Tết của người Cao Lan vùng đông hồ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Già làng La Ngọc Giai ở bản Đá Trắng, xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) kể: “Năm nào cũng vậy, ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, người Cao Lan ở Vũ Linh, Bạch Hà, Vĩnh Kiên... nhà nào cũng chọn 2 - 3 con gà trống đẹp thiến để dành; 1 con lợn (giống địa phương) nuôi đến tết để mổ, vì chúng tôi ăn tết cổ truyền là to nhất”.

Tiết mục múa rước dâu của người Cao Lan.
Tiết mục múa rước dâu của người Cao Lan.

Thường vào tháng 12 âm lịch, đồng bào đã chuẩn bị đủ mọi thứ, từ gà trống thiến, lợn, gạo nếp, hoa quả, trầu cau cho đến vàng hương... để cúng tổ tiên và ăn tết. Hộ nào khá giả, mổ con lợn chừng 50 - 60 kg. Ngày 28 - 29 tết, các gia đình đều mổ lợn, gói bánh chưng, bánh mật, gói giò, nem... Trong lễ vật cúng tổ tiên của người Cao Lan có nét khác với dân tộc Thái, Tày, Mông. Lễ vật sắp lên bàn thờ phải có bánh mật, còn lễ cúng đêm 30 tết thì nhất thiết phải có thêm gà thiến và bún. Bánh chưng của người Cao Lan gói nhỏ, giống như bánh của người Tày, nhưng hai đầu dẹt và ở giữa hơi phình ra. Bánh mật để cúng tổ tiên làm bằng bột gạo nếp khô trộn với mật, nhào kỹ, gói bằng lá chuối, không có nhân. Hôm mổ lợn, nhà nào cũng làm 2 - 3 mâm cơm mời thông gia, anh em, con cháu, hàng xóm thân thiết.

Trước khi mời khách uống rượu, ăn tết, chủ nhà sắp một mâm cơm có đủ các món: lòng lợn, tiết canh, nem, chả nướng... để cúng tổ tiên. Lời cúng đại ý: “Hết tháng, hết năm, tết cổ truyền đã đến, mời các cụ về ăn tết, các cụ cứ ngồi đây ăn tết, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, sang năm mới làm ăn phát đạt, làm cái gì được cái đấy, thóc ăn không hết, trâu đầy chuồng, gà đầy bãi, đắp ao ao phải có cá, trồng chuối chuối phải có quả...”. Rồi chủ nhà tiếp tục cúng ma lợn, đặt thủ lợn đã luộc chín vào chỗ hay để cám, ngô: “Năm nay gia chủ nuôi được con lợn là nhờ ông phù hộ, mời ông ăn, năm sau phù hộ cho gia chủ nuôi lợn hay ăn, chóng lớn, nuôi được nhiều hơn”. Cúng xong, chủ nhà mời khách ăn tết, uống rượu. Xong bữa trưa ở nhà này, bữa tối nhà khác mời và hôm sau lại nhà khác mời.

Ngày 30 tết, mọi gia đình đều chuẩn bị lễ vật để cúng tổ tiên. Già làng La Ngọc Giai cho biết: “Chiều 30 tết, mọi gia đình không đi ăn cỗ nữa mà đều ở nhà chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên. Chủ nhà phải mặc trang phục dân tộc, đội mũ nồi hoặc khăn chàm, thắp đèn dầu, bê mâm cơm đặt lên bàn thờ, thắp hương rồi quỳ trước bàn thờ cúng tổ tiên, cầu xin phù hộ cho con cháu năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt hơn, đi đâu đều gặp may mắn. Hương thắp trên bàn thờ không được để tắt, hết tuần hương này lại phải thắp tuần hương khác, đến sáng mùng 2 tết hóa vàng xong mới thôi...”. Sáng mùng 1 tết, người Cao Lan đi ra trước nhà, chọn một hướng đẹp của năm đó, nhìn về khoảng 2 - 3 phút để được may mắn cả năm rồi mới đi làm những việc khác.

Đêm 30 và sáng mùng 1, người Cao Lan kiêng không đi chúc tết hàng xóm mà chỉ con cháu trong dòng tộc đem rượu, mứt, bánh chưng, bánh mật đi tết bố mẹ; mùng 2 mới được đi chơi, chúc tết hàng xóm. Trước khi đi chúc tết, chủ nhà phải làm một mâm cơm cúng tổ tiên, rồi khi đã hóa vàng xong thì ra đình làng thắp hương. Khi nào ông thầy cúng của làng cúng mở cửa làng xong, mọi người mới được ra khỏi làng đi chơi, chúc tết các gia đình ở làng khác và dựng cây để chơi các trò: ném còn, cầu lông gà, đánh quay, đá bóng, múa hát...

Các cụ già đi chơi tết hàng xóm, uống trà, uống rượu chúc nhau khỏe mạnh, sống lâu. Thanh niên nam nữ từ làng này sang làng kia, tổ chức các trò chơi dân gian và múa hát giao duyên. Con trai từ làng khác tới chơi hát: “Anh là khách lạ phương xa, có lời xin hỏi em đã yêu ai rồi? Yêu ai, anh cũng xin mừng. Nếu yêu ai, anh cũng xin đừng trách anh”. Con gái hát đối lại: “Người yêu chưa có anh ơi. Quẳng dao xuống nước cho đời chứng minh. Dao nổi thì em bạc tình. Dao chìm xuống nước thì tình trắng trong".

Cũng từ lễ hội này mà nhiều đôi nên vợ nên chồng, chung sống hạnh phúc suốt đời.

Nguyễn Giang  

Các tin khác

YBĐT - Thế là lại nở rồi cái sắc hoa ấy, cái sắc hoa phơi phới một cách mộc mạc như lòng người dân miền sơn cước, phơn phớt một sắc hồng dịu nhẹ như nắng mới ngày xuân, mảnh dẻ nhẹ nhàng đòng đưa trong thoảng gió mà vẫn đầy nét cứng cỏi của cây cối đất rừng.

Mùa xuân đi chơi hội.

YBĐT - Ở Yên Bái, người Giáy định cư đông nhất là xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. Một số ít sống xen kẽ ở Yên Bình, Lục Yên. Trong năm, bà con có nhiều ngày Tết. Mỗi ngày Tết lại có nội dung, ý nghĩa và cách tổ chức riêng. Xin giới thiệu vài nét về tục ăn tết trong năm của dân tộc này.

Ngày 31/1, Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất trong năm 2008 là phối hợp với các đơn vị chức năng khởi quay 3 bộ phim lịch sử về Thăng Long - Hà Nội.

Màn kết của Táo Quân 2008

Táo quân năm nay sẽ không có Táo giáo dục, Táo thể thao.. mà thay và đó là Táo báo chí cùng các Táo khác. Bên cạnh đó không thể thiếu Nam Tào, Bắc Đẩu và Thiên Lôi đã trở thành thân thuộc với khán giả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục