Cát Thịnh: Những người nhiễm HIV/AIDS được cộng đồng chia sẻ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đây là lần thứ 2, người thanh niên 27 tuổi, dân tộc Dao Dương Kim Khanh ở thôn Nậm Tộc 2, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) tham gia vào lớp cai nghiện tại cộng đồng của xã. Nhưng với Dương Kim Khanh lần này lại khác, anh không tham gia để cắt cơn, mà anh tham gia với tư cách là đồng đẳng viên giúp các học viên khác cai nghiện, tuyên truyền, vận động mọi người trong lớp hiểu tác hại của ma tuý và đặc biệt là tuyên truyền về cách phòng, tránh lây nhiễm HIV cho người thân cũng như trong cộng đồng.

Bởi chính Khanh, rồi vợ Khanh cũng đang mang trong mình con virut chết người đó, và giờ con trai Khanh đang chờ đủ 18 tháng tuổi để được xét nghiệm HIV. Hơn ai hết Khanh hiểu nỗi đau của những gia đình có người nhiễm HIV/AIDS. Đó là nỗi đau dai dẳng chưa hồi kết.

  

Năm 2005, Cát Thịnh có 7 người tử vong do AIDS.

Năm 2006 là 4 người.

Năm 2007 là 11 người.

Năm 2008 có 13 người.

Từ đầu năm đến nay số người tử vong do AIDS là 6 người.

 

Đó cũng mới chỉ là con số được xã quản lý qua xét nghiệm khẳng định ngoài ra còn nhiều ca tử vong mà người chết chưa từng đi xét nghiệm nhưng có liên quan đến tiêm chích ma tuý.

Trong số người đã tử vong do AIDS có đến 70% ở độ tuổi từ 19-30.

Vài năm trước, Cát Thịnh từng là điểm nóng về ma tuý và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Từ những cuộc làm ăn, khai thác gỗ, đào vàng trong rừng sâu và sự bồng bột, thiếu hiểu biết của Khanh cũng như nhiều thanh niên trong xã như Khanh lúc bấy giờ về ma tuý, về HIV chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiễm HIV một cách dây chuyền trong cộng đồng. Có nhiều người đã chết vì HIV/AIDS, cũng có nhiều người chết không rõ nguyên nhân. Nhiều gia đình cả 2 vợ chồng cùng chết vì AIDS, để lại những đứa con nhỏ dại như vợ chồng chị gái của Khanh là một ví dụ.

 

Cơn lốc HIV/AIDS quét qua xã Cát Thịnh tưởng như khó có thể gượng dậy được. Rồi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự trợ giúp của những dự án như Dự án phòng chống HIV/AIDS của Ngân hàng Thế giới, Dự án Phòng chống lạm dụng ma tuý và HIV/AIDS trong đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Bắc đã giúp Cát Thịnh dần tìm được lời giải cho bài toán khó. Cùng với đó, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS của xã được thành lập, sự ra đời của các CLB Bạn với bạn của các nhóm đồng đẳng… những người nhiễm HIV được chia sẻ, được động viên, được chăm sóc, và hơn hết HIV ở Cát Thịnh đã được kiểm soát.

 

Công tác tuyên truyền là một biện pháp hữu hiệu nhất lúc này được đẩy mạnh. Những nhóm đồng đẳng ra đời được xem như là lực lượng tuyên truyền hiệu quả nhất. Toàn xã hiện có 4 giáo dục viên đồng đẳng được chia thành các nhóm, mỗi nhóm phụ trách 8-10 đồng đẳng viên hoạt động theo địa bàn được phân công. Dương Kim Khanh cũng là một trong những giáo dục viên đồng đẳng tích cực nhất của xã.

 

Thật may mắn cho Khanh cũng 24 học viên tham gia lớp cai nghiện tại cộng đồng của xã vừa kết thúc, Dự án VNM-J04 triển khai cho vay vốn sau cai giúp các học viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

 

Đối với 59 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mà xã đang quản lý thì có 16 người đang dùng thuốc ARV. Những người nhiễm HIV/AIDS thường xuyên được tư vấn sức khoẻ, tư vấn trong sinh hoạt hằng ngày nên những người nhiễm HIV/AIDS ở Cát Thịnh đã đẩy lùi được cảm giác sợ hãi, xấu hổ và giờ đây họ tự biết cách chăm sóc bản thân, bảo vệ những người xung quanh.

 

Hơn lúc nào hết sự chia sẻ của cộng đồng với những người nhiễm HIV/AIDS ở Cát Thịnh đang là động lực giúp họ vượt lên chính bàn thân, hoà nhập cộng đồng. Và sự chia sẻ của cộng đồng có trách nhiệm ấy là giải pháp hữu hiệu nhất để từng bước đẩy lùi HIV/AIDS.

 

Thanh Ba – Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - Ngày 14/8/2008, Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm 2009 và bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa ban hành thông tư yêu cầu, kể từ ngày 19-9-2009, tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) mọi tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường, thị trấn cấp sổ quản lý chó...

YBĐT - Nhằm giúp người lao động trên địa bàn tiếp thu được những kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông – lâm nghiệp, từ đầu tháng 7 đến nay Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật và các xã khai mạc 7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 200 lao động chính ở các xã: Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải, Khao Mang và Hồ Bốn. Các nghề đào tạo gồm: chăn nuôi – thú y, bảo vệ thực vật, trồng trọt – chế biến nông sản.

Cô và trò Trường mầm non xã Minh Tiến (Lục Yên) trong giờ học hát.

YBĐT - Năm học 2009-2010, huyện Lục Yên (Yên Bái) có 76 trường học với 856 nhóm lớp, 21.260 cháu mẫu giáo và học sinh. Để chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ năm học mới, ngay sau khi kết thúc năm học 2008-2009, Phòng Giáo dục & đào tạo đã triển khai kế hoạch tập huấn bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các bậc học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục