Chú trọng nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm qua, công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến rõ nét, được đánh giá là một trong những đoàn thể khá. Tuy nhiên, so với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thì công tác này còn hạn chế. Trong đó, công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, nguồn cán bộ nữ thiếu hụt, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số.

Nâng cao năng lực cho cán bộ hội phụ nữ cơ sở luôn được Hội LHPN tỉnh Yên Bái chú trọng quan tâm.
Nâng cao năng lực cho cán bộ hội phụ nữ cơ sở luôn được Hội LHPN tỉnh Yên Bái chú trọng quan tâm.

Yêu cầu đổi mới, nâng cao năng lực cán bộ hội

Là lực lượng chiếm tới 53% lao động xã hội, phụ nữ các dân tộc Yên Bái đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cũng như xây dựng tỉnh ngày càng phát triển. Thông qua phong trào thi đua và các chương trình trọng tâm công tác hội, hội phụ nữ có bước đột phá trong phát triển kinh tế, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo bằng nhiều giải pháp, trong đó giúp vốn, tạo việc làm là khâu quyết định.

Cái nghèo về vật chất cơ bản được đẩy lùi nhưng vấn đề "xóa nghèo" kiến thức, nâng cao năng lực cán bộ hội phụ nữ cơ sở luôn là trăn trở của những người làm công tác hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xác định, đổi mới, nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở sẽ góp phần thu hút, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia vào tổ chức hội nên đã tập trung chỉ đạo các cơ sở đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội gắn với kiện toàn tổ chức theo mô hình 3 cấp, đặc biệt quan tâm hướng về cơ sở. Hàng năm, hội tổ chức khảo sát, phân loại chất lượng cán bộ để kịp thời thay thế những cán bộ yếu, thiếu nhiệt tình; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

Đồng thời bổ sung, kiện toàn những cán bộ nhiệt tình, có năng lực vào các vị trí chủ chốt. Nhiệm kỳ 2006 - 2011, đội ngũ cán bộ hội cơ sở có những thay đổi tích cực cả về số lượng và chất lượng, tuổi đời từng bước được trẻ hóa, bảo đảm tính kế thừa, có 80% cán bộ hội ở độ tuổi 20 - 40; số ủy viên ban chấp hành có trình độ THCS, THPT tăng so với nhiệm kỳ trước.

Vẫn còn những bất cập

Đã có nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu đổi mới hiện nay thì đội ngũ cán bộ hội vẫn còn nhiều bất cập. Năng lực, trình độ, nhận thức của một bộ phận cán bộ, hội viên cơ sở (đặc biệt ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) còn nhiều hạn chế. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị của cán bộ hội mới chỉ đạt 58%; trình độ văn hóa cấp I chiếm trên 30%, còn 13 chủ tịch, phó chủ tịch hội các xã vùng cao đã được phổ cập giáo dục tiểu học song vẫn chưa đọc thông viết thạo. Qua khảo sát, đầu năm 2007, có gần 4.000 chị tuổi từ 18 đến 40 còn mù chữ và tái mù chữ. Năng lực tổ chức, điều hành sinh hoạt của một số cán bộ chi, tổ phụ nữ và ban chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ có mặt còn hạn chế.

Chị Lý Thị Dông - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) chia sẻ: "ở xã mình, tìm được người tích cực tham gia công tác hội khó quá! Phụ nữ trẻ có trình độ văn hóa lấy chồng sớm, phải làm cái nương cái rẫy, lo toan cuộc sống, họ không tích cực tham gia công tác hội. Chỉ có những gia đình kinh tế khá giả, ít con, được chồng quan tâm thì mới có thời gian tham gia phong trào. Xã còn 3 chi hội cần củng cố mà chưa chọn được người thay thế...". Hiện nay, ở một số cơ sở xã, cán bộ hội đã cao tuổi, có kinh nghiệm dù thiếu năng động nhưng vẫn phải giữ lại vì chưa đủ năm công tác để nghỉ chế độ; có nơi đã bầu chọn được cán bộ trẻ có trình độ, nhiệt tình nhưng lại chưa có kinh nghiệm vận động.

Thực tế cho thấy, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và xã hội về bình đẳng giới, về vai trò và năng lực của phụ nữ còn hạn chế; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ chưa đầy đủ, có nơi còn khoán trắng cho hội phụ nữ. Công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ ở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, chưa mạnh dạn giao việc cho phụ nữ. Hội phụ nữ cấp cơ sở chưa tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, chính quyền về công tác phụ nữ.

Năng lực, trình độ cán bộ hạn chế nên phong trào hoạt động chưa thực sự hiệu quả, tập trung ở các xã vùng cao khó khăn, phần lớn chị em trong độ tuổi 18 - 40, vừa là lao động chính trong gia đình lại vừa trong độ tuổi sinh đẻ. Thêm vào đó, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ hội (chi hội trưởng) phụ nữ cơ sở không có, phần lớn chị em hoạt động bằng nhiệt tình, trách nhiệm và hưởng phụ cấp từ các chương trình lồng ghép hoạt động y tế thôn bản, dân số, đại biểu HĐND hoặc thông qua các dự án... Và còn nhiều nguyên nhân khác nữa như: nghèo đói, đông con, an phận, mặc cảm, tự ti, chưa tích cực vươn lên.

Nâng cao năng lực cán bộ từ cơ sở

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội và xây dựng các mô hình thu hút hội viên. Riêng trong năm 2008, đã có 15 chủ tịch hội theo học trung cấp chính trị, trung cấp nông nghiệp tại tỉnh; 19 chị học chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước. Hội đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị tỉnh và các huyện, thị mở 107 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 3.180 ủy viên thường vụ, ban chấp hành, cán bộ chi, tổ hội cơ sở. Sau khi được đào tạo, đội ngũ này đã mạnh dạn, tự tin hơn, thường xuyên đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành phong trào tại địa phương. Hiện nay, Hội LHPN Yên Bái tích cực chỉ đạo thực hiện Đề án: "Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2011".

Trong đó chú trọng các hoạt động tuyên truyền gắn với giáo dục truyền thống, vận động chị em tích cực học tập, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực, kiến thức mọi mặt; vận động chị em tích cực tham gia các phong trào, 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác hội; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ phụ nữ và các câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ. Mặt khác, các cấp hội cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội; phối hợp với các ngành chức năng lồng ghép những chương trình hoạt động, chương trình dự án để mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn.

Đặc biệt là phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các lớp xóa mù chữ, sau xóa mù chữ cho phụ nữ và phổ cập giáo dục tiểu học, THCS cho cán bộ hội vùng cao. Cần tổ chức tốt các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức giới, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, thực hiện 5 mục tiêu quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Luật Bình đẳng giới. Các cấp hội tích cực tham mưu với cấp ủy thực hiện tốt Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ và Nghị quyết 11/NQ - TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 20% trở lên, tham gia HĐND các cấp đạt 35%, tham gia UBND các cấp đạt 30%.

Phấn đấu đến năm 2010, có 60% phụ nữ từ 18 đến 40 tuổi đã học xóa mù chữ được tiếp tục học sau xóa mù chữ; 100% cán bộ chủ chốt hội phụ nữ cơ sở vùng cao có trình độ THCS và có trình độ sơ cấp chính trị trở lên, được phổ cập tin học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển.

Quỳnh Nga

Các tin khác
Các học viên tham gia lớp tập huấn.

YBĐT - Ngày 13/4, Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức lớp tập huấn cưỡng chế thi hành Luật Giao thông đường bộ cho 70 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông và các lực lượng hỗ trợ khác.

Các thí sinh dự thi tại TP HCM.

Lần đầu tiên, kỳ thi Olympic Toán học khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APMOPS) cho học sinh khối lớp 6,7 tại Hà Nội và TP HCM được tổ chức.

Giờ học môn Văn của học sinh lớp 12A, Trường THPT Sơn Thịnh (Văn Chấn).

YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2009 đang đến gần, thầy và trò ở các các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái gấp rút dạy và học, hoàn thành chương trình của các môn học; tập trung ôn tập, luyện thi, rèn kỹ năng làm bài thi, tâm lý thi cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Thầy và trò Trường THPT Sơn Thịnh (Văn Chấn) cũng đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh khối 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm nay.

YBĐT - Ngay từ đầu năm 2009, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tích cực tuyên truyền các chế độ chính sách BHXH theo luật mới tới các đơn vị, chủ sử dụng lao động và người lao động trên toàn thị xã. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, Nghị quyết số 46/CT-TW của Bộ chính trị cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên về công tác BHXH từ thị xã đến cơ sở, việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các chế độ BHXH trên địa bàn đã góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục