Yên Bái, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản HCM vừa phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ đoàn viên thanh niên vùng dân tộc đóng góp cho Dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa IX; Báo cáo về việc sửa đổi Điều lệ Đoàn và Điều lệ Đoàn sửa đổi tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX.
YBĐT - Xuất phát từ phát mong muốn và nhu cầu của đoàn viên thanh niên, hàng năm, Ban thường vụ Huyện đoàn Yên Bình (Yên Bái) đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện khảo sát, thẩm định, tạo điều kiện cho các hộ đoàn viên thanh niên vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình, đầu tư vào các mô hình sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, mô hình kết hợp VACR.
YBĐT - Nhân dịp khai giảng năm học mới 2007-2008, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái cùng đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và dự lễ khai giảng tại Trường tiểu học Kim Đồng (thị trấn Trạm Tấu - huyện Trạm Tấu).
YBĐT - Mấy tháng gần đây giá cả thị trường liên tục tăng khiến các bà nội trợ lại có cảm giác như bị đánh rơi tiền mỗi khi đi chợ.