Múa mỡi gọi xuân về

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/2/2024 | 9:23:47 AM

YênBái - Văn hóa người Mường ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên rất đặc sắc và múa mỡi là một nét văn hóa độc đáo của cộng đồng nơi đây. Những khát vọng, ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ca ngợi tình yêu đôi lứa đã được đồng bào Mường gửi gắm vào đó.

Điệu múa mỡi của người Mường, xã Quy Mông.
Điệu múa mỡi của người Mường, xã Quy Mông.


Cứ vào dịp đầu năm mới (từ mùng 3 - 7 tháng Giêng Âm lịch), mọi người tụ tập nhau lại để múa mời tổ tiên xuống trần gian vui chơi cùng con cháu. Thêm nữa, điệu múa này cũng chính là để cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ… 

Với những ý nghĩa đó, múa mỡi cần có sự tham gia của cả cộng đồng. Đến với lễ hội, trai gái trong làng đều mặc những trang phục truyền thống. Đặc biệt, trang phục của người phụ nữ Mường còn giữ được nét độc đáo, áo ngắn thường xẻ ở ngực, váy dài đến mắt cá chân, cạp váy nổi bật bởi các hoa văn trang trí; đầu đội khăn màu trắng hình chữ nhật… 

Xã Quy Mông đã và đang khuyến khích các bạn trẻ tham gia học tập để gìn giữ và phát huy điệu múa đặc sắc này. Xã thành lập được một đội múa dưới sự hướng dẫn truyền dạy của nghệ nhân. 

Chị Hà Thị Mai - một thành viên của Câu lạc bộ múa mỡi ở thôn Hợp Thành chia sẻ: "Tôi đã tham gia được 6 năm rồi. Càng học tôi càng hiểu hơn những nét tinh tế, đặc sắc trong làn điệu này. Đặc biệt, chúng tôi còn được tham gia biểu diễn tại các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ của xã, của huyện. Năm 2020, chúng tôi vinh dự được mang làn điệu múa mỡi truyền thống biểu diễn tại Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ. Đó là cơ hội tốt để chúng tôi  quảng bá văn hóa của dân tộc mình”.

Bà Đinh Thị Thảnh - người dân thôn Hợp Thành xúc động: "Khi chứng kiến các cháu gái biểu diễn múa mỡi, sâu thẳm mỗi người Mường chúng tôi đều cảm thấy tự hào văn hóa của dân tộc mình. Những ngày tết, múa mỡi kết hợp âm thanh cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng đem đến không khí xuân thật rộn ràng”. 

Có thể khẳng định, múa mỡi là nét đẹp văn hóa đặc trưng mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần, những khát vọng và ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ca ngợi tình yêu đôi lứa được người Mường gửi gắm qua bao thế hệ. 

Vì vậy, để múa mỡi không mai một, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các thôn tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, khôi phục loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo này bằng cách tổ chức các lớp truyền dạy cho các hạt nhân văn nghệ trẻ, tiềm năng và đặc biệt yêu thích điệu múa mỡi; khuyến khích người dân biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang bản sắc dân tộc trong các buổi giao lưu văn nghệ, các ngày hội văn hóa... 

Ngoài ra, chính quyền địa phương và bà con cũng có nhiều giải pháp để lưu giữ văn hóa thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, tổ chức các trò chơi dân gian hay mặc trang phục truyền thống của người Mường.

Xuân này, điệu múa mỡi hòa cùng tiếng âm vang của cồng chiêng sẽ tấu lên khúc nhạc khắp núi rừng của bản Mường, báo hiệu cuộc sống ấm no, làng trên, xóm dưới yên vui.

Ngọc Sơn

Tags Múa mỡi Quy Mông Trấn Yên bản Mường năm mới

Các tin khác

Vài năm trở lại đây, xu hướng hoài cổ, nhớ tết xưa lên ngôi. Nhiều người chọn bộ trang phục truyền thống, check-in bên những không gian xưa như: chợ Yên Bái, ga Yên Bái, chợ hoa, các nhà vườn truyền thống…

Từ trái sang: Nghệ sĩ hài Xuân Hương, Bảo Quốc, Mỹ Chi và Hồng Tơ (Ảnh: Thanh Hiệp)

Hình tượng ông Công ông Táo cưỡi cá chép về trời vào ngày 23 tháng Chạp mỗi năm có lẽ đã không còn xa lạ trong tiềm thức của người Việt. Thế nhưng nghệ sĩ chuyên đóng vai Táo giải đáp gì về phương tiện này.

Tác phẩm ảnh “Dáng chiều” của nhiếp ảnh gia Lê Trung Kiên giành Huy chương Bạc quốc tế PSA tổ chức tại Việt Nam năm 2022.

Xuân về, hoa tớ dày bung sắc trên khắp các nẻo đường, núi rừng Tây Bắc. Trong tiết trời se lạnh, các em nhỏ vùng cao tung tăng nô đùa, xúng xính váy áo mới; các bà, các chị gùi hàng xuống chợ... Tất thảy đều trở nên thân thuộc, gần gũi. Theo năm tháng, hình ảnh về phong cảnh thiên nhiên, con người vùng cao vẫn luôn là đề tài mới mẻ, sinh động sau mỗi khoảnh khắc bấm máy của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Điểm mới trong hành trình du xuân ở Bảo tàng tỉnh Yên Bái năm nay là không gian Phố xuân kéo dài ngay trước cửa Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh. Trải nghiệm mang cảm xúc mạnh là bức tranh 3D giới thiệu tổng thể các địa phương của tỉnh Yên Bái với đầy đủ sắc màu, từ cảnh quan thiên nhiên tới các nét văn hóa truyền thống. Đây cũng là điểm check-in lý tưởng dành cho nhân dân và du khách khi đến thành phố Yên Bái du xuân trong dịp Tết này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục