Vệ sinh an toàn thực phẩm: Vẫn nhiều nỗi lo

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tình hình ngộ độc thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn biến khá phức tạp. Từ năm 2004 - 2008, toàn tỉnh đã xảy ra 354 ca ngộ độc thực phẩm làm 741 người mắc và 16 người chết. Bên cạnh các vụ ngộ độc do ăn phải thức ăn có sẵn chất độc như: lòng cóc, nấm độc, quả rừng... thì ngộ độc do nguyên nhân ô nhiễm vi sinh vật, do tác nhân hóa học chiếm tỷ lệ khá cao.

Thịt lợn không qua kiểm dịch được bày bán tại chợ Mường Lò (TX Nghĩa Lộ).
Thịt lợn không qua kiểm dịch được bày bán tại chợ Mường Lò (TX Nghĩa Lộ).

Mạnh ai nấy bán

Chợ Nông sản thực phẩm Mường Lò (phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ) mỗi ngày cung ứng hàng chục tấn thịt, cá, rau quả các loại cho thị xã và cả huyện Trạm Tấu, nhiều xã của huyện Văn Chấn. 8h sáng, chợ đông nghẹt người. Tại quầy của chủ hộ Vũ Văn Ngọc, trú tại tổ 15, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ bày bán thịt lợn. "Hôm nay không kiểm dịch mà việc đóng dấu cũng đâu quan trọng. Chúng tôi trước bán ở chợ trên kia, nay chuyển xuống đây cũng đã được hơn một năm rồi nhưng thịt bán ra có nghe thấy ai kêu bị sao đâu" - ông Ngọc đã trả lời rất vô tư, thản nhiên khi chúng tôi hỏi về việc kiểm dịch của cơ quan thú y với chất lượng thịt lợn mà quầy ông đang bày bán. Ngay sát cạnh là quầy bán thịt của bà Nguyễn Thu Hường, trú tại tổ 23. Bà Hường nói: "Báo cáo với các anh, nói vậy cho oai thôi chứ thịt ở đây gần như không được đóng dấu kiểm dịch. Tôi bán thịt đã hơn 10 năm nay ở đất Mường Lò này nhưng cũng không biết cán bộ thú y ở đây tên là gì". Còn ở khu vực hàng cá, bà Trương Thị Ngân, trú tại tổ 14, phường Trung Tâm cho biết: "Cá kinh doanh hằng ngày cũng có nhiều nguồn lắm, hôm thì cá của dân ở quanh khu vực Mường Lò, còn những loại khác như chim trắng ướp đông lạnh kia là lấy qua các lái buôn ở Yên Bái hay Phú Thọ mang vào. Hàng hôm nay không bán hết lại ướp đá ngày mai bán tiếp". 

 Đội Kiểm dịch Thú y được đặt ngay tại chợ, thời điểm chúng tôi đến đã gần 10h sáng nhưng cửa vẫn đóng, then vẫn cài. Hỏi thăm mấy hộ kinh doanh gần đó thì được biết: "Các anh ấy đặt đội ở đây để lấy vì thôi chứ có thấy bao giờ đi kiểm dịch thực phẩm bán trong chợ đâu, thi thoảng mới thấy xuất hiện rồi lại biến mất trong vài phút. Hàng hóa kệ, ai bán thì bán, ai mua thì mua, việc gì cần lên mà hỏi Ban Quản lý chợ". Ông Nguyễn Thăng Long - Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Khai thác và Quản lý chợ Mường Lò cho hay, hiện cả 2 khu chợ Mường Lò có 407 hộ kinh doanh với 60 hộ kinh doanh thịt lợn, 7 hộ kinh doanh thịt trâu - bò, 12 hộ kinh doanh cá, 27 hộ kinh doanh hàng khô và có 20 hàng ăn. Ông Long khẳng định: "Các vấn đề về thực phẩm sạch hay không sạch là của Đội Kiểm dịch Thú y chứ Công ty không chịu trách nhiệm này. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ quản lý hộ kinh doanh, cung cấp nước, điện thắp sáng và các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường".

