Xuất khẩu lao động khó khăn và giải pháp
- Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Được xác định là hoạt động có ý nghĩa tích cực trong tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả nên công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong thời gian qua luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này luôn gặp phải những khó khăn cần tháo gỡ...
Lao động nông thôn qua đào tạo nghề chưa nhiều.
|
Theo số liệu của ngành Công an và các địa phương, đến hết 15/8/2007, toàn tỉnh mới có 600 lao động đi làm việc có thời hạn tại Malaysia, Đài Loan, Trung Đông và Hàn Quốc. Trong đó, thị xã Nghĩa Lộ chỉ tiêu giao là 100 nhưng thực hiện là 15; Lục Yên chỉ tiêu là 200 thực hiện 20, Yên Bình chỉ tiêu 200 thực hiện 60; Trạm Tấu chỉ tiêu 50 thực hiện được 4... Cùng với số lao động đã xuất cảnh có 179 lao động đã đăng ký đang làm thủ tục, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng. So với mục tiêu xuất khẩu năm nay ( xuất khẩu 1500 lao động) thì số lao động đã xuất khẩu trên so với kế hoạch đặt ra đạt thấp (40%).
Nguyên nhân dẫn đến kết quả trên thì nhiều, nhưng có thể thấy, công tác lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở về công tác này chưa được quan tâm đúng mức; một số cấp ủy, chính quyền thị xã, thành phố, xã phường chưa thực sự quan tâm vì vậy không tổ chức sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện, kiểm điểm thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu lao động, đề ra những giải pháp trong chỉ đạo điều hành; chưa tạo điều kiện tốt nhất để giúp các doanh nghiệp đến tuyển lao động xuất khẩu tại địa phương hoạt động; chưa nắm bắt và phản ánh kịp thời những vướng mắc về vốn vay, làm hộ chiếu, thu nhập của người lao động địa phương đang làm việc tại nước ngoài... tạo dư luận không tốt làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ tại địa phương, từ đó số lao động xuất khẩu không đạt mục tiêu đề ra.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa bám sát tình hình và diễn biến thực tế của thị trường XKLĐ để có những nội dung tuyên truyền sát thực tế, chỉ ra nhưng khó khăn vướng mắc và giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, có hàng loạt nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động.
Có thể nêu, sau 4 năm thực hiện, hiện nay trên địa bàn Yên Bái có 24 công ty làm công tác xuất khẩu lao động; trên thực tế, chỉ có 14 doanh nghiệp tích cực triển khai các hoạt động tư vấn tạo nguồn còn những doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng.
Tình hình lao động tại Malaysia là thị trường lao động chủ yếu của Yên Bái đang có diễn biến không tốt, một số nhà máy tiếp nhận lao động bị phá sản hay không đủ việc làm thêm dẫn đến vi phạm cam kết trong hợp đồng lao động; một bộ phận người lao động ở những doanh nghiệp này có thu nhập thấp, chỉ đạt từ 1 - 2 triệu đồng, một số doanh nghiệp không tích cực, chủ động thậm chí thiếu trách nhiệm trong giải quyết triệt để các rủi ro phát sinh với người lao động, gây thiếu sự tin tưởng của người tham gia lao động đối với các doanh nghiệp.
Công tác tư vấn, hướng nghiệp xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp cũng chưa được quan tâm; chưa chú trọng về xuất khẩu lao động có nghề làm việc tại nước ngoài có thu nhập cao; một số thị trường có thu nhập cao như Đài Loan, Nhật Bản nhưng lao động của tỉnh không có vốn đầu tư nên không tham gia được; nhiều lao động làm việc tại nước ngoài có việc làm, thu nhập ổn định nhưng không có ý thức tiết kiệm, không tích lũy để gửi về giúp gia đình để trả nợ ngân hàng dẫn đến gia đình lo lắng, phàn nàn về tính hiệu quả của công tác XKLĐ, một số gia đình con em gửi tiền về nhưng chây ỳ, không trả nợ ngân hàng (đặc biệt, số lao động không đủ việc làm, không có việc làm thêm và số lao động phải về nước trước thời hạn không trả nợ được ngân hàng gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân...).
