Trong như "tiếng hạc quê hương"
- Cập nhật: Thứ tư, 31/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chỉ nghe cái tên đã rất thơ rồi: "Trong như tiếng hạc bay qua". Tập thơ có 50 bài của 20 tác giả. Có một số tác giả quen thuộc (Trịnh Thoại, Lê Quốc Hùng, Thanh Phương, Nguyễn Hỷ, Tri Thức...); có một số tác giả mới gia nhập làng thơ mà ý thơ, chất lượng nghệ thuật rất đáng chú ý; có một số bài gây ấn tượng bất ngờ!.
Lảng bảng may bay.
|
Đọc tập thơ, ta nghe rất rõ âm hưởng "tiếng hạc". Tiếng hạc gieo vào lòng người tình yêu quê hương, xứ sở. Quê hương hiện lên với độ dày thời gian, như bức tranh tươi tắn, hài hòa màu sắc: "Quê hương tôi có đồng xanh bát ngát/ Có sông Hồng đỏ nặng phù sa/ Đất với rừng Yên Bái bao la/ Tiềm năng lớn ngàn năm xưa để lại". Người cao tuổi ưa hình thức cân đối, có câu thơ bất ngờ xuất hiện như một đôi câu đối, chỉ cần sửa vài từ thì thành đôi câu đối rất hay:
"Đây Hoàng Liên bảng lảng mây bay
Hồ Thác Bà nước lăn tăn gợn sóng"
(Yên Bái quê tôi, Hoàng Bích)
Bức tranh thổ cẩm miền Tây vào thơ đã nên "Chiều nhớ": "Anh nhặt nắng gom vào gió núi/ Đem cả xanh rừng bướm trắng bay/ Giăng mắc tình em màu thổ cẩm/ Loang tím chiều nay nỗi nhớ đầy" (Nguyễn Hữu Hỷ).
Yên Bái là quê hương thứ hai của bao người. Câu thơ lục bát của Tri Thức vốn uyển chuyển đằm thắm, câu bát chia hai nhịp cân đối bốn chữ một như hai mái chèo nhịp nhàng bơi cho con thuyền lướt sóng để cuối cùng lại hòa làm một vào dòng sông Cái của hai quê là sông Hồng:
"Đến đây cứ ngỡ Thái Bình
Khoát chèo mặt nước, ngỡ mình biển khơi
Sông Hồng ơi, nước êm trôi
Ngồi thuyền cứ tưởng miền xuôi đồng bằng".
"Tiếng hạc quê hương" còn gợi bao niềm tự hào về quê hương xứ sở. Bài "Yên Bái trong ta" của Lê Quốc Hùng là một trong những bài thơ hay. Bài thơ đưa ta về Yên Bái. Những dãy núi như đàn voi đi uống nước bên dòng Thao giang: "Mơ một thời đàn chim lạc bay/ Lễ hội cầu mùa đoàn thuyền lướt sóng/ Người hóa trang chim, thùng thùng đánh trống/ Nai thong thả bước từng bầy".
Thơ làm sống lại họa tiết trên thạp đồng Hợp Minh. Rồi chiến công của dân quân xã Hợp Minh, phường Nguyễn Phúc bắn rơi 2 máy bay F105 của giặc Mỹ. Và bài thơ cho biết một thông tin đặc biệt rất thú vị, đó là đêm 27.12.1972, phi công Phạm Tuân lái chiếc Míc 21 cất cánh từ đầu bắc Sân bay Yên Bái bắn trúng một máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ.
Ghi lại các sự kiện lịch sử bằng văn xuôi thì dễ nhưng để thành thơ thì không dễ chút nào! Đây là một khổ thơ ghi sự kiện Bác Hồ lên thăm Yên Bái: "Đây sân Căng lồng lộng Bác Hồ/ Khuyên đồng bào đoàn kết dựng cờ đỗ/ Xanh núi, xanh thung, xanh đồng, xanh ruộng/ Cho người người sung sướng ấm no".
Tôi cảm động, bồi hồi khi đọc "Sao trong đất" của Khúc Ngọc Hải. Sao trên trời sáng đẹp cõi dương gian. Nhưng dưới đất cũng đầy sao. Đó là sao người liệt sĩ: "Sao trong lòng đất đẹp thay/ Ngàn năm vẫn tỏ, tháng ngày vẫn soi/ Tô thêm cuộc sống cho đời/ Sao luôn lấp lánh sáng ngời trong ta". Đó là những ngôi sao tâm linh.
Thơ là tiếng nói tâm hồn. Thơ mà dong buồm, xuôi chèo mát mái thì thơ đến rồi thơ đi. Thơ trăn trở là thơ cần chia sẻ. Nỗi trăn trở trong thơ đọng lại thành nỗi giày vò, day dứt trong ta. Bài thơ "Điều trăn trở" của Thiện Tâm như một tác phẩm điêu khắc bằng ngôn ngữ. Anh tạc một người đàn bà hơn 30 năm trời dằng dặc một dải Trường Sơn đến từng mộ chí tìm chồng: "Em quỳ bên hàng bia dưới nắng/ Ôm vào lòng ngôi mộ vô danh/ Mái tóc em sợi xanh sợi trắng/ Đôi vai gầy rung lên mỏng manh". Nhưng khi "Nước mắt rơi bỏng rát bê tông" thì giọt nước mắt đã chuyển hóa tất cả. Hỏi rằng, liệu ai có thể vô tình, vô cảm với giọt nước mắt của người đàn bà này?
"Tiếng hạc quê hương" còn cho ta nghe những nỗi niềm trăn trở trong tâm sự một đời người. Mỗi người cao tuổi là một pho sử sống, một bản trường ca bi tráng hào hùng. Lý tưởng cao đẹp và hiện thực đang cày xới, đưa đến cho mỗi người bao trăn trở. Tác giả Trịnh Thoại đã bộc lộ những trăn trở của mình trong bài "Đợi". Đây là bài thơ của tay bút có nghề. Bài thơ có 8 câu. Cứ 2 câu đi sóng đôi là một thời kỳ của cuộc đời. Đây là thời trai trẻ ôm hoài bão lớn lao có cái chí lớn của người xa khơi "Sóng rì rào trắng khơi xa biển cả/ Cứ vỗ bờ da diết đến ngàn sau".
Tưởng cuộc đời gắn với biển bao la nhưng rồi những "va đập lịch sử" lại đưa con người đến với suối khe, núi đá: "Suối róc rách uốn mình lời của đá/ Vẫn mênh mang lắng đọng đến bạc đầu". Bốn câu thơ đi suốt hai thời kỳ đã đưa đời người đến tuổi "tri thiên mệnh". Đến tuổi này, chỉ nghe tiếng lá khô rơi thì đã cảm nhận được mình đang ở độ "dốc rừng chiều". Ta như nghe một tiếng thở dài khẽ. "Dốc chiều rồi xôn xao chi lá rụng/ Chỉ ngân nga tự ngẫm khúc rừng chiều". Trịnh Thoại không lên gân lên cốt, ông thực hơn, thực như nói với chính lòng mình. Đời thì cái được cũng lắm, cái mất cũng nhiều. Chỉ có điều con người phải biết "nhẫn". Cái chữ "nhẫn" của chữ Nho xưa là trên chữ "tâm" có chữ "đao". "Nhẫn" cũng là "đợi". Hai câu kết gói lại cuộc đời, khẳng định một đức tin. Người đợi đứng đó không hóa thân làm đá mà hóa thân làm Một Đức Tin:
"Xin hãy đợi sấm trái mùa dữ dội
Chớp đêm nào lóe sáng cõi ta yêu!".
Đọc xong tập thơ, tôi bồi hồi tưởng như đàn chim hạc đang bay qua ngang trời, bay trên đầu, bay về phương trời xa... Tiếng chim gọi đàn vọng mãi trong tôi. Đó là âm thanh của gió mây, trời đất và của lòng người...
Phan Đài
Các tin khác
YBĐT - Sau 4 ngày sôi động, Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X đã khép lại. Với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc đã phản ánh chân thực đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào ở các địa phương, cơ sở. YBĐT xin giới thiệu đến bạn đọc những tiết mục, nhạc cụ độc đáo đã để lại ấn tượng trong lòng công chúng.
YBĐT - Trong hệ thống tranh dân gian Việt Nam, tranh thờ là di sản văn hóa quý giá được hình thành qua nhiều thế hệ. Tranh thờ dân gian Việt Nam không chỉ đáp ứng các nhu cầu về tinh thần, tâm linh của nhân dân lao động mà còn ẩn chứa những nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách trong cuộc sống đời thường.
YBĐT - Từ xa xưa, đàn tính và hát then đã được lưu truyền và đi vào lòng người, đồng thời gắn liền với sự phát triển của nền văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Tày, Thái.
YBĐT - Sau 4 ngày hào hứng, sôi nổi đua tài khoe sắc và thắm tình đoàn kết, Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X đã thành công tốt đẹp.