Tục làm bánh ống của dân tộc Tày Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ khoảng 20 tháng Chạp trở đi, ở các bản người Tày Tây Bắc, các bà các chị đã nhộn nhịp chuẩn bị gạo nếp, lá dong, lạt cho việc gói các loại bánh Tết. Riêng gói bánh ống (pẻng ổng) được chuẩn bị chu đáo.

Lá dong chọn lá vừa phải, rửa lau sạch, bó thành từng thếp nhỏ, chặt bằng hai đầu lá. Tìm lạt buộc bánh loại giang, nứa dại gióng dài, đốt qua lửa, tước bỏ phần bụng và cật, lấy giữa, chẻ nhỏ. Sau đó buộc túm một đầu, treo sẵn lên mái nhà. Đến ngày 28-29 Tết sắm phần nhân bánh. Nhân là đỗ nho nhe kháp xong, đãi vỏ, cho bắc lên đun gần chín. Thịt lợn ba chỉ thái miếng dài đều nhau. Gạo nếp loại ngon ngâm vài tiếng rồi vớt vào rá để ráo. Theo tục truyền, bánh ống có hai loại: bánh trắng và bánh đen. Chia đôi số gạo trộn đều với tro rơm lúa cum (lúa nếp) cho gạo có màu chàm đen.

 

Gạo sẵn, lá dong, lạt, nhân bánh đã sẵn, bước vào gói bánh. Gói bánh đặt trên nong hoặc cái mâm. Đặt úp đôi lá dong, ngọn gốc ngược chiều. Dùng bát ăn cơm để múc gạo. Mỗi chiếc bánh tùy thích to hay nhỏ mà múc mấy bát. Rải gạo chạy dài theo lá, dùng tay rạch gạo một đường ở giữa, rải nhân đỗ và miếng nhân thịt lên, tiếp tục rải gạo lên sao cho đều. Cầm hai mép lá cuộn ngang bánh về một bên, dúm khéo cho tròn.

 

Dùng lạt luồn dưới bánh buộc ngang giữa bánh. Gấp một đầu lá bánh, đặt xuống mâm, cho chiếc bánh dựng đứng lên. Tiếp tục dùng kéo cắt dọc đầu lá bốn nhát, rồi dúm gập các đầu lá vào trong sao cho kín. Đảo chiếc bánh ấn đầu vừa dúm xong xuống nong, tiếp tục gói đầu kia. Dúm xong đầu bánh thứ hai thì luồn đôi lạt, buộc chữ thập từ đầu nọ sang đầu kia, rồi thít chặt lại. Dùng lạt ngắn buộc ngang thân bánh bằng hai vòng, vặn tròn. Đầu mối để dọc theo nếp lá gấp dọc theo chiếc bánh. Tiếp tục dùng lạt buộc ngang bánh. Dàn cho đều khoảng cách lạt sau buộc đè lạt trước, các mối đuôi lạt thành một đường thẳng như cái nẹp khuy áo.

 

Đến mối lạt cuối cùng thì chia đầu lạt ra hai, ba nhóm, vặn lại thành một sợi như bện thừng. Khi hết đầu lạt thì vòng một sợi buộc khóa lại. Đoạn lạt được tết ở đầu bánh này khi luộc bánh chín thì cứ hai chiếc (một đôi) buộc với nhau và vắt lên cây sào... Tục truyền rằng, lạt buộc ngang bánh phải từ bốn lạt trở lên. Nếu ba lạt không phải là pẻng ổng Tày mà là pẻng xả (bánh của người Xá).

 

Tục truyền rằng, ngày xưa người Tày gói bánh ống (pẻng ổng) là xa xưa chưa có nồi luộc bánh, nên phải gói dài để đưa vào ống nứa, ống bương để luộc. Bánh ống cũng có nghĩa là bánh lam trong ống. Những thế kỷ sau gần đây, đồng bào Tày sắm nồi to để luộc bánh nên nhà nào ít nhất cũng có cái nồi đồng to, gọi là nồi ba mươi để luộc bánh ngày Tết. Bánh ống cùng với bánh còn, bánh chay, bánh nẳng là những loại bánh để cúng tổ tiên ngày Tết của đồng bào Tày Tây Bắc.

 

Hà Ngọc Thủy

Các tin khác

YBĐT - Chơi đu (chọng chá) là sinh hoạt văn hóa được bà con người Thái Tây Bắc nói chung và Mường Lò - Yên Bái nói riêng rất yêu thích, đặc biệt là lớp trẻ. Trong các bản người Thái, gần như nhà nào có trẻ em thì đều có đu, thường được làm đơn giản bằng hai sợi dây chắc chắn, buộc vào một đoạn tre, hóp để làm chỗ đứng hoặc ngồi. Kiểu đu này có thể buộc dưới gầm sàn hoặc trên cành cây ở sân vườn nhà. Trẻ em vừa đu vừa cùng hát những bài đồng dao, vỗ tay reo hò vui vẻ.

YBĐT - Mùa xuân về đánh thức vạn vật. Cây cối đâm chồi nảy lộc, ngàn hoa đua sắc khoe hương. Mùa xuân là mùa của hoa, và chính hoa đã làm cho xuân thêm đẹp. Tết đến, xuân về, cùng với những đào, mai khoe sắc, những giò lan làm cho hương sắc xuân thêm mặn mà...

Tiết mục múa rước dâu của người Cao Lan.

YBĐT - Già làng La Ngọc Giai ở bản Đá Trắng, xã Vũ Linh (Yên Bình - Yên Bái) kể: “Năm nào cũng vậy, ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, người Cao Lan ở Vũ Linh, Bạch Hà, Vĩnh Kiên... nhà nào cũng chọn 2 - 3 con gà trống đẹp thiến để dành; 1 con lợn (giống địa phương) nuôi đến tết để mổ, vì chúng tôi ăn tết cổ truyền là to nhất”.

YBĐT - Thế là lại nở rồi cái sắc hoa ấy, cái sắc hoa phơi phới một cách mộc mạc như lòng người dân miền sơn cước, phơn phớt một sắc hồng dịu nhẹ như nắng mới ngày xuân, mảnh dẻ nhẹ nhàng đòng đưa trong thoảng gió mà vẫn đầy nét cứng cỏi của cây cối đất rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục