“Caáu lôống tôông” - Lễ hội cầu mùa và những ước mong tốt đẹp
- Cập nhật: Thứ tư, 5/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cùng với cây đàn tính, những câu then ngọt ngào và say đắm..., đồng bào Tày ở đây còn có nhiều nghi lễ truyền thống độc đáo vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc được trân trọng gìn giữ qua nhiều thế hệ và tiếp tục phát huy trong cuộc sống hôm nay. Trong đó có lễ hội “Caáu Lôống Tôông” – hay còn gọi là lễ hội cầu mùa. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Tày, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân sau Tết Nguyên đán ít ngày với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống con người yên ấm, no đủ.
(Ảnh: Thu Thảo).
|
Thượng Bằng La – phát âm theo tiếng Tày vùng ngoài huyện Văn Chấn là “Thượng Bvắng La”, có nghĩa chỉ lòng thung rộng, bằng phẳng ở trên cao.
Theo các tài liệu khảo cổ học cho biết, vùng đất Thượng Bằng La từng là địa bàn cư trú của người Việt cổ từ rất sớm. Đồng bào người Tày đã đến đây khai sơn lập làng từ 600 năm trước và trở thành những cư dân đầu tiên của vùng đất Thượng Bằng La.
Cùng với cây đàn tính, những câu then ngọt ngào và say đắm..., đồng bào Tày ở đây còn có nhiều nghi lễ truyền thống độc đáo vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc được trân trọng gìn giữ qua nhiều thế hệ và tiếp tục phát huy trong cuộc sống hôm nay. Trong đó có lễ hội “Caáu Lôống Tôông” – hay còn gọi là lễ hội cầu mùa. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Tày, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân sau Tết Nguyên đán ít ngày với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống con người yên ấm, no đủ.
Mỗi độ xuân về, ấy cũng là lúc các bản người Tày ở Thượng Bằng La chuẩn bị vào Hội cầu mùa. Cùng những phẩm vật trong nghi lễ tế thần là trâu đen, các loại bánh chay, hoa trái trong vùng và trồng đu, dựng cột còn chuẩn bị cho phần hội thì các làn hát then, những điệu múa Dậm Khăn – Lăn tính... cũng được luyện tập kỹ càng.
Ngày hội “Caáu Lôống Tôông” đã tới sau biết bao háo hức đợi chờ. Từ khắp các bản gần cho tới thôn xa: Khe Cướm, Đồng Sang, Noong Tài, Văn Tiên, Bản Vằm, Bản Dạ..., mọi người đều nô nức đi hội trong những sắc phục đẹp nhất và cả những hẹn hò, mong ngóng bấy nay...
Nơi diễn ra lễ hội thường là một khu đất rộng và thoáng để có thể ngưỡng vọng 5 ngọn núi đã đi vào tiềm thức và đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây. Và đó cũng là không gian thích hợp để tiến hành nghi lễ cúng thần núi và tổ chức các trò chơi dân gian mang tính cộng đồng diễn ra trong ngày hội.
Mở đầu cho lễ hội là nghi thức cúng Thành Hoàng bản thổ, Thần Núi và Thần Nước. Trọng tâm của phần lễ là cúng 5 thần núi cai quản vùng đất Thượng Bằng La mà đứng đầu là Pú Khau Teé (tức Thần núi Té). Lễ cúng các thần gồm cả chay và mặn. Trong mâm lễ cúng thần, cùng với thịt trâu nướng, các loại bánh làm bằng bột gạo như: bánh Khém côông, bánh Mạy đảy, cơm lam Mạy hóp... còn có thanh bông hoa quả và 7 thứ rau rừng mà người Tày rất ưa thích. Một phẩm vật không thể thiếu là bộ đầu chân và đuôi trâu đen. Người hành lễ tế thần phải là người đứng đầu họ lớn nhất trong vùng và cũng chỉ người trong dòng họ mới được tiếp nối công việc này.
Sau phần nghi lễ là phần hội được mở màn bằng trò chơi tung còn. Cột còn của người Tày ở Thượng Bằng La được dựng lên bằng một cây bương thẳng nhất và cao tới 12m. Đây là loại tre to và thẳng, thường được người Tày sử dụng làm dát nhà sàn vừa bền lại vừa bóng và đẹp.
Bao giờ cũng vậy, trong lễ hội này, người khai còn phải là trưởng họ Hà Tạo – dòng họ mà từ xa xưa được giao trọng trách cúng Thần núi Té – ngọn núi cao và được coi là linh thiêng nhất ở vùng đất này và bà Then của làng.
Cùng với ném còn, mọi người còn được tham gia vào nhiều trò chơi và các môn thể thao truyền thống như: đánh yến, kéo co, bắn nỏ và đi trọ trẹ hay còn gọi là “Pay trọ trẹ”. Trọ trẹ được làm từ hai đoạn tre dài, ngắn tùy theo khả năng giữ thăng bằng của từng người. Chỗ để đặt bàn chân là hai đốt tre có đục lỗ để luồn vào thân trọ trẹ. Người đi càng khéo thì mấu giữ bàn trọ trẹ càng được đặt ở vị trí cao hơn. Nguyên thủy thì trọ trẹ được các chàng trai dùng để “Pin chán lỉn thao”, tức là: leo sàn tìm hiểu người yêu. Ngày nay, “Pay trọ trẹ” còn được dùng trong các hình thức thể thao như chạy đua, chơi cờ người và cả đá bóng.
Đến với lễ hội cầu mùa của người Tày – Thượng Bằng La, người chơi hội còn có được cảm giác bay bổng theo các vòng đu. Chơi đu đã góp phần làm cho lễ hội thêm sôi động và đắm say hơn.
Cũng trong ngày hội “Caáu Lôống Tôông”, các làn hát then, những khuôn múa truyền thống của người Tày vùng ngoài Văn Chấn lại được các thế hệ người dân nơi đây thể hiện một cách say sưa và đầy tự hào.
Chuyện xưa kể lại, mỗi độ xuân về, người Tày lại tổ chức chơi xuân. Họ múa hát gọi các chàng trai ở Mường Tiên trên sông Ngân Hà xuống trần gian để cùng vui hát múa. Lối hát này gọi là “Dậm thuông”. Dậm thuông có rất nhiều điệu, nhưng trong đó có một số điệu đặc trưng và giàu ngôn ngữ biểu cảm như: Dậm khăn, Lăn tính, Dậm pioóc (tức múa hoa) và Chéo rứa (chèo thuyền). Dậm thuông vừa hàm chứa ý nghĩa tín ngưỡng vừa mang yếu tố nghệ thuật. Dậm thuông có thể tại chỗ hoặc di chuyển từ những vòng dậm nhỏ kết thành màn dậm lớn có khi lên tới vài trăm người. Có thể nói, “Dậm thuông” trong ngày hội thể hiện rõ nhất tính cộng đồng, tình cảm gắn bó bền chặt của các thế hệ người Tày ở mảnh đất này suốt nhiều thế kỷ qua.
Ngày xuân đi Hội cầu mùa, người Tày ở Thượng Bằng La không chỉ thấy lòng mình rộn rã mà còn luôn tự hào về truyền thống văn hóa quý báu mà ông cha đã sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và không ngừng được gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ. Mỗi người đều cảm nhận được sự thiêng liêng của tình làng nghĩa bản và thắp sáng lên trong tâm hồn tình yêu quê hương xứ sở cùng những mong ước tốt đẹp về ngày mai...
Thanh Tửu
Các tin khác
Hoạt động này sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3/8 với nhiều chương trình như: biểu diễn võ với 30 nước tham gia, chương trình văn hóa nghệ thuật của nhiều nước, các chương trình thể thao, phố ẩm thực, làng nghề
Ngày 4-3, một trong những giọng nam cao nổi tiếng nhất trong làng opera thế giới thế kỷ 20, Giuseppe di Stefano, người Italia, đã qua đời tại nhà riêng gần TP Milan (Italia) ở tuổi 86.
Duyên Dáng Việt Nam 20 - Charming Vietnam Gala in London sẽ khai diễn vào tối 4/3 tại thủ đô nước Anh (tức rạng sáng 5/3, giờ Việt Nam) sau hơn 2 tháng chuẩn bị khẩn trương. Khách tham quan Central Hall Westminster trong ngày 3/3 đã bị những giai điệu, những tà áo dài Việt Nam níu chân.
YBĐT - Đã nhiều năm nay, cứ mỗi độ xuân về, cùng với những nét xuân muôn thuở: hoa đào khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc, trên bàn thờ mỗi gia đình thêm mâm ngũ quả, cặp bánh chưng... là một nét xuân mới cũng không kém phần xuân sắc. Nét xuân mới đó là: sinh hoạt thơ trong dịp Nguyên tiêu.