Trong khi thị trường lao động trong nước tại khu công nghiệp, chế xuất ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Dương... phát triển mạnh (tuy có mức thu nhập thấp hơn so với đi xuất khẩu lao động) nhưng chi phí rất thấp, ít rủi ro, thủ tục nhanh chóng đơn giản đã thu hút nhiều lao động di chuyển đi làm tại các tỉnh ngoài...
Để đạt mục tiêu đã đề ra trong năm nay (xuất khẩu 1500 lao động), đồng thời tạo cơ sở cho công tác XKLĐ trong những năm tiếp theo là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách và lâu dài. Trước tiên, công tác XKLĐ rất cần sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là ở cơ sở. Đối với cấp ủy chính quyền huyện thị, thành phố cần kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện công tác XKLĐ tại địa phương; tìm ra nhưng mặt đã làm được, những hạn chế tồn tại để lãnh đạo, chỉ đạo công tác XKLĐ trong thời gian tới.
Công tác tuyên truyền cần được nâng lên một bước, cùng thông tin kết quả hoạt động xuất khẩu cần tập trung tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm tổ chức triển khai của các địa phương trong và ngoài tỉnh; cần công khai những thông tin về thị trường lao động, giá cả, chi phí, thu nhập... để người lao động biết để lựa chọn, đồng thời nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn khi tham gia XKLĐ.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh cần rà soát các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ trên địa bàn, chấm dứt hoạt động đối với doanh nghiệp hoạt động thiếu tích cực, chủ động mời các doanh nghiệp lớn, có nhiều đơn hàng, phong phú về thị trường, có khả năng kinh tế và trách nhiệm cao trong giải quyết các rủi ro đến để phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh để tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài; lồng ghép các dự án đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn để tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo cả về tay nghề và ý thức.
Cần tăng cường triển khai thực hiện Luật Lao động đến cơ sở để người lao động có những kiến thức tối thiểu khi tham gia lao động đồng thời thẩm định các đơn hàng của các doanh nghiệp làm công tác XKLĐ trước khi giới thiệu xuống tuyển lao động tại các địa phương, tránh tình trạng lao động có thu nhập thấp, thiếu việc làm, mất việc làm như hiện nay.
Ban chỉ đạo XKLĐ địa phương cần nắm chắc tình hình và công tác xuất khẩu lao động tại địa phương nhất là những khó khăn, vướng mắc của người đi xuất khẩu cũng như hoạt động các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn để có thông tin kịp thời; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tham gia vào công tác XKLĐ...
Mong rằng, những tồn tại và khó khăn trong công tác XKLĐ tại Yên Bái trong thời gian qua sẽ được các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nhanh chóng giải quyết, để XKLĐ thực sự là hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo của tỉnh.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Ngày 1/10, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, huyện Mù Cang Chải đã chủ trì tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Nghị quyết “Về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015”.
YBĐT - Sự ra đời của công đoàn xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương bằng việc phổ biến tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tổ chức công đoàn đến cán bộ công chức; vận động đoàn viên không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ý thức phục vụ nhân dân.
YBĐT - Hướng tới chào mừng Đại hội Đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XII, vừa qua, Tỉnh đoàn Yên Bái đã phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo Yên Bái tổ chức Hội thi tiếng hát "Giai điệu tuổi hồng" lần thứ nhất.
YBĐT - Nằm ven quốc lộ 70 với vị trí địa lý thuận cho giao lưu, thông thương hàng hoá nhưng đời sống của gần 2.000 hộ dân trong xã những năm qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chuyện của 6 năm về trước còn giờ đây, Bảo Ái đang thay da đổi thịt nhờ luồng gió mới của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.