Giữ gìn sắc nét bản làng
- Cập nhật: Thứ hai, 31/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Họ là những người con của bản làng Thái nơi vùng đất Mường Lò. Bởi một niềm tự hào và ý thức dân tộc sâu sắc, họ đã góp phần gìn giữ những sắc nét riêng của bản, của làng.
Những cô gái múa xòe bản Tông Pọng, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ.
|
Người đàn bà hát dân ca
Người phụ nữ ấy vẫn bộn bề với hàng núi công việc của một hội trưởng Hội Phụ nữ của xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) nhưng trong nhiều cuộc sinh hoạt văn hoá, cuộc vui của xóm giềng làng bản ít khi vắng bóng chị. Dân bản bảo rằng thiếu chị là mất vui, là thiếu mất không khí văn hoá của người Thái. Có lẽ cũng không sai, bởi thiếu chị, hình như chẳng còn ai để hát những bài mừng lên nhà mới, mời uống rượu cưới gả, cúng vía trẻ con, chơi xuân ngày tết…của người Thái ở Mường Lò.
Lớn lên trong câu hát dân ca của mẹ; đến tuổi được mời đi uống rượu lại có dịp được nghe nhiều bà, nhiều mế trong làng trong bản hát bên mâm cơm, chén rượu…Những câu hát thấm vào cô gái Thái này lúc nào không hay. Thêm ý thức học hỏi, cứ hễ biết được, nghe được các bà các cô trong bản trong làng có bài nào mà mình chưa biết là cô lại lặn lội đến xin học lại. Dần dà, cô gái Thái ấy đã sưu tầm được cho mình rất nhiều những điệu hát, lời ca dân gian của dân tộc. Đến lượt mình, cô lại là người thường xuyên cất tiếng hát trong những cuộc vui, cuộc rượu, dịp lễ, tết…của anh em, bản làng.
Đã có lúc bận bịu với công việc gia đình, chính bản thân cô gái Xiêng hay hát hò ngày nào không còn thời gian cất tiếng hát bên ly rượu, mâm cơm của anh em, bản làng. Nhưng chợt một ngày, chị nhận thấy trong các cuộc vui, dịp lễ tết của bản làng cứ như thiếu vắng một cái gì đó, cứ tẻ tẻ, nhạt nhạt. Hoá ra các bà, các mẹ biết hát ngày trước đã không còn nhiều nữa, những người trẻ của bản làng bây giờ lại càng ít người hay biết. Thế là, cái kho tàng làn điệu dân ca Thái sẵn trong chị ngày trước như hòn than âm ỉ cháy, lại được dịp bùng lên. Thêm ý thức dân tộc mạnh mẽ, chị tìm cách xới xáo lại phong tục này. Bên mâm cơm ngày vui của đôi trai mường gái bản, trong không khí nhộn nhịp chơi xuân…cứ có dịp là chị cất lên những câu hát dân ca, làm thức dậy lòng say mê với một nét văn hoá dân tộc mình của những người Thái trẻ tuổi.
Không dừng lại ở thôn bản, nhiều lần, giọng hát của chị đã được phát trên sóng phát thanh của cả đài huyện và tỉnh. Mấy năm nay, Nghĩa An tổ chức trở lại hoạt động Hạn khuống, chính chị là người đã dạy cho các cặp trai gái hát trong dịp sinh hoạt văn hoá này. Rồi em gái nào có lòng ham học đều được chị dành thời gian dạy bảo. Mấy em gái trong bản cho hay, chị còn sáng tác cả bài hát nữa. "Cũng độ hơn chục bài gì đấy, bắt đầu sáng tác từ năm 1995", chị bảo vậy. Nhiều bài hát tiếng Thái như "Nhờ ơn Đảng dẫn đường chỉ lối"; "Mừng vui xây dựng bản mường"; "Vui mừng hội dân mường bỏ phiếu..." đã được bà con yêu thích truyền đạt cho nhau. Trong dịp bầu cử năm 2007 vừa qua, những lời hát do chị sáng tác đã được vang lên cổ vũ bà con dân bản đi bầu cử…Tiếng hát dân ca Thái của chị thêm một lần được khẳng định trong dịp thi Tiếng hát dân ca các dân tộc thiểu số toàn quốc đầu năm 2007. Trích đoạn khắp "Thẩm Lé" kết hợp đã mang về cho chị giải nhì. Người phụ nữ ấy vui mừng vì đã mang được tiếng hát dân ca của người thái Mường Lò đến với cả người ngoài vùng.
Muốn các lớp con cháu gìn giữ vốn văn hoá dân ca này, bấy lâu chị vẫn ấp ủ mong muốn tổ chức được các cuộc thi tiếng hát dân ca của dân tộc ở từng thôn bản. "Có như vậy, những lời ca tiếng hát dân ca của dân tộc Thái mới được lưu truyền rộng rãi và bền chặt hơn".
Và những cô gái trẻ múa xoè
Có những người phụ nữ Thái như chị Điêu Thị Xiêng thì còn có những cô gái Thái trẻ như những cô gái múa xoè bản Tông Pọng. Trong ánh lửa vòng đại xoè của Ngày hội văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 10 người ta vẫn dễ dàng nhận ra dáng điệu nhịp xoè riêng có của những cô gái trẻ đến từ Nghĩa Lộ.
Rời ánh đèn sân khấu, trút bỏ những xiêm áo biểu diễn, những cô gái như: Thim, Nhâm, Thuỷ, Sâm, Qui…lại trở lại là những cô gái Thái nết na của bản Tông Pọng (phường Tân An) như vốn thế, lại trở về bên công việc đồng áng cùng gia đình, lại quen thuộc bên ruộng lúa, bãi ngô… Sinh ra ở bản làng, lớn lên cũng ở bản làng và học múa học hát cũng ngay ở bản làng chỉ với một ý nghĩ duy nhất "Mình là người Thái, phải giữ những nét riêng của người Thái". Như thể khả năng thiên bẩm khi là những người con của dân Tộc Thái, thêm sự chỉ bảo của các bà, các mẹ các cô trong bản trong xã, những điệu múa truyền thống của người Thái được các cô gái trẻ ấy nhanh chóng tiếp nhận và thể hiện đẹp mắt. Cái niềm đam mê yêu thích những giá trị văn hoá của dân tộc mình cộng với sự say mê học hỏi, luyện tập đã khiến cho đội múa 8 cô gái trẻ ấy dần có tiếng.
Trong các buổi diễn lớn của phường, của thị xã đã không vắng bóng đội múa của Thim, Nhâm, Qui…Rồi không ít lần đội xòe được đại diện cho thị xã tham gia những hội diễn trong tỉnh, ngoài vùng như chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2005. Vinh dự nhất là lần biểu diễn ở Quảng trường Ba Đình kỉ niệm 60 năm Quốc khánh nước CHXHCNVN… Bây giờ, ngoài những điệu múa vốn quen thuộc xưa nay của người Thái, đội múa tám cô gái trẻ này còn làm hài lòng nghệ nhân nổi tiếng của đất Mường Lò - Lò Văn Biến với 6 điệu xoè cổ vừa được phục dựng lại. Khả năng trình độ thể hiện những điệu xoè ấy cũng đã được khẳng định bằng giải nhất trong hội thi múa 6 điệu xoè cổ giữa các bản làng.
Mười tám, đôi mươi, những cô gái ấy không những là sự trẻ trung của bản làng mà còn là sự kế tiếp lưu giữ một nét văn hóa đẹp đẽ của người Thái Mường Lò. Để đến Mường Lò hôm nay, được đắm mình trong điệu dân vũ hay say trong câu hát dân ca giữa bản làng.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Sau "Bụi hồ", "Thời hoa đỏ", "Xứ mưa", Hoàng Thế Sinh vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết thứ tư “Rừng thiêng”. Là người con của xứ nhãn lồng Hưng Yên, cùng gia đình lên vùng kinh tế mới Yên Bái từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước và gắn bó với mảnh đất này, chính vì thế mà hầu hết các tác phẩm của anh đều mang đậm hơi thở của cuộc sống nơi rừng núi.
Diễn ra một tuần một lần, cũng có thể một tháng một lần, tuỳ từng địa phương, chợ phiên chính là nơi bộc lộ rõ nhất bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc miền núi vùng Tây Bắc.
YBĐT - An lành, hạnh phúc và yêu thương là 3 từ quen thuộc người ta thường nói đến ngày lễ giáng sinh. Không biết từ lúc nào, ngày lễ giáng sinh đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam đến như vậy. Giáng sinh giờ đây không chỉ là ngày lễ của riêng người công giáo, mà nó đã trở thành một ngày lễ chung cho mọi người thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc và tôn giáo.
YBĐT - Ngày 15/12, tại tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội nghị thẩm định Đề án thành lập Trường Cao đẳng Văn Hoá, Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái.