Đặt tên con - những ước mơ của người Thái Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ tư, 14/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Khi đứa con chào đời, đó là kết tinh của tình yêu và là hạnh phúc vô bờ bến của mỗi gia đình, đồng thời là niềm hy vọng lớn lao, mong cho con sẽ chăm ngoan, tài giỏi và có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
|
Người Thái có câu ca: "Lụk nháư khửn tiếng po táng po/Nó nháư khửn tiếng lắm táng lắm", có nghĩa là: "Con lớn bằng bố thay bố/Măng lớn thành cây thay cây". Bởi vậy, các bậc ông bà, cha mẹ đều cân nhắc rồi đặt cho con, cháu một cái tên phù hợp với ước nguyện và hoàn cảnh.
Các bà mẹ sau khi sinh phải sưởi lửa để trừ tà ma và phòng bệnh tật. Sinh con trai, sưởi lửa bảy ngày; sinh con gái, sưởi lửa chín ngày. Khi hết thời gian sưởi lửa, gia đình tổ chức lễ thôi sưởi lửa (nhá pháy). Đứa trẻ sẽ được đặt tên trong buổi lễ này.
Có khi, tên của con, cháu thể hiện tất cả kỳ vọng của ông bà, cha mẹ là Pong - có nghĩa là hy vọng hoặc Mon - là ao ước... Bậc làm cha mẹ nào không mong muốn con mình hạnh phúc, có một cuộc sống đầm ấm. Điều đó được thể hiện qua cái tên là Ún - tức là ấm, Sương là thương nhau, Hặc là quý nhau, Thâng là nhớ nhau... Song cũng có khi cha mẹ chỉ cầu mong một điều giản dị qua cái tên Pâng - tức là bằng chị bằng em, Sáy - là trứng vì đứa trẻ có khuôn mặt trái xoan, hay Đăm vì có nước da đen, Lón vì có nước da trắng...
Nhiều cái tên rất giản dị, trìu mến như Nhinh - là gái, Chài - là trai, Co - là cây, Lả - là con út, Phiêng - là bãi phẳng rộng, Xại - đẻ giữa trưa, Song hoặc Đôi - là mong có anh chị em... Còn những cái tên như Păn - có nghĩa là chia, chia nhau cùng hưởng, E - là bé yêu hay nũng nịu, Chiêu - là hoan hô đón mừng, Chồm là mừng, Mầng là chúc tụng, Pọng là một lòng...
Tên các loại hoa cũng hay được dùng để đặt tên như Bók - là hoa, Bua là sen, Sọn là cúc... Khi mong cho con cháu là người nhẹ nhàng, thanh thoát, thường đặt tên là Dong; mong con cháu thành người nổi tiếng đặt tên là Siêng - tức là tiếng; hoặc con cháu mình đủ năng lực dẫn dắt, dìu dắt người khác nên người thường đặt tên là Chung hoặc Chướng... Có khi ông bà, cha mẹ đặt tên con cháu gửi gắm vào đó những điều lớn lao như Chang - tinh thông, Han - là dũng cảm, Chựa là làm giống, Chaư là tấm lòng, Khang là gang với ngụ ý cứng rắn, bền vững, Thái hoặc Piến - mong con có cuộc sống thay đổi, đủ khả năng thay thế cha mẹ...
Cũng có khi người con khó nuôi, phải dựa vào người khác mới nên người được đặt tên là Pầng - là dựa vào hoặc Inh - dựa vào họ ngoại, Đưa là mất nhiều công sức mới nuôi được. Mỗi đứa trẻ người Thái ra đời đều được đặt vào cái mẹt sảy gạo để chúng hấp thụ hồn lúa gạo, mong chúng lớn khôn; khi đứa trẻ hay đau ốm, khó nuôi, người nhà lấy mẹt hơ lên lửa để trừ ma tà.
Với trường hợp đứa trẻ đau ốm mãi, gia đình mời thầy mo về cúng vía, xin âm dương, cầu xin bà mụ - "mè bẩu" đặt tên khác với quan niệm: "Cáy mík chừ pộ khôn/Cốnk mík chừ pộ mè bẩu", nghĩa là: "Gà có tên nhờ bộ lông/Người có tên nhờ bà mụ". Bà mụ được quan niệm là bà mẹ trên mường trời chuyên đúc người bằng một cái máng. Bởi vậy, các bà mẹ người Thái khi sinh con đều dùng một cái bát cổ - "Thuổi bẩu" rồi đặt vào đó búi tóc rối hay mớ bòng bong tượng trưng cho cuống nhau đặt trên đầu chỗ nằm. Đấy cũng là lý do tại sao một số người có tên khai sinh và thường dùng khác nhau.
Vợ chồng sinh con còi cọc đặt tên là Kìa, cuộc sống vất vả nghèo khổ đặt tên con là Khó... để con dễ nuôi và mong cho con sẽ có cuộc sống khá hơn bố mẹ. Khi không có con, phải nuôi con nuôi để có người nuôi dưỡng và thừa tự lại đặt tên là Pản - tức là làm gốc... Còn khi đặt tên con là Bun thì lại là gửi gấm, mong cho con và gia đình được hưởng phúc, lộc, thọ...
Từ khi có sự tiếp xúc và ảnh hưởng của các nền văn minh khác, người Thái có cách đặt tên với nhiều ý nghĩa đa dạng và phong phú như: Đức, Nghĩa, Tâm, Minh, Quyên... Song tự ngàn xưa, người Thái vẫn đặt tên con theo truyền thống của tổ tiên, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, thể hiện những ước mơ, khát vọng của con người vươn tới cái đích của chân - thiện - mỹ, làm nên một văn hóa đặt tên, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn vốn văn hóa dân tộc.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
YBĐT - "Khửn cẩu" là phong tục từ ngàn xưa để lại của đồng bào dân tộc Thái đen Tây Bắc. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân và gia đình của tộc người Thái đen.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái vinh dự được đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ X.
YBĐT - Tôi quen Bùi Nguyên Khiết không lâu, chừng dăm sáu tháng gì đó, nhưng cũng đủ để cho tôi thấy anh là một người thẳng thắn, thiện cảm, nhiệt tình.
YBĐT - Năm 1995, cơ quan Báo Yên Bái cho ra mắt ấn phẩm báo Yên Bái vùng cao. Đây là bước chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc ít người vùng đặc biệt khó khăn.