Huyền thoại đường Hồ Chí Minh

  • Cập nhật: Chủ nhật, 17/5/2009 | 12:00:00 AM

Tối qua 16.5, rừng Trường Sơn lại bừng sáng và rộn rã trong từng điệu nhạc lúc trầm lúc bổng; bên đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua trọng điểm phà Xuân Sơn năm xưa, trời-đất-người cùng quyện vào nhau sống lại thời kỳ hào hùng “một lòng cho tiền tuyến”...

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Huyền thoại một con đường”.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Huyền thoại một con đường”.

Ngày 19.5.1959 đã đi vào huyền thoại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc. Thực hiện NQ15 của Bộ Chính trị - Ban Chấp hành T.Ư Đảng nhằm tạo bước ngoặt cho cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi, chúng ta đã mở con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn để kịp thời chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Vì mở đúng ngày sinh nhật của Bác nên con đường được mang tên đường Hồ Chí Minh. Từ đó hệ thống đường Hồ Chí Minh nhanh chóng phát triển, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí tự lực tự cường và tài lãnh đạo thao lược của Đảng và nhân dân ta.

Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật mang tên “Huyền thoại một con đường” tại khu vực tượng đài TNXP ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đến dự có các ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Chính phủ; các cựu chiến binh đường Trường Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cùng đông đảo bà con nhân dân.

“Huyền thoại một con đường” thể hiện sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân Việt Nam đối với sự hy sinh lớn lao của hàng vạn bộ đội, TNXP trên suốt dọc tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử nói chung và huyết mạch đi qua tỉnh Quảng Bình nói riêng. Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bên cạnh đó chương trình còn nêu cao vai trò to lớn của đường Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước hôm nay.

Một lần nữa, tinh thần lạc quan, chí khí chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ trên những tuyến lửa được thể hiện bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc, qua những bản trường ca bất hủ.

Tại buổi lễ, ông Trương Tấn Sang đã trao bằng và quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước cho tập thể 8 liệt sĩ TNXP quê ở tỉnh Thanh Hóa, thuộc đại đội 217, Ban xây dựng 67, Đoàn 559 hy sinh vào ngày 14.11.1972 tại Km 16 đường 20 Quyết thắng (H.Bố Trạch, Quảng Bình).
Mở đầu với thơ múa Bên tượng đài các nghệ sĩ đã tái hiện sự nghiêm trang, khí thế của những thanh niên trẻ khoác trên mình bộ áo lính, vai đeo súng hùng dũng ra mặt trận... Từ các ngả đường, từng đoàn cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên trên tay là những bó hoa tươi thắm lặng lẽ tiến về phía trung tâm sân khấu, thành kính đặt hoa dưới chân tượng đài rồi tản về tạo hình kết thành bức phù điêu lớn trong tiếng hát bi hùng, ngợi ca của dàn hợp xướng... Rồi sân khấu chuyển cảnh, màn hình hiện cảnh phá núi mở đường trong khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Có một con đường láy đi láy lại lời ca Có một con đường, đường Hồ Chí Minh...

Đây là khúc tri ân, tưởng nhớ những người đã mất. Màn hát múa khắc họa tình cảm thiêng liêng, lòng ngưỡng vọng, biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc...

Đường Hồ Chí Minh - hàng triệu tấn bom đã trút xuống nơi đây, có những lúc tưởng chừng không gian vỡ tung trong tiếng nổ. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Song bom đạn của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được ý chí sắt đá của tuổi trẻ Trường Sơn. Họ đã thề Ra đi giữ trọn lời thề, chưa tan hết giặc chưa về quê hương hay Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm. Đêm rừng Trường Sơn, các chiến sĩ vẫn lạc quan, vui niềm tin chiến thắng hát vang lời ca Âm vang Trường Sơn. Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác....

Đến đây, khán giả được tận mắt thấy hình ảnh thân thương mà bấy lâu nay chỉ nghe kể qua sách báo. Trong mất mát đau thương, trong cuộc sống muôn vàn vất vả nơi chiến trường, những chiến sĩ TNXP vẫn tràn đầy lạc quan yêu đời qua những hình ảnh được tái hiện như chải tóc cho nhau, cảnh chia nhau đọc từng lá thư của người thân. Có người đặt rằng “Trường Sơn đông nắng tây mưa, ai chưa đến đó thì chưa hiểu mình”, ở đó, những người chiến sĩ với những chiếc võng sờn bạc màu xanh nhưng họ luôn vui cười bởi trên tay là cành phong lan rực rỡ.

Bất chợt tiếng bom đạn, tiếng gào rú của máy bay phản lực, những nữ chiến sĩ lại khoác trên mình những chiếc dù lao ra mặt đường. Gió thổi tung tóc và dù của các cô, bầu trời rực đỏ trong lời thơ Gặp em trên cao lộng gió. Đường Trường Sơn ào ào lá đỏ. Và sau một tiếng nổ lớn. Những mảnh dù trắng tung bay lả tả khắp sân khấu trong tiếng gọi thất thanh của các đồng đội: Các bạn đang ở đâu! Không một tiếng đáp trả. Sân khấu im lặng hoàn toàn, rồi bỗng có tiếng vang vọng đâu đó “Mẹ à, vậy là con không về thăm mẹ được nữa rồi...”. Một người mẹ quàng khăn trắng xuất hiện, đi lật những mảnh vải, chiếc áo đắp lên các người con thân thương - những anh hùng liệt sĩ. Những tấm vải phủ lên mình những người chiến sĩ TNXP và biến thành những nấm mộ bạt ngàn. Chiều nay mây lại bay trắng Trường Sơn. Hình ảnh tưởng niệm ban đầu được lặp lại, dòng người với những bó hoa trên tay nghiêng mình bên tượng đài chiến thắng. Những ngôi mộ từ từ hiện ra ngày càng nhiều, càng dày đặc rồi xếp lại thành hình chữ S, hình Tổ quốc Việt Nam. Những ngôi mộ bỗng nở hoa tạo nên một rừng hoa đất nước.

Sau những năm tháng chiến tranh tàn phá nặng nề, giờ đây Quảng Bình đang bước vào vận hội mới, bừng lên không khí thi đua lao động dựng xây. Kết thúc chương trình là liên khúc hát múa tràn đầy niềm lạc quan, cuồn cuộn sức vươn dậy của đường Hồ Chí Minh cùng nhịp sống của đất nước hôm nay.

(Theo TNO)

Các tin khác

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngày 14.5, ông Nguyễn Mậu Nam - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Bình - cho biết, Bộ VHTTDL vừa có quyết định công nhận 15 địa điểm dọc đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển - đoạn qua Quảng Bình là di tích lịch sử quốc gia.

Bộ phim Up chiếu khai mạc LHP Cannes 2009

Sáng nay (14-3, giờ Việt Nam), LHP Cannes lần thứ 62 đã khai mạc bằng bộ phim hài 3D có tên Up của hãng Pixar với đông đảo các ngôi sao màn bạc đã cùng đeo kính chuyên dụng 3D để tham dự lễ công chiếu.

Tuy doanh thu phòng vé trong năm của điện ảnh Hàn Quốc không khởi sắc mấy, nhưng LHP Cannes năm nay có thể khiến cho giới điện ảnh xứ Hàn nở mày nở mặt khi có họ có tới 9 bộ phim được mời tham gia LHP ở nhiều hạng mục tranh giải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục