Yên Bái: Thực hiện Đề án 523 còn nhiều lúng túng!

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vì sao việc đưa người vào cai nghiện tập trung hàng năm tại Trung tâm CB-GD-LĐXH tỉnh không đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Đề án? Thực tế cho thấy, số NNMT gây bức xúc trong cộng đồng cần đưa đi cai nghiện thường là những đối tượng phức tạp, nghiện nặng, nhiều tiền án, tiền sự, tái nghiện chỉ sau thời gian ngắn.

Các học viên lớp cai nghiện tại xã Cát Thịnh (Văn Chấn) trong giờ sinh hoạt nghe cán bộ quản lý lớp phổ biến nội quy.
(Ảnh: Sùng Đức Hồng)
Các học viên lớp cai nghiện tại xã Cát Thịnh (Văn Chấn) trong giờ sinh hoạt nghe cán bộ quản lý lớp phổ biến nội quy. (Ảnh: Sùng Đức Hồng)

Công tác cai nghiện ma tuý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai là một trong chín giải pháp chủ yếu được qui định cụ thể tại Quyết định số 49/2005/QĐ-TTg ngày 10/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma tuý đến năm 2010”. Thực hiện chủ trương trên, Sở Lao động- Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu cho UBND tỉnh lập Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý và thí điểm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma tuý (NNMT) sau cai, giai đoạn 2006- 2010” trình Hội đồng nhân dân tỉnh và được phê chuẩn tại kỳ họp thứ 9- HĐND tỉnh khoá 16. UBND tỉnh đã chính thức ký ban hành Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 20/4/2007 (gọi tắt là Đề án 523). Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án này, hiệu quả có thực sự rõ nét?

Từ thực trạng cũng như theo số liệu của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Sở LĐ - TB&XH, năm 2007 và 2008, chỉ tiêu mỗi năm cai 600 người nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) tỉnh nhưng số người được cai nghiện chỉ đạt 40- 42% chỉ tiêu; 6 tháng năm 2009 mới thực hiện cai cho 72/500 người nghiện, đạt 14,4%. Riêng công tác cai nghiện tại cộng đồng, tuy tiến độ chậm nhưng tỷ lệ người được cai tập trung tương đối cao (năm 2007 đạt 117%, năm 2008 đạt 123%). Không những công tác cai nghiện cho đối tượng tại Trung tâm đạt thấp so với chỉ tiêu Đề án, việc dạy nghề cho NNMT sau cai cũng chưa bảo đảm so với kế hoạch. Từ năm 2007 đến hết tháng 6 năm 2009 mới dạy nghề được 290/390 người theo kế hoạch. Vấn đề tạo việc làm cho người nghiện ma tuý sau cai trên thực tế lại càng khó thực thi.

Tìm hiểu một số doanh nghiệp, hầu hết đều tỏ ra không mặn mà tiếp nhận các đối tượng sau cai nghiện mặc dù trong Đề án 523 có đề cập đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nếu nhận NNMT sau cai vào làm việc. Hết thời gian cai nghiện, NNMT trở về tái hoà nhập cộng đồng, về địa phương, gia đình không được quản lý chặt chẽ, khả năng tìm việc làm là rất thấp, chỉ một số nhỏ NNMT sau cai được gia đình giúp đỡ, tự lo tạo việc làm... Phần lớn số NNMT sau cai không việc làm, chưa ổn định cuộc sống và tiếp tục sống buông thả nên lại tái nghiện (trên 90%).

Nhiều người cũng thừa nhận việc làm cho người bình thường còn khó huống chi người mắc nghiện. Đến nay cũng chưa tìm ra được một mô hình nào hiệu quả, có tính khả thi về vấn đề việc làm cho NNMT sau cai. Khu C của Trung tâm CB-GD-LĐXH mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 200 NNMT. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc khai thác, bốc xếp đá chủ yếu dùng máy móc nên rất ít việc dành cho lao động thủ công, do đó, số NNMT làm ở đây cũng đã giảm đáng kể.

Vì sao việc đưa người vào cai nghiện tập trung hàng năm tại Trung tâm CB-GD-LĐXH tỉnh không đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Đề án? Thực tế cho thấy, số NNMT gây bức xúc trong cộng đồng cần đưa đi cai nghiện thường là những đối tượng phức tạp, nghiện nặng, nhiều tiền án, tiền sự, tái nghiện chỉ sau thời gian ngắn. Nhưng theo qui định tại Điều 199- Bộ luật Hình sự, người nghiện sau cai ở Trung tâm ra thì phải sau 24 tháng mới được đưa trở lại Trung tâm nếu tái nghiện. Công tác quản lý và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính ở cấp xã, phường chưa thật chặt chẽ, kịp thời.

Các học viên lớp cai nghiện tại xã Cát Thịnh (Văn Chấn) trong giờ sinh hoạt nghe cán bộ quản lý lớp phổ biến nội quy.

Nhiều trường hợp khi xét duyệt hồ sơ để đưa đi cai nghiện tập trung thì hầu hết chưa qua biện pháp xử lý hành chính ở cơ ở như: giáo dục tại xã, phường hoặc chưa qua cai nghiện tại cộng đồng. Cán bộ cơ sở cấp huyện, xã làm công tác cai nghiện hầu như không chuyên, thường biến động, thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong việc triển khai, tham mưu trước công việc khó khăn phức tạp này.

Phương pháp trị liệu bằng Methadon hiện đã được một số nước trên thế giới áp dụng hiệu quả vì giá thành của thuốc rất rẻ (7- 8 ngàn đồng/liều), người bệnh sẽ được cấp phát hoặt mua để dùng mỗi ngày dưới sự quản lý chặt chẽ của bộ phận chức năng.

Các đối tượng tái nghiện, khó cai, thu nhập thấp có thể trị liệu bằng phương pháp này. Nếu phương pháp trị liệu mới được áp dụng sẽ góp phần làm giảm nguy cơ người nghiện phạm tội.

Một nguyên nhân nữa khiến việc triển khai gặp không ít khó khăn, là nhiều đối tượng khi đã có quyết định đưa đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm thường lẩn trốn. Đặc biệt là các xã vùng cao, khi có lực lượng công an huyện tiếp cận đến đầu xã thì người nghiện đã biết và trốn vào rừng, phải nhiều lần mới tiếp cận được đối tượng, thậm chí có những đối tượng nhiều năm sau vẫn không bắt được...

Việc tổ chức cai nghiện, dạy nghề và giải quyết việc làm cho NNMT sau cai thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người nghiện, tạo điều kiện cho người nghiện có cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, bảo đảm an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Để Đề án 523 tiếp tục được triển khai hiệu quả, các ngành chức năng cần bám sát mục tiêu Đề án đã đặt ra. Ban chỉ đạo 138 cấp huyện, xã cũng cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại cơ sở thông qua kết quả đợt tổng rà soát NNMT vừa qua làm căn cứ để xét duyệt, quyết định đưa NN đi cai tập trung diện bắt buộc theo kế hoạch giao hàng năm.

Cai nghiện tại cộng đồng vẫn là giải pháp cần thiết trong điều kiện cơ sở vật chất tại Trung tâm còn thiếu thốn. Việc thực hiện mô hình quản lý, giải quyết việc làm sau cai là thiết thực, cần nghiên cứu cách làm cụ thể, thí điểm tại một vài đơn vị xã, phường để nhân rộng. Về biện pháp can thiệp giảm tác hại, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức cai nghiện bằng nhiều hình thức, Sở LĐ - TB&XH đã nghiên cứu tham mưu cho tỉnh xem xét báo cáo Chính phủ cho phép tỉnh Yên Bái được thí điểm áp dụng trị liệu thay thế bằng Methadon cho những NNMT đã qua cai nghiện nhiều lần.

Huy Văn

Các tin khác
Khu cách ly điều trị cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 kèm theo hội chứng Down đã tử vong do hội chứng suy hô hấp tiến triển dẫn đến suy đa tạng

Ngày 10-8, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các sở GD-ĐT, học viện; trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đề nghị tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đối với HS-SV. Đồng thời đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện chương trình tín dụng HS-SV.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa ra thông tư Quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS).

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 9 đến 13-8, Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về AIDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICAAP IX) với chủ đề "Tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân, mở rộng các mạng lưới" sẽ diễn ra tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục