Giỏi việc trường đảm việc nhà

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhắc đến cô giáo Hà Khánh Vinh ở Trường tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên - Yên Bái) thì chắc hẳn những người làm công tác giáo dục trong huyện, các bậc phụ huynh mà nhất là các em học sinh, không ai là không biết đến bởi đó là cô giáo dạy giỏi cấp quốc gia đầu tiên ở huyện Lục Yên.

Chị Vinh quê ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Học xong trung cấp sư phạm, chị lên Lục Yên để lập nghiệp dù biết rõ vùng đất này thật xa xôi. Nhớ lại cách đây 10 năm, khi chị bắt đầu vào công tác cũng là lúc Trường tiểu học Kim Đồng mới thành lập nên còn bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn, rồi học sinh toàn con em vùng ven thị trấn nên ít điều kiện đầu tư cho học tập, ý thức học tập của các em cũng như của chính phụ huynh học sinh chưa cao, cộng với những bỡ ngỡ của một cô giáo trẻ nên lại càng làm chị thêm vất vả. Để vượt qua những thử thách ấy, chị đã phải nhiều đêm thức trắng để tìm ra phương pháp giảng dạy cho thích hợp với điều kiện học sinh của mình. Nhiều lúc nhìn các em đi học chân trần với mong áo mỏng trong mùa đông giá lạnh, chị không khỏi chạnh lòng trăn trở và đó là những câu chuyện của 9 năm về trước, còn giờ đây, 3 dãy nhà tre đã được thay thế bằng những ngôi nhà 2 tầng khang trang. Kết quả học tập của các em tăng lên hàng năm, trong đó năm học 2006-2007 tỷ lệ khá giỏi đạt 46,6%, tỷ lệ yếu kém 3,1%; năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường đã tăng lên 48,5%, học sinh yếu chỉ còn 2,5% và không có học sinh kém.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Thanh nói về những nỗ lực của cán bộ, giáo viên nhà trường để làm nên kết quả đó, nhưng cũng không ngớt lời khen ngợi chị Vinh: “Vinh là một cô giáo rất tận tuỵ với nghề, yêu quý học sinh, có nhiều sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy và học, đặc biệt là biết giúp đỡ đồng nghiệp trong chuyên môn”.

Trong quá trình giảng dạy, chị Vinh tham gia tất cả các cuộc thi, hội giảng giáo viên dạy giỏi các cấp và có lần chỉ đạt cấp trường, đạt cấp huyện, cũng có khi không đạt kết quả gì nhưng chị không buồn mà như chị tâm sự: “Khi đăng ký tham gia, tôi chỉ mong muốn đạt một danh hiệu nhỏ để gọi là chứng nhận năng lực cho tôi để tôi tự tin hơn khi dạy dỗ các em”. Và trong đợt hội giảng năm học 2006-2007, cô giáo khiêm tốn, giản dị ấy đã lần lượt gặt hái hết thành công này đến thành công khác. Hội giảng cấp tỉnh chị đạt giải nhất và trở thành 1 trong 3 cô giáo của tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.

Trò chuyện với chị về hành trình đi tới danh hiệu cao quý ấy, chị luôn một mực nói rằng mình may mắn. Đức tính khiêm tốn của cô giáo Hà Khánh Vinh thực sự làm chúng tôi cảm động và tự nhủ: “Giá mà thầy cô giáo nào cũng như vậy”.

Ngoài công việc chuyên môn, chị Vinh còn tham gia nhiệt tình các hoạt động khác như: hội thi làm đồ dùng, đồ chơi sáng tạo cho học sinh; tham gia các đợt hội diễn văn nghệ; phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”; công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Đặc biệt, trong cuộc vận động “hai không” của ngành giáo dục, chị đã nghiêm túc thực hiện tốt, do đó lớp 4A mà chị chủ nhiệm có chất lượng học tập cao. Chị Vinh không chỉ là cô giáo dạy giỏi mà còn được đồng nghiệp khen ngợi và yêu quý bởi nếp sống chan hoà, gần gũi, biết chia sẻ khó khăn và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Đối với ai khi đạt bất kỳ thành tích nào cũng vậy, đạt được nó đã khó, làm sao giữ được nó và phát huy hơn nữa lại càng khó hơn. Khi được hỏi điều này, chị Vinh tâm sự: “Tới đây, tôi sẽ cố gắng trau dồi kiến thức nghề nghiệp qua tài liệu sách báo, học hỏi đồng nghiệp đi trước. Đặc biệt, tôi sẽ quan tâm hơn nữa đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các em khuyết tật”.

Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi dành cho các em học sinh thân yêu của mình, năm học này chị đã được Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái triệu tập làm thành viên trong đội cốt cán bồi dưỡng giáo viên. Công việc của một cô giáo đã bận rộn là vậy, nay nhiệm vụ của chị lại càng nặng nề hơn bởi hầu như tuần nào chị cũng phải đi các xã, các trường để bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên, để dự giờ rút kinh nghiệm rồi có khi phải trực tiếp đứng lớp để làm mẫu.

Công việc tưởng  đã chiếm hết thời gian của chị, nhưng sau mỗi buổi chiều trở về chị vẫn không quên nghĩa vụ là người giữ lửa trong gia đình. Bởi thế, cứ mỗi khi mệt mỏi, chị lại nghĩ đến mái ấm gia đình và như được tiếp thêm sức mạnh bởi ở đó có người chồng hết mực cảm thông, chia sẻ và bé gái 5 tuổi kháu khỉnh. Chị thật xứng đáng là một cô giáo “giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Mai Huyên

Các tin khác

YBĐT - Nhìn chung, tình hình hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được kiềm chế, không có những tụ điểm mua bán và tổ chức sử dụng ma tuý công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tổ chức ngày càng chặt chẽ hơn, mọi hoạt động mua bán đều có phòng vệ, cảnh giới nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng công an.

YBĐT - Hội Phụ nữ xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) hiện có 1.410 hội viên sinh hoạt ở 26 chi hội thôn bản, trong đó 9 chi hội 100% hội viên dân tộc Mông và Dao. Vì vậy, trình độ nhận thức của hội viên còn thấp và chưa đồng đều; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ ở các chi hội vùng cao còn chiếm tới 60% đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây đời sống kinh tế của hội viên phụ nữ xã Cát Thịnh đã được nâng lên một bước, nhờ vào sự nỗ lực của Hội Phụ nữ xã đã triển khai có hiệu quả 2 mô hình phát triển kinh tế.

YBĐT - Dự án Năng lượng nông thôn 2 được chính thức triển khai thực hiện tại 37 xã thuộc các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên từ cuối năm 2007. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước vay Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng mới và cải tạo lưới điện hiện có trên địa bàn 20 tỉnh trong cả nước.

YBĐT - Năm 2007, theo báo cáo của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em huyện (nay là Trung tâm Dân số/KHHGĐ) thì Mù Cang Chải (Yên Bái) có tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 1,7%. Nhưng thực tế sau khi bàn giao về Phòng Y tế huyện, qua điều tra lại thì con số này lại là 2,2%. Bởi vì, năm 2007 toàn huyện có dân số 47.100 người và số trẻ sinh trong năm là 1.144 trẻ. Trong khi đó, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chưa áp dụng biện pháp tránh thai là 2.774; số phụ nữ có khả năng thực hiện các biện pháp tránh thai khoảng 1.000 người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục