Giải báo chí Yên Bái 2009: Nhiều tác phẩm xuất sắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Giải Báo chí Yên Bái năm nay có trên 300 tác phẩm dự thi, gồm 4 loại hình: báo viết, truyền hình, phát thanh, ảnh báo chí của các cơ quan báo chí, tạp chí, cơ quan thường trú tham gia. Qua chấm sơ khảo các chi hội, các cơ quan báo chí đã tuyển chọn được 89 tác phẩm của 56 tác giả, nhóm tác giả lọt vào chung khảo. Nhiều nhất là khối báo viết 37 tác phẩm, truyền hình 28 tác phẩm...

Nhiều tác giả có tác phẩm đạt giải cao được nhận giải thưởng trong lễ trao Giải báo chí Yên Bái 2009. (Ảnh: Quang Thiều)
Nhiều tác giả có tác phẩm đạt giải cao được nhận giải thưởng trong lễ trao Giải báo chí Yên Bái 2009. (Ảnh: Quang Thiều)

So với Giải Báo chí năm trước, năm nay số người dự giải đông hơn, tác phẩm nhiều hơn, chất lượng hơn. Các tác phẩm dự thi khá đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực. Những năm trước, các tác phẩm phản biện chiếm tới 90% và hầu như rất hiếm có tác phẩm điển hình, nhân tố mới đoạt được giải. Năm nay, các tác phẩm phản biện chỉ chiếm trên 50% và số tác phẩm phản biện đoạt giải cũng chỉ chiếm trên 30%. Điều đáng mừng các tác phẩm điển hình, nhân tố mới dự giải chiếm khá đông và có tới 8 tác phẩm đoạt giải.

Nhiều tác phẩm báo chí năm nay đoạt giải là những tác phẩm có những phát hiện mới từ cơ sở trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, có những vận dụng sáng tạo, phát hiện những vấn đề mới, nêu giải pháp hay được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm hoan nghênh, được các cấp, các ngành xem xét điều chỉnh, tháo gỡ những bất hợp lý làm cho kinh tế - xã hội phát triển.

Điều đặc biệt, năm nay lần đầu tiên số tác phẩm dự giải viết về công tác xây dựng Đảng đã xuất hiện (hơn 10% tác phẩm dự giải viết về xây dựng Đảng). Và tác phẩm viết về công tác xây dựng Đảng năm nay đã đoạt giải cao nhất, với số điểm của các thành viên trong Hội đồng Giám khảo gần như cho điểm tuyệt đối. Đó là tác phẩm: “Phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Mông: Cần có biện pháp tháo gỡ” của tác giả  Tuấn Anh - Báo Yên Bái. Đó là một tác phẩm đề cập vấn đề khá sâu sắc trong tình hình thực trạng của vùng cao hiện nay về nhận thức, về bất cập trong công tác giáo dục, công tác cán bộ, công tác đào tạo bồi dưỡng, công tác phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao v.v...

 Đồng thời tác giả đã mạnh dạn nêu những băn khoăn, giải pháp tháo gỡ từ công tác phát triển Đảng đến công tác cán bộ và công tác phát triển kinh tế - xã hội an ninh - quốc phòng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc Mông. Đó là tác phẩm phân tích khá sâu sắc, nhuần nhuyễn trong thể hiện văn phong, bút pháp nên lôi cuốn và thuyết phục người đọc. Tác phẩm có tác dụng tốt đối với xã hội, với các cấp, các ngành.

Các tác phẩm: “Ông Sử học chữ Bác Hồ” – tác phẩm truyền hình của nhóm tác giả Hoàng Hà - Đình Nguyên (Đài PT-TH Yên Bái); tác phẩm: “Làm thầy ở Chế Tạo” của Thanh Hương (Báo Yên Bái) hay các tác phẩm truyền hình: “Thầy thuốc của bản” của Công Thanh - Lê Long (Đài PT-TH Yên Bái); tác phẩm: “Người giữ “kho báu” của dân tộc Xa Phó” của Thanh Chi – truyền hình Internet Báo Yên Bái điện tử hay: “Bản Mù lại sáng” của Đình Tứ (Báo Yên Bái) là những phát hiện kịp thời những điển hình tiên tiến, những tấm gương vượt khó để học tập, làm giàu trên chính mảnh đất đầy gian khó của quê hương mình. Họ là những tấm gương tiêu biểu cho người dân vùng cao vươn lên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.

Nhiều tác phẩm đã khám phá ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều vấn đề được phân tích một cách thấu đáo, có tính thuyết phục, gợi mở những ý tưởng, những suy nghĩ, biện pháp mới giúp các cấp, các ngành tìm lời giải đúng cho những vấn đề tưởng như bình thường mà cuộc sống đang đặt ra. Đó là tác phẩm: “Khi nông dân vùng cao mất đất” - của Trung Dũng - Đài PT-TH Yên Bái; “Để sản xuất kinh doanh chè phát triển - Những tồn tại cần tháo gỡ” của Thanh Phúc - Báo Yên Bái; “Chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi: Làm sao cho “trên tới, dưới thông” của Anh Dũng - Báo Yên Bái - đó là những vấn đề nhạy cảm mới nảy sinh. Các tác phẩm này không dừng ở hiện tượng mà đã phân tích chỉ ra nguyên nhân và đưa ra những giải pháp cần tháo gỡ cho những vấn đề mang tính phổ biến của xã hội. Các tác phẩm này đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành hoan nghênh và xem xét điều chỉnh những quyết định, chính sách cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cơ sở.

Bám sát thực tế, nhạy cảm với những vấn đề thời sự, thông tin kịp thời các vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi phải thay đổi nhận thức, tìm cách giải quyết, đó là thế mạnh của các tác phẩm dự giải năm nay. Các tác phẩm: “Nỗi buồn sau vụ ngộ độc thực phẩm” của Bích Thu - Ngọc Huy - Đài PT-TH Yên Bái; “Phát triển cây thảo quả: Lợi bất cập hại” của Ngọc Sơn - Hoàng Tuyến - Đài PT-TH Yên Bái; “Sự thật về giao hơn 43 ha đất rừng ở Y Can cho doanh nghiệp 327" của Đức Tưởng - Viết Tôn - Phân xã TTXVN tại Yên Bái; “Văn Yên: Trồng sắn tràn lan hậu quả khôn lường” của Văn Thông - Báo Yên Bái đã có nhiều phát hiện tốt, cảnh báo kịp thời những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đang đòi hỏi, giúp các cấp các ngành xem xét quan tâm chỉ đạo tốt hơn trong triển khai chính sách đến cơ sở và cũng là điều cảnh tỉnh với người dân v.v...

Các tác phẩm của báo viết, truyền hình, phát thanh năm nay có những bứt phá khá rõ. Các tác giả đưa những vấn đề lên các phương tiện thông tin đại chúng đều có ý thức trách nhiệm cao với xã hội. Trong các tác phẩm dự giải, không có những tác phẩm thái quá hoặc hằn học mà đều có sự tìm tòi phân tích thấu tình đạt lý, nhìn nhận các vấn đề khách quan, nên tính trung thực trong các tác phẩm dự giải đã thuyết phục được bạn đọc hoan nghênh đón nhận, cổ vũ mọi người tiếp tục học tập, điều chỉnh và làm theo được. Đó là thể hiện thành công của các tác phẩm báo chí đối với xã hội, đối với sự phát triển của tỉnh và các địa phương, đó là niềm hạnh phúc của các tác giả, của các cơ quan báo chí.

Mảng ảnh báo chí năm nay số tác giả tham gia nhiều gấp 3 lần năm trước, chất lượng các tác phẩm ảnh báo chí cũng tốt hơn, rõ nét hơn, phản ánh khá sâu sắc các hoạt động xã hội, thuyết phục người xem bằng những hình ảnh sống động vừa mang tính thời sự lại mang tính nghệ thuật. Đó là phóng sự ảnh: “Di tích danh thắng quốc gia” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền (Báo Yên Bái); nhóm ảnh: "Phụ nữ vùng cao làm theo lời Bác, vượt khó làm giàu" của Vũ Chiến (Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái); phóng sự ảnh: "Công nông "dạt" xã" của Đức Thành (Báo Yên Bái); "Rừng Bàn Đẳng kêu cứu" của Phan Văn Tuấn (Báo Yên Bái). Đó là những phóng sự ảnh phản ánh một cách trung thực những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, có tác dụng tốt đối với xã hội và cũng là những tấm ảnh làm tài liệu cho chính quyền các cấp xem xét, có những điều chỉnh kịp thời xử lý và ngăn chặn những vấn đề mà các tác giả đề cập trong ảnh có tính thuyết phục khá rõ.

Bên cạnh những thành công của Giải Báo chí Yên Bái năm nay còn có những vấn đề hạn chế, đó là: một vài tác phẩm đề cập vấn đề chưa sâu sắc, có tác phẩm nêu vấn đề rất hay, nhưng lại chưa nghiên cứu kỹ những hiện tượng, những cứ liệu, nên đôi chỗ còn mang tính suy diễn, không có tính thuyết phục. Kỹ năng thể hiện của một số tác phẩm còn đơn giản, tự nhiên, thiếu sáng tạo trong ngôn ngữ báo chí, thiếu những chi tiết, hình ảnh sống động. Không ít tác phẩm bị lệ thuộc vào văn bản, báo cáo nên quá trình thể hiện không gây được ấn tượng, còn tẻ nhạt, chung chung, không gây được chú ý cho công chúng. Những tồn tại đó sẽ khắc phục để mùa giải năm sau sẽ tốt hơn, thành công hơn.

Giải Báo chí Yên Bái năm nay có thể đánh giá là một mùa giải thành công với 4 giải A, là những tác phẩm báo chí chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hóa, có nội dung, hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, đóng góp một phần rất tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. 44 tác phẩm được giải năm nay với 4 giải A, 9 giải B, 11 giải C và 20 giải khuyến khích, là những tác phẩm xuất sắc trong hàng nghìn tác phẩm báo chí mà các tác giả, các cơ quan báo chí tuyên truyền trong năm qua. Đó là thể hiện thành công rất lớn của Giải Báo chí Yên Bái năm 2009.

Giải Báo chí Yên Bái không những đóng góp một phần xứng đáng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua sáng tạo của đội ngũ những người làm báo trong tỉnh, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội.

Anh Trường

Các tin khác

Ngày 23-6, ông Lưu Minh Thành-Giám đốc di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết, từ ngày 16-7 đến ngày 31-7-2009, bà Engels Therese, đạo diễn hãng truyền hình Medien Kontor (Đức) cùng ê kíp làm phim sẽ thực hiện chương trình giới thiệu tổng thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nữ diễn viên Simone Tang và nam diễn diễn viên Sverrir Gudnason nhận giải nữ và nam diễn viên chính xuất sắc nhất

Bộ phim Original hợp tác giữa Đan Mạch và Thụy Điển đã giành giải Kim Tước cho phim xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Thượng Hải vừa kết thúc ngày 21-6 tại Trung Quốc. Diễn viên của phim là Sverrir Gudnason cũng chiến thắng hạng mục nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

NSND Quang Thọ

Với mục đích tri ân sự cống hiến to lớn của các thế hệ nhà báo Việt Nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhân kỷ niệm 84 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 18/6 tại Nhà hát Lớn sẽ diễn ra chương trình giao lưu - nghệ thuật "Nhà báo - sự kiện và nhân chứng".

5.000 mẫu đồ chơi đã được thu thập.

Bảo tàng đồ chơi là một “không gian động” và chia theo chuyên đề: Đồ chơi thời bao cấp, đồ chơi của thế hệ 8X, 9X, đồ chơi của những người nổi tiếng như chính khách hoặc diễn viên…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục