Lễ "Khửn Cẩu" của người Thái đen (Điện Biên)
- Cập nhật: Thứ hai, 12/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - "Khửn cẩu" là phong tục từ ngàn xưa để lại của đồng bào dân tộc Thái đen Tây Bắc. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân và gia đình của tộc người Thái đen.
|
"Khửn cẩu" là một khái niệm dành riêng cho tất cả những người phụ nữ Thái đã có chồng, là khuôn phép quy định riêng cho người con gái đi lấy chồng, bắt buộc phải đưa búi tóc đằng sau lên đỉnh đầu. Cùng với bộ trang phục "áo cóm" đặc trưng, mái tóc rất riêng của người phụ nữ dân tộc Thái đen khi lấy chồng đã thể hiện một tín hiệu của người phụ nữ Thái đã có chồng. Còn búi tóc đó được trang điểm thêm cho đẹp thì bà con gọi búi tóc đó là "tẳng cẩu". Búi tóc "tẳng cẩu" trên đỉnh đầu là sự thể hiện tô điểm của trang sức, làm tăng thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Thái và thể hiện tấm lòng chung thuỷ của người vợ với chồng, với con.
Lễ "Tẳng cẩu" được tiến hành tại nhà gái, trên nhà sàn phía cửa sổ có ánh nắng mặt trời chiếu sáng, trước khi làm lễ đón dâu về nhà chồng.
Sáng ngày làm lễ "Tẳng cẩu", đoàn nhà trai sang dự lễ cưới và đón dâu có đến hàng chục người song thường có 2-3 người con gái chưa chồng và 2 "me lam" để phục vụ bên nhà gái.
Khi "tẳng cẩu" thì cô dâu ngồi giữa quay mặt về phía mặt trời mọc, mọi người ngồi và đứng xung quanh. Khoảng 7 - 8 giờ sáng, những tia sáng trong lành của một ngày mới chiếu qua ô cửa sổ thì tiến hành làm lễ "Khửn cẩu". Làm ở phía cửa sổ có ánh sáng soi vào giường ngủ của cô dâu, chú rể.
Các lễ vật mang đến đều được đựng trong một cái "hổ" (là loại rổ đan lát của người Thái) gồm một đôi bó tóc, một "mạy mản" để xuyên "tẳng cẩu"; hai vòng tay bằng bạc… Tất cả lễ vật đều thành đôi thể hiện sự chung thuỷ, hạnh phúc của đôi vợ chồng cho đến lúc đầu bạc răng long.
Có hai "me lam" (chủ hôn) hoặc "Nai tẳng cẩu", một bên nhà gái, một bên nhà trai và 2 người phục vụ đứng bên cạnh cô dâu. Một "me lam" gỡ búi tóc đằng sau của cô dâu ra, chải thật mượt để kết cùng hai bó tóc rời, khi tóc đã chải mượt thì hất ngược toàn bộ tóc đằng sau lên đỉnh đầu, một người giữ búi tóc, cuộn tròn, mái tóc và hai bên hơi chùng, bồng ra. Để trang điểm búi tóc cho đẹp và giữ tóc khỏi bị tuột, người ta dùng 1 "cà sa" (túi lưới màu đen chụp lên trên), dùng cây trâm làm bằng bạc hoặc nhôm theo kiểu ống cuộn tròn do thợ kim hoàn làm, có chiều dài từ 10-12 cm. Một đầu đính vào đồng tiền bạc hoa xòe và đính sợi dây "xọi", đầu kia vuốt nhọn. Dùng cây trâm xuyên qua "mản cẩu". Đồng tiền bạc quay về phía trước hơi lệch bên phải, dây "xọi" móc vào phía đầu nhọn của cây trâm hơi lệch sang trái. Có thêm sự tô điểm của trang sức làm cô dâu tăng thêm vẻ đẹp và trông chững chạc hơn.
Khi "tẳng cẩu" xong bà mối gọi chú rể đến để cho đôi uyên ương gặp nhau rồi đưa vào động phòng hoa chúc. Và khi đó, đại diện bên nhà trai hát:
"Giờ đây hai nhà cùng đồng tâm nhất trí
Lời nói hai bên nhà sáng tỏ - Mọi góc nhà đều quét dọn sạch bóng
Hai bên nhà chẳng vướng điều chi - Đôi ta cũng cùng chung một lòng
Dường như đám mây đen tỏa ánh hào quang
Đời người ai cũng xe đôi lứa - Họ hàng ai cũng vui bầy
Làm đệm thành chăn đệm xin viền thảm - Làm chăn thành chăn xinh đẹp
Làm gối khéo thêu dệt nhiều hoa - Sinh thành người chẳng có lời trách bác
Em ở nhà mong đợi ngày sánh đôi".
Rồi sau đó, Me lam dắt cô dâu, chú rể ra lễ bái tổ tiên.
"Hôm nay là ngày lành tháng tốt, xin phép tổ tiên hai họ nội ngoại cho hai cháu được hạnh phúc trăm năm. Cảm ơn các ông các bà hai họ đến chúc phúc cho các cháu.
Chờ ngày lành tháng tốt - Chờ mong đến ngày cưới mà đón khách đầy nhà
Giờ đây trai mới được nghe lời thân thương bên ngoại
Và cả em nói một điều yêu thương - Anh đi nhiều phương tìm lá trầu không
Kiếm quả cau nhiều buồng - Leo núi tìm chặt tre
Yêu em một ngày vượt mười đèo mười lạch chẳng lo
Một ngày vượt nhiều núi chập trùng chẳng mệt
Chui qua bao bụi tre giang chẳng buồn - Nhớ em yêu em bao đêm, ngày chờ đợi
Dường như tay nắm được mây, sao trên trời
Đã yêu em không sợ gian nguy - Gai cào mặt tựa như điểm phấn son"
Đại diện Me lam nhà gái hát:
"Nghe tiếng gà gáy dồn trắng dần khuất núi
Em vùng dậy chải tóc lắn eo - Em quét dọn đón khách đầy nhà
Diện áo mới đón mừng ngày cưới - Dường như hoa ban nở vào ngày tháng chín
Bên đằng nội mang lợn rượu lắm gà - Lắm nhiều gói trầu cau…."
Khi hai "me lam" của hai gia đình đã làm xong phần lễ cho cô dâu và chú rể, họ cùng đi mời rượu khách đến nhà và bà con trong bản uống mừng để chúc phúc cho cô dâu, chú rể (thường khi vui vẻ uống rượu thì khung cảnh dưới sân là nhảy vòng xòe, trên nhà là những mâm rượu, họ cùng nhau mừng hạnh phúc cho đôi lứa).
Linh Trang
Các tin khác
YBĐT - Tỉnh Yên Bái vinh dự được đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X.
YBĐT - Tôi quen Bùi Nguyên Khiết không lâu, chừng dăm sáu tháng gì đó, nhưng cũng đủ để cho tôi thấy anh là một người thẳng thắn, thiện cảm, nhiệt tình.
YBĐT - Năm 1995, cơ quan Báo Yên Bái cho ra mắt ấn phẩm báo Yên Bái vùng cao. Đây là bước chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc ít người vùng đặc biệt khó khăn.
YBĐT - Trong những năm qua, Báo Yên Bái đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, được bạn đọc xa gần quan tâm. Song trước xu thế hội nhập và phát triển của cả nước, trước sự vận động không ngừng của xã hội, một câu hỏi lớn đặt ra là, làm thế nào để Báo Yên Bái ngày càng được bạn đọc tin yêu, đón đợi một cách thường xuyên và rộng rãi?