Rời Mường Lò, chúng tôi đến các chợ: Sơn Thịnh, Cát Thịnh (Văn Chấn); Cổ Phúc (Trấn Yên); Yên Ninh, Nam Cường, Đồng Tâm (thành phố Yên Bái). Đây là những chợ đầu mối hằng ngày tiêu thụ một khối lượng lớn hàng khô và các loại rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản... Tất cả được bày bán tràn lan trong khi công tác vệ sinh môi trường tại các chợ rất kém: mùi hôi khó chịu của cống rãnh thoát nước, rác bị đổ ngay trong chợ, ruồi nhặng từ các hàng khô bay sang nhiều như quãi đỗ đen. Khi được hỏi về sự kiểm tra của cơ quan chức năng thì số đông các hộ kinh doanh đều trả lời: "Có bao giờ thấy các anh ấy đâu. Thịt cá, rau quả cứ bán vô tư, thuận mua vừa bán, miễn là hằng tháng chúng em nộp đủ tiền chỗ ngồi là được". Trao đổi với thanh tra Sở Y tế Yên Bái về việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thực phẩm ở các chợ hiện nay thì nhận được câu trả lời: việc kiểm tra, kiểm soát không thể thực hiện thường xuyên được mà vấn đề này không phải chỉ của riêng Yên Bái, các tỉnh khác cũng vậy thôi.

Rau không rõ nguồn gốc ở chợ Đồng Tâm (TP Yên Bái).

Những con số đáng sợ

Trong 5 năm trở lại đây, Yên Bái đã xảy ra 354 ca ngộ độc thực phẩm lẻ với 741 người mắc và 16 trường hợp tử vong. Nguyên nhân cũng có nhiều như: ngộ độc vi sinh vật 16 vụ, 539 người mắc; ngộ độc thực phẩm biến chất 6 vụ, 53 người mắc; ngộ độc hóa chất tồn dư trong thực phẩm 12 vụ, 84 người mắc; ngộ độc tự nhiên 22 vụ, 65 người mắc. Ngộ độc thực phẩm đông người cũng đã từng xảy ra như: vụ ngộ độc bánh dày do một hộ ở xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) làm bánh bán tại xã Cát Thịnh làm 51 người phải nhập viện; vụ ngộ độc xảy tại một đám cưới hồi tháng 9 năm 2008 tại xã Yên Thắng (Lục Yên) làm cho nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng may mắn không có trường hợp nào tử vong.

 Theo thống kê mới đây nhất của ngành y tế Yên Bái, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 4.006 cơ sở thực phẩm, trong đó 1.174 cơ sở dịch vụ ăn uống, 415 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 2.417 cơ sở kinh doanh thực phẩm; có 88 chợ kinh doanh thực phẩm thì chỉ 52 chợ có mái che. Thị trường thực phẩm cũng vô cùng đa dạng với hàng sản xuất tại địa phương, thực phẩm từ các tỉnh khác chuyển đến, thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ năm 2004 đến nay, các ngành chức năng đã tiến hành 8.137 lượt thanh tra, kiểm tra ở cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra các chợ, nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ cho thấy, vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm phổ biến là hàng kém chất lượng, thường gặp ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa như: ẩm mốc, hết hạn sử dụng, phổ biến ở mặt hàng bánh, kẹo, thịt gà khô, bim bim, bột canh… Nhân viên một số cơ sở sản xuất thực phẩm không đeo găng tay, không mặc trang phục bảo hộ, để móng tay dài; dùng phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế như: hàn the trong giò chả, Foocmalin trong bánh phở, tép khô, váng đậu… Đặc biệt, 100% rượu nấu bằng công nghệ lên men truyền thống không đạt do chứa Aldehyt hoặc Fuafurol vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Mặt khác, dư lượng một số loại hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép trong rau quả là 10%.

Lời kết

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không phải chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế mà còn là công việc thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành chức năng, kể cả cấp chính quyền cơ sở. Hiện nay, việc triển khai Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế; công tác thông tin tuyên truyền, trang thiết bị, con người còn thiếu và yếu... Vì vậy, trước hết, mỗi người hãy là "Người tiêu dùng thông thái", biết cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.      

Thái Hưng

Các tin khác
Các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2008 chụp ảnh kỷ niệm chung với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Chiều ngày 23/3, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã gặp gỡ, tặng bằng khen và trao giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2008" cho 10 cá nhân xuất sắc.

Chà vá chân nâu

Qua phân tích âm thanh và quan sát thực địa, FFI phát hiện có 115 cá thể vượn Siki, loài động vật quý hiếm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam.

Năm 2008, các cơ sở y tế đã khám lao cho trên 14.300 lượt người, lấy trên 17.800 lam đờm để xét nghiệm, qua đó đã phát hiện mới 324 bệnh nhân.

YBĐT - Trong những năm qua, thực hiện Chương trình phòng, chống lao quốc gia, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với mạng lưới y tế cơ sở triển khai thực hiện tốt trên địa bàn toàn tỉnh nên đã đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, số bệnh nhân lao đã có chiều hướng giảm, phù hợp với xu hướng dịch tễ ở trong nước cũng như toàn cầu.

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây nên, cần có dự báo và cảnh báo sớm, chính xác diễn biến thời tiết và cộng đồng phải có biện pháp chủ động đối phó

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục