Biểu tượng son sắt của tình hữu nghị Việt - Xô

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/11/2007 | 12:00:00 AM

YBĐT - 36 năm ra đời và phát triển, Thủy điện Thác Bà vẫn ngày ngày gieo dòng nước bạc làm ra nguồn "than trắng" cho Tổ quốc. Thủy điện Thác Bà là một biểu tượng sáng ngời của tình hữu nghị Việt - Xô đời đời bền vững.

Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.
Nhà máy thuỷ điện Thác Bà - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.

Trong rất nhiều gia đình người Việt, đó là các món đồ như búp bê lật đật, ấm Xa- mô- va. Đời thường hơn nữa là chiếc bàn là hoa dâu hay cái nồi áp suất hoặc với phương tiện giao thông thì những chiếc xe U- oát, những chiếc xe Minsk mạnh mẽ như những người hùng miền sơn cước, chinh phục tất cả các con đường đèo dốc khi những xe khác đều phải dừng bánh.

Những sản phẩm bền bỉ, gần gũi và thân quen với nhiều người dân Việt Nam ấy đều đến từ nước bạn Xô Viết - người anh cả trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Nhiều người  từng nói rằng: “Không có người bạn lớn nào bằng những người bạn Nga. Không có sự giúp đỡ nào to lớn, vô tư và trong sáng bằng sự giúp đỡ của nhà nước Xô Viết với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa”.

Đất nước Liên Xô và ngày nay là nước Nga, lý tưởng cao quý của những người cộng sản vẫn luôn tồn tại, mạnh mẽ như cây bạch dương Xô Viết; tình hữu nghị vẫn mãi mãi xanh thắm, thủy chung như cây tre Việt Nam. Dịp này, những người cộng sản và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới lại tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.

Là người cộng sản, được sống trong một chế độ xã hội tốt đẹp, được hưởng những thành tựu của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong đó có những sản phẩm mang nhãn hiệu CCCP (tên viết tắt của Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết trước đây), tôi cũng có cách kỷ niệm của riêng mình.

Đó là về thăm Nhà máy Thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành thủy điện trên miền Bắc XHCN, được xây dựng bằng sự giúp đỡ chí tình của những người bạn Liên Xô. Ngồi bên cây thông Nô-en, kỷ vật của những năm sống, làm việc với những chuyên gia Liên Xô, bác Lê Công Cước, 69 tuổi ở khu 8, thị trấn Thác Bà (Yên Bình), người đã cả cuộc đời gắn bó với Nhà máy Thủy điện bồi hồi nhớ lại: Cuối năm 1960 tốt nghiệp trung cấp thủy lợi, tôi làm đơn tình nguyện rồi được chọn làm cán bộ kỹ thuật ở công trường xây dựng nhà máy.

Có thể nói đây là công việc rất khó khăn, vất vả nhưng những thanh niên như chúng tôi cảm thấy rất tự hào. Tự hào vì được tham gia xây dựng một trong những công trình lớn nhất của miền Bắc XHCN, lại được trực tiếp làm việc với những chuyên gia đầu ngành của nước bạn Liên Xô. Tôi còn nhớ như in những đồng chí: Ốt - pi - an là chuyên gia khảo sát địa chất, Lê - va - trúc, trưởng đoàn thiết kế đến từ Viện Thiết kế Ba - cu, Pút - cốp là chuyên gia thi công... Đó là những con người thông minh, có sức khỏe, giàu lòng nhiệt tình, dày dặn kinh nghiệm và làm việc hết sức có trách nhiệm. Hàng trăm lượt chuyên gia Liên Xô đã làm việc trên công trường, có những thời điểm lên tới 60 đồng chí. Chính họ, không ai khác là những người có đóng góp công sức, trí tuệ to lớn làm nên công trình vĩ đại này.

Hơn 10 năm xây dựng (1961 - 1971) mỗi lần tiễn chuyên gia về nước là một lần bùi ngùi xúc động, nhất là lần tiễn đồng chí chuyên gia thi công bị thương do bom Mỹ bắn phá. Mỗi lần đón chuyên gia đến cả công trường lại vui như tết vì đã có chỗ dựa vững chắc về kỹ thuật và trình độ thi công. Kỷ niệm vui và đáng nhớ nhất, với tôi, là một lần kẹt khoan nhồi bê tông.

Đây là một tình huống rất khó xử lý vì trình độ công nghệ thời đó chưa tiên tiến như bây giờ, thêm nữa mũi khoan là vật rất quý giá, nếu không đưa được mũi khoan lên phải đợi nhập khẩu từ nước bạn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Trong bối cảnh ấy, đồng chí Pút - cốp với kinh nghiệm của mình đã tổ chức cho anh em công nhân tiến hành kê, kích và đưa được mũi khoan lên. Cả công trường rất vui mừng, nếu ở bên nước bạn chắc sẽ mở sâm- banh ăn mừng, nhưng trong điều kiện khó khăn ấy, chúng tôi quyết định làm thịt một con chó với đầy đủ riềng, mẻ, mắm tôm để thết đãi các bạn chuyên gia. Do không quen nên anh em chuyên gia không ăn, tôi biết tiếng Nga nên giải thích cho họ, anh em cười rất vang rồi cũng ăn cùng với công nhân Việt Nam trên công trường còn bộn bề gian khó và nguy hiểm lúc ấy.

Chúng tôi chia tay bác Cước bằng câu chuyện 39 năm tham gia xây dựng và vận hành nhà máy nay đã nghỉ hưu, người con trai của bác sinh ra trên vùng quê mới, học đại học xong lại về nhà máy làm việc và hiện là Trưởng phòng Kỹ thuật, kiêm Chủ tịch Công đoàn Nhà máy.

Nơi lưu dấu những hình ảnh mến yêu nhất về những người bạn Xô Viết phải kể đến phòng truyền thống của Nhà máy. Những hình ảnh một thời gian khó mà vẻ vang của cán bộ, công nhân trong quá trình xây dựng Nhà máy, từ những cuộc trao đổi, những bữa ăn đạm bạc trên công trường, những trận chiến chống máy bay phá hoại của giặc Mỹ đến lễ khởi công tưng bừng cờ, hoa và những gương mặt rạng ngời niềm tin. Treo ở nơi trang trọng nhất vẫn là những tấm danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và hàng chục bằng khen, giấy khen.

Kỹ sư Đại Ngọc Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, tâm sự: “Mồ hôi, công sức và cả xương máu của những cán bộ, công nhân, những chuyên gia Liên Xô đã làm nên truyền thống rất đáng tự hào và trân trọng. Thế hệ sinh sau như chúng tôi càng phải có trách nhiệm để phát huy truyền thống đó. Tính đến nay, Nhà máy đã sản xuất ra 13 tỉ kwh điện hòa vào lưới điện quốc gia.

Ngày 30/3/2006, Công ty chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần và ngày 29/8/2006 cổ phiếu của Công ty đã chính thức lên sàn chứng khoán. Đây thực sự là bước chuyển đổi to lớn của đơn vị bởi lẽ từ đây cán bộ, công nhân làm việc không chỉ với ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân mà còn trách nhiệm với hàng vạn cổ đông đã tham gia góp vốn cùng với doanh nghiệp sản xuất ra dòng điện sáng cho Tổ quốc.

Thuận lợi thì có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít nhất là trước những biến đổi về thời tiết, khí hậu cũng như tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng như hiện nay. Khó khăn là thế nhưng tập thể cán bộ công nhân trong Công ty sẽ quyết tâm vượt qua để xứng đáng với những danh hiệu cao quý và biểu tượng son sắt của tình hữu nghị Việt - Xô”.

Nhìn những gương mặt trẻ trung và mạnh mẽ của đội ngũ lãnh đạo và công nhân Nhà máy Thủy điện Thác Bà hôm nay, tôi tin chắc các anh sẽ làm được điều mình mong muốn.
Mới đó mà gần 40 năm đã trôi qua. Chia tay Nhà máy Thủy điện Thác Bà, sải bước trên con đường rợp bóng hàng long não cổ thụ, dãy nhà chuyên gia (nay là khu nhà khách) vẫn khang trang nhìn ra dòng sông trong xanh cuộn chảy tưởng như đâu đây vẫn thấp thoáng ánh mắt, nụ cười của những người bạn lớn nước Nga.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Hội Phụ nữ xã Mông Sơn huyện Yên Bình (Yên Bái) có 703 hội viên sinh hoạt tại 10 chi hội cơ sở, trong đó đa số chị em hội viên theo Thiên Chúa. Khó khăn với chị em vùng đồng bào công giáo rất lớn như nhận thức về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) còn hạn chế, một số chị em chịu ảnh hưởng của tư tưởng "trọng nam khinh nữ", bị ràng buộc bởi giáo lý nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên còn khá phổ biến.

Bác sỹ Vũ thị Mùi - Giám đốc Trung tâm Nội tiết  tỉnh thăm khám cho người bệnh.

YBĐT - Năm 2006, Trung tâm Nội tiết tỉnh Yên Bái đã khám và điều trị cho trên 4 nghìn bệnh nhân đái tháo đường, con số này cao hơn gấn 4 lần so với số lần khám chữa bệnh đái tháo đường của cả năm 2003. Và chỉ riêng 9 tháng của năm 2007, trong tổng số hơn 4.500 bệnh nhân đái tháo đường được khám và điều trị tại Trung tâm đã có gần 160 bệnh nhân được phát hiện mắc mới. Điều này cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ảnh Thanh Ba.

YBĐT - Tính đến tháng 10/2007, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có 235 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó có 9 trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm Pháp lệnh Dân số. Tình trạng sinh con thứ 3 ở đây đã trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Bảo dưỡng đường điện. (Ảnh Văn Tuấn)

YBĐT - Nhiều năm qua, Công đoàn Điện lực Yên Bái đặc biệt chú trọng đến công tác an toàn - bảo hộ lao động (BHLĐ). Ngay từ đầu năm, việc xây dựng kế hoạch, mua sắm trang bị BHLĐ, trang bị an toàn cho người lao động; vận động các đơn vị đăng ký hưởng ứng phong trào thi đua xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, lập kế hoạch khám sức khỏe định kỳ… được Công đoàn tham gia tích cực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục