Phòng chống cúm trong giai đoạn lan rộng ra cộng đồng
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/7/2009 | 12:00:00 AM
Hiện Việt Nam đang xuất hiện các ca nhiễm vi rút H1N1 không có triệu chứng. Vì thế cần có sự kết hợp của toàn thể xã hội, mỗi người tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng các biện pháp phòng dịch được khuyến nghị dưới đây.
Hàng triệu triệu giọt dịch mang vi khuẩn sẽ phát tán vào không khí, lây cho người tiếp xúc nếu không che chắn mỗi khi hắt hơi.
|
Theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), cúm A/H1N1 sẽ phát triển mạnh vào mùa Đông tới. Thậm chí đại dịch có thể xảy ra, số người mắc cúm có thể ở tỷ lệ từ 15.000 đến 35.000 trường hợp/100.000 người và tỷ lệ tử vong sẽ từ 1-2%, BS Nguyễn Công Hùng, chuyên viên Viện Pasteur TPHCM cho biết tại buổi nói chuyện về tình hình cúm phía Nam, ngày 30/7.
Dịch cúm đang ở giai đoạn lây lan trong cộng đồng
Nhiều ổ cúm đã xuất hiện trong giai đoạn này dẫn đến sự lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Có thể nói ổ cúm mở đầu cho sự lây lan nhanh chóng là ổ cúm ở ấp Việt Kiều (Đồng Nai) gồm 38 người, hiện đã xử lý xong ca cuối cùng và cho xuất viện ngày 28/7, sau 4 lần tái xét nghiệm và được xác định âm tính.
Trong khi đó, ổ cúm ở trường Ngô Thời Nhiệm (Q.9), đã có 104 ca dương tính gồm học sinh, thầy cô giáo, 2 dân quân và ngay cả 1 nhân viên khử trùng cũng bị lây cúm. Trường Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) đã có 23 ca và đại học RMIT là 10 ca dương tính…Ngày hôm qua, chính Bộ trưởng nguyễn Quốc Triệu đã cho biết dịch cúm đang lây lan theo cấp số nhân.
Theo BS Nguyễn Công Hùng, điều đáng quan tâm là bắt đầu có nhiều ca bệnh không rõ nguồn tiếp xúc, kéo theo đó là nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Do đó việc dùng khẩu trang để tự bảo vệ mình và tránh lây lan cho cộng đồng là rất cần thiết.
BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, nhấn mạnh khẩu trang vải thông thường dùng đúng cách (giặt thường xuyên và là ở nhiệt độ 70oC trước khi dùng) cũng có tác dụng như khẩu trang y tế. Còn khẩu trang chuyên dụng (N95, khẩu trang y tế) chỉ cần dùng trong trường hợp đang làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly, hoặc tiếp xúc với người bệnh, người nghi nhiễm (có các yếu tố dịch tễ liên quan).
Vi rút cúm A/H1N1 có khả năng sống sót trong các điều kiện sau:
- 24 đến 48 giờ trên bề mặt cái loại vật dụng
- 8 đến 12 giờ trên quần áo, giấy, cơ thể
- 5 phút trên bàn tay
- 4 ngày trong nước ở nhiệt độ 22oC, 30 ngày ở nhiệt độ 0oC
Nhưng vi rút này sẽ không hoạt động ở nhiệt độ 60oC trong 30 phút, hay trong dung dịch acid Ph, hoặc trong các loại hóa chất khử khuẩn như cồn 70o, chlorine.
Quan trọng nhất vẫn là ý thức tự phòng vệ
BS Nguyễn Công Hùng cảnh báo, người bị cúm thường có những triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, đau họng… nhưng ở Việt Nam hiện có nhiều ca nhiễm vi rút cúm A/H1N1 nhưng không có một triệu chứng nào cả, chỉ khi xét nghiệm mới biết cơ thể đang mang vi rút H1N1. Vì thế nguy cơ gây lây lan trong cộng đồng của những trường hợp này là rất cao.
Cũng theo BS Hùng, một trong những nguyên nhân có thể làm cho việc điều trị khó khăn, xuất hiện các ca điều trị kéo dài là do hiện nay có nhiều người dân lo lắng, sợ hãi, tìm đủ cách để có thuốc Tamiflu (uống dự phòng). Điều này có thể gây ra các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách. Vì thế khuyến cáo chung vẫn là: người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế. Chỉ những ai có tiếp xúc gần với người bệnh mà thiếu trang bị bảo hộ mới cần dùng Tamiflu dự phòng.
Theo WHO, trong các biện pháp dự phòng không dùng thuốc thì truyền thông vẫn là biện pháp tốt nhất vì qua đó, người dân nhận biết được cách tự phòng vệ bằng việc giữ vệ sinh cá nhân, tránh nơi đông người, hạn chế đi lại…
Theo đó, cần có sự kết hợp của toàn thể xã hội trong công tác đối phó với dịch cúm. Mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn,
- Vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc,
- Lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường,
- Che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi (đeo khẩu trang)
Các cơ quan chức năng cần thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các địa phương tập trung đông dân, nơi có nguy cơ bùng phát dịch, chú ý các địa phương vùng sâu, vùng xa.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Ngày 30.7, báo cáo tại cuộc họp bàn kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thực phẩm tươi sống của Bộ NN-PTNT, cho biết hiện mới chỉ có 45% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có giấy phép do các cơ sở thú y cấp; 65% cơ sở không thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng sau giết mổ và chỉ có 25% cơ sở sử dụng nước máy; hầu hết các cơ sở buôn bán thịt của tư nhân chưa có thiết bị bảo quản lạnh, quầy lạnh.
YBĐT - Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bản chất không phải là công việc khó, nhưng để tuyên truyền có hiệu quả, nội dung tuyên truyền thực sự đọng lại trong tâm trí của đối tượng được tuyên truyền lại là vấn đế rất khó.
YBĐT - Mùa hè nắng nóng, là thời điểm mà hoạt động kinh doanh buôn bán đá cây trở lên “nóng” hơn bao giờ hết. Vì thế, nhu cầu tìm mua đá cây để sử dụng pha chế đồ uống, nước giải khát gia tăng đáng kể. Thực tế, vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của đá cây đang bị bỏ ngỏ, nguy cơ phát dịch luôn tiềm ẩn - nhất là vào thời điểm này khi dịch tiêu chảy cấp chưa được dập tắt hoàn toàn.
Theo thông báo của Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến sáng nay, 30-7, toàn thế giới đã ghi nhận 168.895 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó số ca tử vong đã lên con số 1.000 người.