Khơi dậy hồn văn hóa trang phục người Dao

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/7/2010 | 2:37:32 PM

YBĐT - Không những là người làm sống lại nghề thêu truyền thống, bà Triệu Thị Nhậy, thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái) còn là người giữ lại những trang phục đặc sắc của dân tộc mình. Nếu không có bà thì những trang phục của người Dao trong làng và các xã lân cận đã bị đi vào quên lãng.

Bà Triệu Thị Nhậy bên chiếc mũ sừng trong trang phục cô dâu của người Dao.
Bà Triệu Thị Nhậy bên chiếc mũ sừng trong trang phục cô dâu của người Dao.

Bước vào căn nhà, tôi bị choáng ngợp bởi đầy những bằng khen, giấy khen treo trên tường mang tên Triệu Thị Nhậy. Bà cho biết, đã là phụ nữ Dao ai cũng biết thêu thùa, khâu vá. Ấy vậy mà cách đây chừng 20 năm, cả cái xã Phúc Lợi này đều bỏ nghề thêu, cả làng vắng những sắc phục với những hoa văn tinh xảo tạo nên nét đặc sắc của người Dao. Đám thanh niên thì vận quần áo hiện đại chẳng mấy ai mặc trang phục của dân tộc mình. Có chăng chỉ những người già đến ngày dự đám cưới, ngày tết thì đem ra mặc.

Bà Nhậy đi nhiều nơi, thấy ở đâu người ta cũng giữ được những trang phục truyền thống của mình và chẳng đâu xa như người Dao trắng vẫn vận những trang phục của họ đi lên nương hay đi hội mà vẫn thấy đẹp. Suy nghĩ đó đã thôi thúc bà tìm lại những hoa văn cũ, tìm mua chỉ thêu với ý nghĩ trước tiên là mình làm mình mặc rồi rủ những chị em trong thôn cùng làm. Để có vải thổ cẩm, chỉ thêu phục vụ  cho việc giữ lại trang phục truyền thống, bà đã lặn lội đi Lào Cai, Nghĩa Lộ tìm mua.

Cùng với đó, bà Nhậy còn tìm hiểu những bộ trang phục mẫu, tìm những hoa văn cũ để dựng lại nghề thêu. Mọi thứ đều đủ cả, duy nhất là chiếc mũ sừng (cô dâu đội trong ngày cưới) là thiếu. May mắn cho bà khi đó còn có bà Lý Thị Phin là cụ già duy nhất còn giữ lại chiếc mũ cô dâu, bà đã mượn về lấy lại kiểu dáng, những hoa văn cũ và bắt tay vào thêu chiếc mũ, sau gần 3 tháng chiếc mũ cũng hoàn thành. Khi chiếc mũ thêu xong, bà Nhậy đã hoàn thành được một bộ trang phục hoàn chỉnh và cứ những ngày lễ tết hay trong làng có đám cưới là bà đều lấy ra mặc và mọi người đều thấy đẹp. 

 

Ban đầu chỉ có một vài chị em cùng làm, cùng mặc rồi sau đó lan rộng ra cả xã. Đặc biệt, trước đây các cô gái Dao đi lấy chồng, ngày cưới bỏ trang phục của dân tộc thì đến nay đều mặc nó trong ngày cưới. Chiếc mũ sừng từ khi bà thêu song, đến giờ đã có trên 100 cô dâu đội trong ngày cưới. Phong trào thêu, mặc đồ dân tộc không chỉ ở trong xã mà còn lan rộng ra các xã bạn: Quang Minh (Văn Yên), An Lạc, Khánh Hòa (Lục Yên). Khi đã vực được nghề thêu truyền thống và khi trang phục dân tộc đã có nhiều người mặc, bà nghĩ đến việc kinh doanh sản phẩm thêu thổ cẩm và những chiếc túi sách, khăn quàng, rồi hàng loạt mẫu mã mới làm ra đều có khách mua.

Sau đó, bà đã vận động phụ nữ xã thành lập tổ thêu thổ cẩm do bà đứng ra làm tổ trưởng. Đặc biệt, từ năm 2005, dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Phụ nữ tỉnh đã mở lớp dạy nghề tại xã những sản phẩm thổ cẩm làm ra đã có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Tìm đầu ra cho sản phẩm, bà trực tiếp mang hàng đến các chợ, mang sản phẩm của tổ thêu đi hội chợ ở Hà Nội, Thanh Hóa… để giới thiệu sản phẩm và đã có rất nhiều đơn đặt hàng sản phẩm thổ cẩm của tổ thêu.

Không những là người cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho hội viên mà bà Nhậy còn giúp đỡ và truyền dạy cho thế hệ trẻ giữ lại nghề truyền thống. Từ đầu năm 2010, xã đã triển khai dự án khôi phục lại nghề truyền thống với kinh phí hàng trăm triệu đồng để đào tạo nâng cao tay nghề cho phụ nữ trong xã, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Giờ đây, có thể khẳng định nghề thêu thổ cẩm truyền thống của địa phương đang sống lại. Với bà thì nghề thêu không những bảo tồn nét văn hóa dân tộc mà còn giúp chị em khuyết tật, sức yếu có công ăn việc làm, góp phần cải thiện cuộc sống. Điều tự hào nhất của bà Nhậy là đã duy trì được sản xuất để bảo tồn nghề thêu thổ cẩm truyền thống, lớp trẻ trong thôn đã biết thêu thổ cẩm, nhiều người trong xã đã mặc trang phục đặc sắc của dân tộc mình.

Văn Thông

Các tin khác
Chiếc vương miện của cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 trị giá 1 tỉ đồng.

Tính đến năm 2010, có thể nói cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt lần 2 tổ chức tại Vinpearl Land, Nha Trang vào ngày 21-8 là cuộc thi mà hoa hậu sẽ nhận được giải thưởng lớn nhất từ trước tới nay.

Viện Phát thanh và Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (AIBD) đã khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 36 và Đại hội đồng lần thứ 9 tại Macau (Trung Quốc) tối hôm qua (26/7).

Hoàng thành Thăng Long được đề cử di sản thế giới.

Dự kiến, trong số các đề cử được xem xét lần này có hồ sơ Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục