Yên Bái từng bước hoàn thiện, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/8/2023 | 11:19:47 AM

YênBái - Mặc dù là tỉnh miền núi nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, cấp ủy, chính quyền Yên Bái luôn quan tâm triển khai xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (TCVHTT) cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Các tổ chức đoàn thể cùng người dân thôn 1, xã Mường Lai, huyện Lục Yên xây dựng hàng rào xanh cho nhà văn hóa.
Các tổ chức đoàn thể cùng người dân thôn 1, xã Mường Lai, huyện Lục Yên xây dựng hàng rào xanh cho nhà văn hóa.


Nâng cao số lượng và chất lượng các thiết chế văn hóa, thể thao

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền Yên Bái; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương; nhân dân các dân tộc trong tỉnh ủng hộ, hưởng ứng số lượng và chất lượng các TCVHTT trên địa bàn tỉnh không ngừng hoàn thiện, phát triển.

Hiện nay, hệ thống TCVHTT cấp tỉnh do ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) Yên Bái quản lý gồm: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. 

Trên địa bàn còn có 9 trung tâm truyền thông và văn hóa (TT-VH) cấp huyện cơ bản đảm bảo các tiêu chí Bộ VHTT&DL quy định về tiêu chí trung tâm văn hóa - thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Các TCVHTT này đã phát huy được công năng sử dụng, phục vụ nhu cầu tập luyện, hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân trên địa bàn. 

Bảo tàng tỉnh có tổng diện tích xây dựng 1.543m2, tổng diện tích sàn 4.400m2, quy mô kiến trúc gồm 1 tầng hầm, 2 tầng trung gian và 1 tầng áp mái. Bảo tàng có 3 phần trưng bày và 2 khu hoạt động phụ trợ gồm: Trưng bày trong nhà, trưng bày ngoài trời, trưng bày chuyên đề, phòng hoạt động khoa học và khu vực hoạt động văn hóa, dịch vụ. 

"Phần trưng bày trong nhà, tầng 1 bao gồm: không gian đón tiếp, lễ tân, không gian long trọng và không gian trưng bày địa lý - tự nhiên. Tầng 2 bao gồm các trưng bày: Cộng đồng các dân tộc Yên Bái; thời kỳ Tiền - Sơ sử; Phong kiến tự chủ và thời kỳ cận - hiện đại. Với quy mô hiện tại, cơ sở vật chất đã cơ bản đảm bảo nhiệm vụ phục vụ nhân dân trên địa bàn…” - đồng chí Hoàng Tiến Long - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

Với 9 trung tâm TT-VH cấp huyện, có 9/9 trung tâm đảm bảo tổng diện tích đất hoạt động ngoài trời trên 1.750m2 theo quy định. 6/9 trung tâm đảm bảo diện tích đất được quy hoạch trên 2.500m2 theo quy định; gồm: thị xã Nghĩa Lộ 56.244,4m2, huyện Lục Yên 3.000m2, thành phố Yên Bái 4.862m2, huyện Văn Chấn 4.838m2, huyện Văn Yên 6.070m2, huyện Yên Bình 3.000m2. Có 4/9 trung tâm đảm bảo tổng diện tích đất hoạt động trong nhà.

Cùng với quan tâm đầu tư cho các TCVHTT do cấp tỉnh quản lý, các địa phương còn đặc biệt quan tâm đầu tư cho TCVHTT cấp xã. Theo thống kê của ngành VHTT&DL, toàn tỉnh có 119/150 xã có hội trường văn hóa đa năng từ 300m2 trở lên; 31 xã có hội trường văn hóa đa năng dưới 300m2; 108/150 xã có khu thể thao từ 1.200m2 trở lên; 42/150 xã có khu thể thao dưới 1.200m2. 
Về quy mô xây dựng, 135/150 xã có hội trường văn hóa đa năng từ 150 chỗ ngồi trở lên, 6 xã có hội trường văn hóa đa năng dưới 150 chỗ ngồi, 113/150 xã có các công trình thể thao theo quy định. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn 17 xã chưa có nhà văn hóa (huyện Lục Yên 7 xã, huyện Trạm Tấu 8, huyện Mù Cang Chải 2).

Điều đáng ghi nhận là các xã, thị trấn đã huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân cùng Nhà nước đầu tư xây dựng TCVHTT. Ông Nông Văn Đông - Trưởng thôn 1, xã Mường Lai, huyện Lục Yên cho biết: Nhà văn hóa thôn 1 được Nhà nước đầu tư trên 600 triệu đồng để xây dựng khối nhà chính. Ngoài làm hàng rào xanh, người dân trong thôn còn đóng góp 100 triệu đồng để xây dựng các hạng mục phụ trợ, mua sắm trang thiết bị còn thiếu để nhà văn hóa phát huy công năng sử dụng. 

Khó khăn cần vượt qua

Mặc dù các TCVHTT trên địa bàn tỉnh đã phát huy công năng sử dụng, phục vụ nhu cầu tập luyện, hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, nhưng là tỉnh miền núi, dân cư phân tán trên địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến xây dựng, quản lý, khai thác các TCVHTT và phong trào xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở.

Hiện nay, Yên Bái còn 3/9 trung tâm TT-VH không đảm bảo quy định về tổng diện tích đất hiện đang sử dụng theo hướng dẫn của Bộ VHTT&DL (huyện Trấn Yên 2.204m2, huyện Trạm Tấu 431m2, huyện Mù Cang Chải 972m2). 4/9 trung tâm không đảm bảo quy định về chỗ ngồi trong hội trường (huyện Trấn Yên 200 chỗ, huyện Mù Cang Chải 50 chỗ, huyện Văn Yên 50 chỗ và huyện Trạm Tấu không có). 5/9 trung tâm không đảm bảo2 công trình sân vận động và nhà tập luyện thể thao theo quy định … Đặc biệt, còn một số địa phương chưa quy hoạch được quỹ đất cho xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố. 

Không chỉ khó khăn về công trình xây dựng hay diện tích đất các trung tâm TT-VH còn thiếu nhiều trang thiết bị, đặc biệt là đạo cụ, trang phục. Cụ thể, Trung tâm TT-VH huyện Trạm Tấu được trang bị trên 30 trang phục của dân tộc Thái, Mông, Kinh; Trung tâm TT-VH  huyện Trấn Yên được trang bị 1 đàn Ocgan; 7/9 trung tâm TT-VH  cấp huyện không được trang bị đạo cụ, trang phục đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho tập luyện và biểu diễn. 

Đối với những xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc xây dựng các thiết chế văn hóa càng nhiều khó khăn: một số nhà văn hóa, khu thể thao xây dựng trước khi Bộ VHTT&DL ban hành thông tư hướng dẫn nên quy mô, diện tích chưa đảm bảo; việc xã hội hóa, huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa tại cơ sở còn hạn chế.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 66 thôn, bản, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa. Cụ thể: huyện Văn Chấn 12 thôn, bản, tổ dân phố, huyện Trạm Tấu 26, huyện Lục Yên 4, thành phố Yên Bái 11, thị xã Nghĩa Lộ 12 và huyện Mù Cang Chải 1.

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, bản, tổ dân phố trên tinh thần tự nguyện, hầu hết chưa qua đào tạo về quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Toàn tỉnh đến nay không có xã nào có cán bộ quản lý có trình độ trung cấp về văn hóa, thể dục thể thao trở lên, được hưởng phụ cấp không chuyên trách; không có cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn về văn hóa, thể thao, được hợp đồng và hưởng phụ cấp không chuyên trách…

Vì vậy, việc quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, tính linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức và xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao còn hạn chế...

Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở 


Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn 3, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ được tổ chức tại nhà văn hóa thôn.

Hệ thống TCVHTT đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương, góp phần nâng cao hiểu biết về chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của nhân dân; từ đó giúp giảm thiểu các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm trật tự đô thị… 

Vì vậy, để các TCVHTT góp phần phát triển xã hội một cách bền vững, thời gian tới, ngành VHTT&DL Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản có liên quan về TCVHTT; tham mưu xây dựng và hoàn thiện phương án phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các TCVHTT chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTT&DL; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho người phụ trách, quản lý, ban chủ nhiệm… nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn…


>> Nghĩa Lộ khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao


"Ngành VHTT&DL sẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá hoạt động của TCVHTT cơ sở để tham mưu hoàn thiện, nâng cấp hệ thống TCVHTT cơ sở đảm bảo các quy định về diện tích đất quy hoạch, quy mô xây dựng, cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, cơ chế chính sách, tổ chức hoạt động và nội dung hoạt động…” - đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở VHTT&DL Yên Bái cho biết.

Hệ thống TCVHTT có ý nghĩa thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là trong xây dựng nông thôn mới; việc xây dựng và hoàn thiện các TCVHTT là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra. Vì vậy, phong trào xây dựng các TCVHTT, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở cần được tiến hành rộng khắp. 

Các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, kinh phí để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống TCVHTT trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa cấp thôn bị hư hỏng, xuống cấp, hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ phụ trách các thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn.

Cùng với đó, tăng cường vận động xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội, các đoàn thể nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là các nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn, khu vui chơi giải trí…

Đổi mới nội dung chương trình hoạt động  phù hợp với thực tiễn đời sống và nhu cầu của người dân. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, tạo điều kiện cho người dân giao lưu học học tập. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về quy hoạch, xây dựng và tổ chức hoạt động trong các TCVHTT trên địa bàn... 

"Ngành VHTT&DL mong rằng, trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh quan tâm bố trí quỹ đất cho các điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi, cho người lao động tại các khu công nghiệp. Quan tâm đầu tư ngân sách để xây mới 20 nhà văn hóa cấp xã và 66 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (những nơi chưa có nhà văn hóa). Đặc biệt là chỉ đạo các ngành, địa phương nghiên cứu, đưa chỉ tiêu phát triển về TCVHTT cơ sở vào nghị quyết, chương trình kế hoạch trọng tâm của giai đoạn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt hiệu quả…” - Giám đốc Sở Lê Thị Thanh Bình cho biết thêm.

TCVHTT là một chỉnh thể hội tụ đầy đủ 4 yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí. Vì vậy, bên cạnh phát huy những kết quả đã đạt được, Yên Bái cần có giải pháp cụ thể hơn trong đầu tư xây dựng TCVHTT, góp phần nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII "Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 

Thành Trung
(Bài dự thi "Vì một Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”)

Tags Bảo tàng Yên Bái thiết chế văn hóa thể thao văn hóa tinh thần trang thiết bị nhà văn hóa hạnh phúc nông thôn mới đô thị văn minh

Các tin khác

“Cuộc chiến không giới tuyến” là tựa đề bộ phim mới sẽ đến với khán giả màn ảnh nhỏ sau khi phim “Làng trong phố” kết thúc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và tất cả đại biểu tham dự Chương trình cùng đứng dậy, trang nghiêm hát bài “Tiến quân ca” - Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tối 20/8, chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sỹ, thi sỹ, họa sỹ Văn Cao (1923 - 2023) diễn ra hoành tráng, ấn tượng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám.

Lãnh đạo xã Tân Phượng cắt băng khai trương các gian hàng tại ngày hội

Ngày 19/8, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên đã tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Dao. Đây là lần đầu tiên xã Tân Phượng tổ chức hoạt động này đã thu hút đông đảo du khách tham quan trải nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương.

Các nghệ nhân biểu diễn điệu múa dân tộc Khơ Mú tại Lễ hội Cầu Mùa.

Thời gian qua, huyện Văn Chấn đã chú trọng khôi phục các lễ hội, làng nghề, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục