Chơi đu ngày tết của người Thái Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Chơi đu (chọng chá) là sinh hoạt văn hóa được bà con người Thái Tây Bắc nói chung và Mường Lò - Yên Bái nói riêng rất yêu thích, đặc biệt là lớp trẻ. Trong các bản người Thái, gần như nhà nào có trẻ em thì đều có đu, thường được làm đơn giản bằng hai sợi dây chắc chắn, buộc vào một đoạn tre, hóp để làm chỗ đứng hoặc ngồi. Kiểu đu này có thể buộc dưới gầm sàn hoặc trên cành cây ở sân vườn nhà. Trẻ em vừa đu vừa cùng hát những bài đồng dao, vỗ tay reo hò vui vẻ.

Ngày trước ở vùng Mường Lò, vào mùng 5 tết bao giờ cũng tổ chức chơi đu ở bản Khinh, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn. Đây thực sự là ngày hội của tam tổng: Mường Lò, Mường Cha, Mường Da.

 

Trong ngày hội này còn tổ chức nhiều trò chơi có thưởng cho mọi lứa tuổi tham gia như: tung còn - tọt cón, đi cầu độc mộc - cáu khua luổn, bịt mắt đập nồi đất - pảy nả tói mỏ đin, bắn nỏ - pén nả, chọi quả lẹ - tó mắc lẹ, đẩy gậy - tó tếch... Song trung tâm của ngày hội vẫn là chơi đu. Đây là nơi các chàng trai, cô gái can đảm nhất tham dự, ngầm đua tài.

 

Có hai loại đu, đu dây - chọng chá và đu quay - chọng chá pín. Đu dây làm bằng dây song được buộc vào một tấm gỗ nhỏ làm chỗ đứng và được treo trên một khung bằng tre, hóp. Loại đu này có thể một người đu hoặc hai người cùng đu, thường là một đôi trai gái.

 

Đu quay hình tròn, cấu tạo gần giống cái cọn nước, làm bằng tre, hóp, gỗ, đường kính từ 3 mét đến 5 mét, có giá treo làm chỗ ngồi cho từng đôi một, loại đu này nhiều người cùng chơi được một lúc.

 

Ở trò chơi đu quay, người chơi đã được hưởng cái cảm giác lâng lâng bay bổng diệu kỳ, hòa cùng đất trời và vạn vật thì ở trò chơi đu dây, con người như được chắp cánh bay lên giữa bầu trời cao rộng như cánh chim tung cánh giữa mây trời.

 

Đu đôi, bên trai nhún, bên gái đu, đôi người như bay lên giữa trời xuân lồng lộng. Mỗi người thêm tự tin hơn. Ước mơ một cuộc sống hạnh phúc cứ phơi phới trong tiếng hò reo cổ vũ và tiếng hát đồng thanh của mọi người: “Khí chọng chá, chá/Kha bỏng bốk /Chộ mạy pao/ Xao hướn tở/ Pạư hướn nưa/ Mák khưa súc/ Mák pục sổm/ Khẩu tủm van.../ Khí chọng chá, chá...”, có nghĩa là: Nắm dây đu, đu/ Đôi chân như hai ống nứa/ Ta bay cao/ Cho ống nứa đổ xuống/ Lúc em trên/ Khi em dưới/ Cho quả cà chín/ Cho quả bưởi chua/ Bánh tết thêm ngon/ Cơm chan nước lã thành ngọt.../ Nắm dây đu, đu...

 

Tan hội, mọi người bịn rịn chia tay, trai bản gái mường lưu luyến hẹn hò gặp gỡ. Mỗi người thêm gần gũi chan hòa với nhau hơn, thêm tin yêu vào cuộc sống. Mùa xuân và tình yêu bất diệt đã gieo những hạt mầm hạnh phúc trong trái tim mỗi người.

 

Trần Vân Hạc

Các tin khác

YBĐT - Mùa xuân về đánh thức vạn vật. Cây cối đâm chồi nảy lộc, ngàn hoa đua sắc khoe hương. Mùa xuân là mùa của hoa, và chính hoa đã làm cho xuân thêm đẹp. Tết đến, xuân về, cùng với những đào, mai khoe sắc, những giò lan làm cho hương sắc xuân thêm mặn mà...

Tiết mục múa rước dâu của người Cao Lan.

YBĐT - Già làng La Ngọc Giai ở bản Đá Trắng, xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) kể: “Năm nào cũng vậy, ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, người Cao Lan ở Vũ Linh, Bạch Hà, Vĩnh Kiên... nhà nào cũng chọn 2 - 3 con gà trống đẹp thiến để dành; 1 con lợn (giống địa phương) nuôi đến tết để mổ, vì chúng tôi ăn tết cổ truyền là to nhất”.

YBĐT - Thế là lại nở rồi cái sắc hoa ấy, cái sắc hoa phơi phới một cách mộc mạc như lòng người dân miền sơn cước, phơn phớt một sắc hồng dịu nhẹ như nắng mới ngày xuân, mảnh dẻ nhẹ nhàng đòng đưa trong thoảng gió mà vẫn đầy nét cứng cỏi của cây cối đất rừng.

Mùa xuân đi chơi hội.

YBĐT - Ở Yên Bái, người Giáy định cư đông nhất là xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. Một số ít sống xen kẽ ở Yên Bình, Lục Yên. Trong năm, bà con có nhiều ngày Tết. Mỗi ngày Tết lại có nội dung, ý nghĩa và cách tổ chức riêng. Xin giới thiệu vài nét về tục ăn tết trong năm của dân tộc này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục