"Rừng thiêng" Bài ca tình đất, tình người
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau "Bụi hồ", "Thời hoa đỏ", "Xứ mưa", Hoàng Thế Sinh vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết thứ tư “Rừng thiêng”. Là người con của xứ nhãn lồng Hưng Yên, cùng gia đình lên vùng kinh tế mới Yên Bái từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước và gắn bó với mảnh đất này, chính vì thế mà hầu hết các tác phẩm của anh đều mang đậm hơi thở của cuộc sống nơi rừng núi.
Không gian nghệ thuật của tiểu thuyết “Rừng thiêng” là bản Nà Lai, từ đó mở rộng ra bản Khảu Lai, bản Cò Noòng, làng Gùa, làng Bảo Ân, làng Cầu Cháy, làng Nhù, Tống Phủ... bao quát cả miền quê dưới chân núi Mã Sơn. Đây là nơi cư trú của cộng đồng dân tộc Kinh, Tày, Mông, Dao, nhưng câu chuyện chỉ xoay quanh cuộc sống của những người Tày ở cái bản Nà Lai nhỏ bé. Một bản làng như trăm ngàn bản làng của miền núi Việt Nam, rừng luôn luôn gắn với sự sinh tồn của họ.
Trong con mắt của những con người như ông Lộc, Sim, Đam... thì rừng Nà Lai đẹp lắm, có bao nhiêu sản vật: gỗ quý, cây thuốc, muông thú và ngọn nguồn của dòng suối trong xanh tắm mát da thịt con gái bản. “Buổi sớm trong rừng thật là thú vị. Mặt trời bắn những tia vàng xuống lòng rừng làm cho muôn vật bừng tỉnh. Muôn nghìn âm thanh của suối chảy, của lá cây reo, của chim sơn ca hót nghe cứ trong veo”. Đến như lão Quý, người chuyên khai thác lâm sản trong rừng cũng nhận thức ra rằng “nếu một mai rừng không còn nữa, nghĩa là rừng chết thì người Kinh, người Dao, người Mông, người Thái, người Tày và bao nhiêu người khác nữa ở rừng, cũng chết theo thôi”. Thế nên chuyện về con hổ thọt, ma Tu lình, thần Cho tình yêu cứ được người dân truyền nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác như để minh chứng cho sự thiêng liêng của rừng già.
Cũng từ lâu, tình yêu rừng đã ngấm vào máu thịt của Đam - nhân vật chính của tiểu thuyết. “Ngày bé theo bố lên rừng, anh đã được bố dạy rằng, rừng là sự sống của bản mình, rừng là vàng của Nhà nước. Mỗi một cây cũng là một cuộc đời”. Lớn lên đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu đánh Mỹ xâm lược, hòa bình trở về theo học trung cấp nông lâm nghiệp, anh càng hiểu giá trị của rừng. Yêu rừng nên anh không nỡ bắn con hổ thọt dù nó đã bắt mất con nghé nhà ông Sừ; không vãi đạn vô cớ vào đám khỉ vàng và sẵn sàng nghe lời Sim không chặt các loài cây thuốc. Câu chuyện ngày nhỏ Đam bị đàn khỉ vàng bắt về nuôi và sau được cứu thoát cứ như sợi dây duyên nợ gắn cuộc đời anh với những cánh rừng Mã Sơn.
Cuộc đời riêng của Đam gặp bao nhiêu trắc trở, người yêu đầu tiên là Liên bị thằng Liêng và tay Dếch hiệu trưởng hại đến chết; yêu Sim thì luôn bị thằng Liêng chọc phá vì thói ghen ăn tức ở; sinh con lại kỳ hình dị tướng bởi ảnh hưởng chất độc màu da cam. Cố gắng vượt lên mà lời tiếng thiên hạ về “chuyện cậu Đam là con của khỉ rừng Đán Khao, chuyện Sim là ma cà rồng mắt xanh lét, đêm đêm xỏ chân vào lỗ mũi bay đi kiếm cứt trâu, cứt bò để ăn”, mà nhiều lúc tưởng không qua nổi. Nhưng niềm tin “là con người thì phải sống có đức độ, có tình nghĩa, có lòng thương người, có tình yêu chân chính, có lòng vị tha...” đã giúp anh chiến thắng. Chính anh ra tay cứu vớt kẻ suốt đời hại mình là thằng Liêng qua khỏi cơn hồng thủy với tâm nguyện “tao cho mày sống để mày biết thế nào là giá trị cuộc sống, cho mày sống để mày biết sợ, không bao giờ dám làm hại người khác nữa”. Lời giải về nguyên nhân dị tật của những đứa con đã cho anh thêm sức mạnh để bước vào cuộc đấu tranh mới “đến tận nước Mỹ đòi công lý”.
Nhân vật giành được nhiều cảm thông của tác giả trong tiểu thuyết vẫn là những người phụ nữ. Hầu như bao sự truân chuyên, vất vả của cuộc đời đều đè nặng trên đôi vai họ. Một cô giáo Liên tài sắc sớm bị dập vùi; một chị Tèn cuộc đời dang dở và cô Sim đẹp như bông hoa rừng mà hạnh phúc luôn bị kẻ xấu tìm cách phá hoại. Hết bị chọc phá tình yêu, sinh con tật nguyền đến bị cướp con đem bỏ rừng, đã có lúc quẫn trí định liều gieo mình xuống dòng thác dữ. Muốn lý giải nỗi khổ do thằng Liêng, do định kiến xã hội, do tội ác của đế quốc Mỹ mà tác giả dường như vẫn hướng người đọc đến với dự cảm số mệnh “càng ngắm Sim, mụ Tèn càng linh cảm sẽ có một điều gì chẳng lành. Vì Sim xinh đẹp thế nhưng đôi mắt nom cứ buồn buồn thế nào ấy”. Và như kết thúc tất yếu của một tiểu thuyết có hậu, Sim đã vượt lên trên cái căn số khắc nghiệt để đứng vững cùng chồng trên mảnh đất Nà Lai.
Thằng Liêng thì lại là điển hình nhân vật phản diện được Hoàng Thế Sinh xây dựng khá thành công. Vốn yêu cái thiện, ghét cái ác đã tạo cho anh có cái nhìn khá sâu sắc về những loại người xấu trong xã hội. Bề ngoài, Liêng có dáng vẻ của kẻ ưa lấy hình thức lòe người thiên hạ “từng tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chẳng đi bộ đội ngày nào thế mà lúc nào cũng mặc quần áo Tô Châu bộ đội, đội mũ cối bộ đội, đi dép rọ Trung Quốc, đã khoác khẩu súng CKC lại còn cầm theo súng kíp nữa. Từ dạo được xã đội cử làm đội trưởng dân quân Nà Lai, cái mặt Liêng lúc nào cũng vênh lên. Liêng còn bắt bọn đàn em gọi là thủ trưởng cho oai”. Hầu như bao nhiêu thuộc tính xấu của loại người tham lam, ích kỷ chốn miệt rừng đều có ở Liêng. Lười lao động, thích tiền tài, gái đẹp, buôn lậu gỗ, thuốc phiện, độc ác. Gã không từ bất cứ thủ đoạn nào để phá hạnh phúc giữa Sim và Đam: âm mưu cướp đi trinh tiết của Sim; bắn Đam bị thương; phao tin Sim là ma cà rồng, Đam là con của khỉ rừng; thuê thầy cúng cắt duyên; bắt thằng Thương bỏ vào rừng cho hổ ăn thịt; thả rắn độc nhằm cắn chết mẹ con Sim... Không chỉ hành động, tâm địa của con người cũng ác độc như loài rắn “Phải giết chết người đẹp ngày xưa của Liêng thì Liêng mới hả dạ. Thế thì Sim phải chết thôi!”. Và kết cục cho kẻ ác là bị rắn độc cắn phải cắt bỏ cánh tay, dù được cứu thoát chết nhưng sống trong sự phỉ nhổ của dân làng.
Vốn hiểu biết về rừng và chiến tranh đã giúp cho ngòi bút của tác giả nhuần nhuyễn hơn trong miêu tả mà không rơi vào cung cấp kiến thức một cách khô khan. So với các tiểu thuyết trước, ở "Rừng thiêng", tính cách nhân vật được khắc họa tương đối rõ nét qua cả miêu tả ngoại hình, độc thoại nội tâm, hành động. Có những đoạn đọc lên mà ta cứ như đang được sống trong thế giới của nhân vật, vui say và day dứt cùng họ. Đây là đoạn khắc họa cảnh Đam bị giày vò trong nỗi đau con cái tật nguyền: “Anh cố đứng dậy, nghiêng ngả, nghiêng ngả, dò dẫm bước lại trượt chân ngã dụi xuống bờ ruộng.
Lúa đang chín thơm nức cả trời đêm. Những bông lúa trĩu hạt quấn lấy người anh. Anh nhỏm dậy, kéo một bông lúa cho vào miệng nhấm nhấm. Ôi chao, hạt lúa sao mà ngọt thế! Anh lặng đi, nghĩ ngợi. Ừ, hạt lúa ngọt thế, những đứa trẻ ở Nà Lai ăn vào đều khỏe mạnh, xinh đẹp mà tại sao thằng Thương, thằng Hạnh nhà mình ăn vào lại thành ra quái dị không giống con người?”. Và tiếng hú như một tín hiệu riêng để người đọc dễ dàng nhận ra một Hoàng Thế Sinh giữa bao người viết văn đương đại.
Tiếng hú cất lên từ "Bụi hồ", "Luật của rừng" và bây giờ trong "Rừng thiêng". Tiếng hú tràn đầy sinh lực của cô Sim mới lớn, tiếng hú chàng Đam tha thiết gọi bạn tình và tiếng hú vang lên như sự dứt bỏ ưu phiền, để những người con của rừng lại được sống yên vui với rừng “tiếng hú vang dội, ngân dài lên tận đỉnh núi Đán Khao, Mã Sơn, Pugialan, Xu Phin...”. Với bốn tiểu thuyết, một số tập truyện ngắn và ký, nhà văn Hoàng Thế Sinh đang góp tiếng nói riêng làm giàu và đa dạng thêm văn xuôi của Yên Bái.
Thế Quynh
Các tin khác
Diễn ra một tuần một lần, cũng có thể một tháng một lần, tuỳ từng địa phương, chợ phiên chính là nơi bộc lộ rõ nhất bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc miền núi vùng Tây Bắc.
YBĐT - An lành, hạnh phúc và yêu thương là 3 từ quen thuộc người ta thường nói đến ngày lễ giáng sinh. Không biết từ lúc nào, ngày lễ giáng sinh đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam đến như vậy. Giáng sinh giờ đây không chỉ là ngày lễ của riêng người công giáo, mà nó đã trở thành một ngày lễ chung cho mọi người thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc và tôn giáo.
YBĐT - Ngày 15/12, tại tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội nghị thẩm định Đề án thành lập Trường Cao đẳng Văn Hoá, Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái.
YBĐT - Năm 2007, trung tâm Phát hành sách (Sở VH-TT tỉnh Yên Bái) đã nhập và phát hành trên 122.000 bản sách, đạt trên 122% kế hoạch, 85.000 bản văn hóa phẩm, đạt 100% kế hoạch và 45.500 bản lịch các loại với mức doanh thu trên 1 tỷ đồng.