Thông tin mới nhất về thi tốt nghiệp THPT
- Cập nhật: Thứ bảy, 11/4/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 10.4, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Có rất nhiều điểm mới trong việc hướng dẫn thí sinh.
|
Đăng ký dự thi từ 21.4
Từ 21 - 30.4, tất cả thí sinh (TS) đăng ký dự thi nộp cho trường phổ thông. Phiếu đăng ký dự thi (ĐKDT) - 2 bản giống nhau - in theo mẫu của Bộ GD-ĐT, phải có cam đoan và chữ ký của TS.
Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy chứng minh nhân dân phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình TS không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu. Trường phổ thông kiểm tra hồ sơ, xác nhận điểm cộng thêm; hiệu trưởng ký tên và đóng dấu vào phiếu ĐKDT.
Cũng theo hướng dẫn này: người đã học hết chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi, ĐKDT tại trường phổ thông, nơi học lớp 12, không được ĐKDT ở cơ sở giáo dục khác. Học sinh lớp 12 năm học 2008 - 2009 ở giáo dục THPT không được ĐKDT tốt nghiệp THPT năm 2009 theo chương trình giáo dục thường xuyên.
TS tự do (cả giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên) nộp phiếu ĐKDT và hồ sơ ĐKDT tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi cư trú (theo xác nhận về cư trú của UBND cấp xã) hoặc tại trường phổ thông nơi học lớp 12. TS tự do đang đi công tác xa được ĐKDT trên địa bàn nơi công tác, nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú và nơi học lớp 12.
Điểm đáng lưu ý trong hướng dẫn này là: TS tự do của giáo dục THPT được phép ĐKDT tốt nghiệp giáo dục thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như TS tự do đã dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên. TS tự do không đủ điều kiện dự thi ở những năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi ĐKDT một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0; đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định.
Hướng dẫn cũng nêu rõ: TS tự do không đủ điều kiện dự thi do nghỉ quá 45 buổi học trong năm trước, nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần có xác nhận kiểm tra học lực. TS tự do không đủ điều kiện dự thi ở những năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm học lớp 12 thì phải có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh trật tự của địa phương, kèm theo phiếu ĐKDT của TS. TS tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2009 phải có xác nhận lại bản sao học bạ trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ thi của kỳ thi năm dự thi liền kề trước kỳ thi năm 2009.
Chậm nhất là ngày 7.5, các trường phổ thông hoàn chỉnh việc kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi của TS. Ngày 1.5 hết hạn đăng ký, trường phổ thông lập danh sách TS ĐKDT theo ban. Xếp TS theo thứ tự Ban Khoa học tự nhiên, Ban Khoa học xã hội và nhân văn, Ban Cơ bản, Giáo dục thường xuyên (nếu có); TS tự do đăng ký thi theo ban nào, ghi vào ban đó. Trong mỗi ban, tên TS (chữ cái đầu của tên TS) được xếp theo thứ tự a, b, c…
Không để xảy ra tình trạng TS bỏ thi
Điểm mới nhất trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT là Bộ GD-ĐT đã công bố rõ 5 yêu cầu, tiêu chí về tổ chức thi theo cụm, đó là: xây dựng phương án tổ chức thi đúng quy định của Quy chế và phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị; hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ. Về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Theo báo cáo về Bộ GD-ĐT đến ngày 10.4 thì cả nước chỉ có khoảng 6% trường tổ chức thi riêng lẻ theo 1 trường và 11% tổ chức thi gộp 2 trường. Còn lại, đều sẽ cố gắng để tổ chức thi theo cụm.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: các địa phương phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng TS bỏ thi vì lý do tổ chức thi theo cụm trường. Muốn làm được như vậy, địa điểm thi phải đảm bảo thuận tiện cho TS đến dự thi. Cụ thể là việc đi lại phải thuận tiện, không đi quá xa, mất nhiều thời gian, hạn chế phải đi qua các địa bàn giao thông phức tạp như những nơi thường xảy ra tai nạn trên đường bộ, cầu phà, đò qua sông; đáp ứng việc ăn, nghỉ đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu. Địa điểm thi phải đảm bảo về cơ sở vật chất, an toàn cho kỳ thi.
Mỗi cụm trường gồm ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên; hoặc thành lập cụm thi hỗn hợp gồm ít nhất 2 trường THPT và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên (khối giáo dục thường xuyên xếp xáo trộn, nhưng vẫn riêng một khối). Đây là yêu cầu tối thiểu; ghép được càng nhiều trường trong một cụm trường càng tốt.
Trong các cụm thi từ 3 trường trở lên: bình quân 6 phòng thi có 1 thanh tra của Bộ; trong các cụm thi có 2 trường hoặc trong các trường thi riêng lẻ: bình quân 5 phòng thi có 1 thanh tra của Bộ; trong các trường thi riêng lẻ: 2 phòng thi có 1 giám thị điều động từ trường đại học.
Công bằng trong tổ chức chấm thi chéo Để đảm bảo chặt chẽ và công bằng trong việc tổ chức chấm thi chéo, hướng dẫn nêu rõ: trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT và tiến hành chấm chung 10 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ "bài chấm chung" kèm theo chữ ký của Tổ trưởng tổ chấm thi và ít nhất 2 giám khảo. Tổ chấm thi lập biên bản thảo luận về việc chi tiết hóa hướng dẫn chấm, có chữ ký của tất cả thành viên và xác nhận của thanh tra Bộ. Nếu trong tổ có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong hướng dẫn chấm thi thì phải đề nghị chủ tịch hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tuyệt đối không được tự thay đổi hướng dẫn chấm thi và biểu điểm. Mỗi bài thi tự luận phải được hai giám khảo chấm độc lập, ghi điểm riêng theo số phách vào phiếu chấm cá nhân. Ông Nguyễn Văn Chiến - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết thêm: đoàn thanh tra chấm thi năm nay có thêm nhiệm vụ trực tiếp chấm thanh tra từ 5% đến 10% tổng số bài thi của TS (bài đã được hai giám khảo chấm độc lập và đã thống nhất điểm) để phát hiện những trường hợp vận dụng hướng dẫn chấm, biểu điểm chưa chính xác, chấm sai, bỏ qua dấu hiệu vi phạm quy chế thi. |
Các tin khác
YBĐT - Ngày 10/4, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị HTX - Doanh nghiệp năm 2009, Kỷ niệm 15 năm thành lập Liên minh HTX tỉnh. Tới dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Xuân Hiên – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh; các Chủ nhiệm HTX và Doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Nắng sớm, mưa lớn trái mùa lên tới hơn 100 "li" vào tháng 2 ở Trung và Nam Bộ, hè năm nay dự báo sẽ nắng nóng gay gắt hơn năm ngoái... Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn TW, đây là những dấu hiệu bất thường của thời tiết "cực đoan" năm nay.
YBĐT - Huyện Văn Yên (Yên Bái) đang đứng trước những thách thức mới về lao động, việc làm, giáo dục, y tế, chênh lệch giới tính khi tỷ lệ sinh cao. Đặc biệt là trong ba năm trở lại đây, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở đây đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại. Nếu như năm 2005 tỷ lệ tăng dân số 1,1%, năm 2007 đã là 1,12% và năm 2008 tăng lên 1,25%, số hộ sinh con thứ ba trở lên giảm rất chậm.
YBĐT - Tính đến ngày 7/4/2009, thành phố Yên Bái thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở được 12.165 hộ, với 44.650 nhân khẩu thuộc địa bàn; thực hiện tổng điều tra ở địa bàn mẫu được 1.486 hộ, với 2.415 nhân khẩu.