Nguy cơ dịch bệnh từ trà đá vỉa hè

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mùa hè nắng nóng, là thời điểm mà hoạt động kinh doanh buôn bán đá cây trở lên “nóng” hơn bao giờ hết. Vì thế, nhu cầu tìm mua đá cây để sử dụng pha chế đồ uống, nước giải khát gia tăng đáng kể. Thực tế, vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của đá cây đang bị bỏ ngỏ, nguy cơ phát dịch luôn tiềm ẩn - nhất là vào thời điểm này khi dịch tiêu chảy cấp chưa được dập tắt hoàn toàn.

Khu vực sản xuất tại một cơ sở sản xuất đá cây ở thành phố Yên Bái.
Khu vực sản xuất tại một cơ sở sản xuất đá cây ở thành phố Yên Bái.

Đá cây tràn ngập các quán nước

Các quán trà đá vỉa hè chủ yếu dùng đá cây pha chế đồ uống, bởi mỗi 1 kg đá sạch có giá cao gấp 3 - 4 lần so với đá cây, đá viên. Dạo quanh một vòng quanh khu vực Quảng trường 19-8 thành phố Yên Bái, từ 17h hàng ngày, tấp nập người ngồi uống trà đá tại các quán cóc với nhiều lý do khác nhau, người thì chơi thể thao về làm cốc nước nhân trần cho mát, người ra ngồi hóng gió…

Chúng tôi vào một quán nước ở cạnh quảng trường, bà chủ quán mời: “Cháu uống trà đá hay nhân trần?”. Sau khi biết chúng tôi uống nước nhân trần đá, bà chủ thoăn thoắt dùng tay không bốc từng vốc đá đã được đập nhỏ từ chiếc thùng nhựa cáu bẩn cho vào chiếc cốc thủy tinh sẵn có nước nhân trần pha loãng. Khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của đá cây, bà chủ quán có vẻ không hài lòng nhưng vẫn gượng trả lời: “Tôi lấy lại đá ở các quán bia giải khát ở bờ hồ với giá đắt hơn chút, nhưng không phải tốn nhiều công sức đi xa, còn họ lấy trực tiếp ở các điểm bán đá cây ở km 6 và km 4 thì giá rẻ hơn nhiều”.

Thấy chúng tôi thắc mắc, tại sao không dùng đá do nhà tự làm mà dùng đá cây, bà chủ trả lời ngay: “Bán được cốc trà đá mà dùng đá sạch thì còn lời lãi gì hả chú, bởi giá thành mỗi kg đá sạch cao gấp 3 - 4 lần so với đá cây, đá viên thông thường”. Nhìn cốc  nước nhân trần đá đầy váng kim loại, thêm vào đó với mùi hơi tanh tanh trên tay mà chúng tôi không khỏi giật mình.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các quán cóc ở đây đều mua đá cây gián tiếp về để sử dụng pha chế trà, nhân trần đá. Không chỉ quanh khu vực này, mà còn nhiều địa điểm khác như: khu vực đầu cầu Yên Bái, khu vực gần công viên Yên Hòa đều sử dụng các loại đá cây, đá viên có nguồn gốc xuất sứ, chất lượng không đảm bảo để bán cho người tiêu dùng. Chủ một ki ốt bán đồ uống, nước giải khát khu vực km5 phường Đồng Tâm tiết lộ: “Sử dụng loại đá cây để pha chế là thuận tiện hơn cả. Vì loại đá này rất dễ bào nhỏ, từ trước đến nay cũng chẳng thấy ai thắc mắc hay bị bệnh tật gì?” - đó là lời “bảo hành” duy nhất mà các chủ quán đưa ra khi có người thắc mắc về chất lượng VSATTP cũng như nguồn gốc, xuất sứ của các loại đá này.

Dịch bệnh có thể phát sinh từ đá cây

Để tìm hiểu thêm về nguồn gốc đá cây, đá viên mà các quán giải khát, trà đá thường lấy về tiêu thụ, chúng tôi đến một điểm bán đá cây nhỏ ở km 6. Tại đây, ông chủ cửa hàng bán đá cây cho biết: “Gia đình tôi làm nghề này được 16 năm rồi, thường cung cấp đá cho dăm ba quán quen để pha chế đồ uống giải khát. Giá của một cây nặng từ 2 đến 3 kg với giá khoảng 2 nghìn đồng, điều này còn tuỳ vào khách mua”. Thật đáng ngại, tất cả đá làm ra đều lấy nước trực tiếp từ giếng, nước máy. Khi được hỏi về chất lượng vệ sinh nguồn nước làm đá, ông chủ không ngần ngại trả lời: “Cách đây mấy năm có đoàn đến lấy mẫu nước về xét nghiệm xem có đạt yêu cầu hay không? Từ đó đến nay không thấy ai kiểm tra gì nữa cả…”.

Theo quan sát dụng cụ dùng để bảo quản số đá cây, đá viên trên chỉ là những tấm bạt, hộp xốp cáu bẩn quấn quanh; ngoài ra, tủ làm đá còn được chủ nhà tranh thủ bảo quản thực phẩm tươi sống, do đó rất mất vệ sinh an toàn thực phẩm... Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, cơ quan y tế cũng đã cảnh báo, nước đá cây được bày bán ở vỉa hè cũng là một trong những nguyên nhân, nguồn lây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Chất lượng nguồn nước, quá trình sản xuất cũng như thiết bị thiếu đảm bảo, đang là những vấn đề đáng báo động tới vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề quản lý về VSATTP của mặt hàng đá cây, đá viên đang cần lời giải đáp từ phía các cơ quan chức năng. Mong sao người tiêu dùng sản phẩm này ở Yên Bái không phải nhập viện vì lý do chất lượng VSATTP của đá cây.

Trần Minh

Các tin khác

Theo thông báo của Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến sáng nay, 30-7, toàn thế giới đã ghi nhận 168.895 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó số ca tử vong đã lên con số 1.000 người.

Nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen vì đã có những thành tích trong chương trình phối hợp hành động giữa Bộ CHQS và Hội LHPN.

YBĐT - Ngày 30/7, Hội phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm Chương trình phối hợp hành động giữa Hội LHPN và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái giai đoạn 2003 – 2008.

Vấn đề nước sinh hoạt hợp vệ sinh và môi trường nông thôn luôn là vấn đề bức xúc. Người dân nông thôn sử dụng chủ yếu nước giếng đào ở vùng thấp, nước lần, khe suối ở vùng cao, vệ sinh môi trường nông thôn ngày một ô nhiễm. Chúng ta không thể thực hiện xóa đói nghèo, nếu không đem được nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho số người dân nông thôn và cải thiện môi trường sống!

YBĐT - Là một trong những xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái) song trong những năm vừa qua, phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở Sơn Lương luôn được cấp uỷ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Bắt đầu bằng việc xây dựng các phong trào ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, dòng họ hiếu học, xây dựng thí điểm làng văn hoá với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và xoá bỏ các hủ tục, bài trừ các tệ nạn xã hội... Sơn Lương đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục