Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria diễn ra bất ngờ với độ lớn mạnh khiến người dân địa phương bàng hoàng và không kịp phản ứng. Khoảng 4 giờ sáng ngày 6/2, trận động đất đầu tiên có độ lớn 7,8 xảy ra ở tỉnh Gaziantep, vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các dư chấn xảy ra sau đó vài tiếng đồng hồ, trong đó có dư chấn mạnh tới 7,5.
Tính đến thời điểm này đã có ít nhất 100 dư chấn xảy ra. Trận động đất và các dư chấn đã gây ra thương vong vô cùng lớn. Số người thiệt mạng tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đến khoảng 11h trưa nay theo giờ Việt Nam là hơn 4.300 người, trong đó gần 3.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 1.300 người ở Syria. Tổng số có gần 16 nghìn người bị thương. Tuy nhiên theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), con số thương vong có thể cao gấp 8 lần con số được công bố hiện tại. Hiện cả hai nước đã công bố tình trạng khẩn cấp do thảm họa. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quốc tang 7 ngày để tưởng niệm các nạn nhân.
Công tác bảo hộ công dân đang diễn ra hết sức khẩn trương
Ngay trong sáng nay, phóng viên THVN đã có cuộc phỏng vấn với ông Đỗ Sơn Hải - Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ để cập nhật những thông tin mới sau thảm họa động đất. Đại sứ Đỗ Sơn Hải cho biết, thảm họa này có tác động vô cùng lớn đối với nền kinh tế và đất nước Thổ Nhĩ Kỳ sau ba năm bị dịch COVID-19 và giữa cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu hiện nay.
Ngay sau khi được tin trận động đất, Đại sứ quán đã lập tức liên hệ với Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng các cơ quan địa phương chịu ảnh hưởng của cơn động đất để nắm bắt tình hình. Và cũng liên hệ với bà con người Việt sinh sống và làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay có khoảng 200 người Việt sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ và rải rác các tỉnh, Đại sứ quán đã nắm được tình hình sơ bộ, cũng có một số bà con người Việt chịu thiệt hại chủ yếu về vật chất. Hiện nay chưa có con số thương vong nhưng nhà cửa, đồ đạc thì đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì động đất.
Nguyên nhân động đất gây thương vong lớn
Đối với cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thì trận động đất mới nhất là thảm họa khủng kiếp nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhưng rõ ràng con số thương vong và thiệt hại tại Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở một trong những khu vực có hoạt động địa chấn diễn ra mạnh nhất trên thế giới. 25 năm trở lại đây, quốc gia này đã từng chứng kiến những lần xảy ra động đất độ lớn 7 trở lên. Tuy nhiên, súc phá hủy của thảm họa sáng sớm ngày qua khiến nhiều người phải sửng sốt. Các chuyên gia đã chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới con số thương vong cao như vậy trong thảm họa động đất lần này.
Độ lớn của động đất và tâm chấn nông
Trận động đất thứ nhất xảy ra ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria có độ lớn 7.8, được phân loại "lớn" theo thang động đất. Đây là trận động đất mạnh nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, tức gần 90 năm. Tâm chấn của động đất khá nông, khoảng 23km phía Đông Nurdagi, tỉnh Gaziantep.
Bà Susan Hough - Cơ quan Địa chất Mỹ: "Thế giới đã chứng kiến nhiều trận động đất mạnh hơn trong 10-20 năm qua, nhưng những trận động đất có độ lớn gần 8 độ thường không xảy ra tại các điểm đứt gãy nông. Chúng đặc biệt nguy hiểm nếu tâm chấn gần khu vực đông dân cư.
Điều không may đã xảy ra, trận động đất lần này xảy ra chính ở khu vực đông cư dân tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước láng giềng, trong đó khu vực tây bắc Syria là một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Vị trí động đất
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong một trong những khu vực nơi có hoạt động động đất diễn ra mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, trận động đất lần này xảy ra ở phía bên kia của đất nước, dọc theo đường đứt gãy Đông Anatolia. Đường đứt gãy này gần đây tương đối yên tĩnh, nơi đây đã không xảy ra trận động đất có độ lớn 7 độ richter trong hơn hai thế kỷ, vì vậy có thể mọi người đã không thực sự chú tâm đến sự nguy hiểm của động đất.
Thời gian xảy ra động đất
Trận động đất thứ nhất xảy ra vào khoảng 4h17 sáng - thời gian người dân đang chìm trong giấc ngủ. Điều này đã khiến nhiều người dân không có sự phòng bị hay ứng phó kịp thời, và bị mắc kẹt trong những ngôi nhà sập, khiến tình trạng cứu hộ gặp khó khăn và con số thương vong không ngừng tăng.
Kết cấu yếu kém của công trình xây dựng
Các chuyên gia nhận định, việc xây dựng các tòa nhà có kết cấu không thực sự phù hợp với một khu vực dễ xảy ra động đất như Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nguyên nhân dẫn đến số thương vong cao. Những tòa nhà này thường được xây bằng gạch không có cốt thép và khó chống chọi với rung lắc mạnh.
Nhân chứng và người thân chờ đợi tin tức
Đói, rét, hoảng loạn và lo sợ cho an nguy của người thân chính là tình cảnh của hàng trăm nghìn người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lúc này. Các nhân chứng cho hay, nhiều gia đình không có ai sống sót trong trận động đất trong khi những người còn sống thì chật vật tìm nơi lánh nạn, tránh rét.
Thay vì bình minh, thứ đánh thức người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là những cơn rung lắc của động đất. Có những người may mắn sống sót, nhưng họ lại phải đối mặt với cái lạnh giá của đêm đông.
Ông Orhan Sahin - Cư dân Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ: "Nhà cửa hư hết, giờ không vào trong được. Từ sáng chưa ăn gì, mấy đứa con tôi đói lắm rồi. Cầu trời phù hộ cho tất cả mọi người".
Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều gia đình không còn ai sống sót - Ảnh 4.
Nhiều ngôi nhà trong chớp mắt đã thành đống đổ nát. Dưới hàng tấn gạch đá vỡ vụn đó là gia đình và bạn bè của rất nhiều người.
Ông Deniz - Cư dân Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúng tôi nghe thấy họ. Họ đang kêu cứu. Họ yêu cầu được giải cứu. Chúng tôi không thể giải cứu họ. Làm sao cứu họ được cơ chứ? Không có ai đến từ sáng nay. Không ai cả".
Rất nhiều người dân đã hỗ trợ lực lượng cứu hộ bới đống đổ nát bằng tay, xẻng và cưa máy để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống. Nhưng vì diện tích tàn phá của động đất rất rộng nên có những nơi lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận được.
Cư dân Jindires, Syria: "Có 12 gia đình bị mắc kẹt ở đây và không ai thoát ra được, họ đều ở bên trong. Cho đến nay vẫn chưa có ai đến đây để xem tình hình thế nào, không có dân phòng. Chúng tôi đã bới đống đổ nát suốt từ 3 giờ sáng để tìm kiếm họ".
Chạy đua với thời gian để cứu các nạn nhân động đất
Thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây ra những thiệt hại khó có thể đong đếm được trên một quy mô rất lớn. Tuy nhiên, với những nỗ lực vượt bậc của những người tham gia cứu hộ cũng như của cả chính bản năng sống mãnh liệt của các nạn nhân, những điều kỳ diệu đã xảy ra.
Những nỗ lực kiên trì giữ liên hệ với các nạn nhân đang nằm kẹt dưới đống đổ nát ở thành phố Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ. Và lực lượng cứu hộ thu được những kết quả diệu kỳ. Hai trẻ em ở thành phố Karamanmaras ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được cứu sống, các em không có dấu hiệu nào là bị thương.
Thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều gia đình không còn ai sống sót - Ảnh 6.
Em bé 18 tháng tuổi Raghad Ismail ở thành phố Azaz, Syria cũng được cứu sống từ dưới đống đổ nát của nhà mình. Nhưng hầu hết người thân của bé đã thiệt mạng, trong đó có người mẹ đang mang thai và 2 anh chị của bé. Gia đình bé Ismail vốn là di dân trong cuộc chiến ở Syria. Họ đã chạy thoát khỏi xung đột, nhưng đã không thoát được thiên tai. Còn những câu chuyện cứu sống thần kỳ khác đã xảy ra ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Có những gia đình được cứu sống toàn bộ…
Thế giới chung tay cứu hộ thảm họa động đất
Nhà chức trách tại hai quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều đã lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, 'báo động cấp 4' đã được phát đi, kèm với lời kêu gọi quốc tế hỗ trợ.
Nga cũng đã sẵn sàng máy bay chở nhân viên cứu hộ và thiết bị lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Lực lượng Nga đang có mặt tại Syria cũng đã tham gia ngay vào công tác cứu hộ tại hiện trường.
Israel, Liên minh châu Âu cũng đã sẵn sàng đồ cứu trợ, lực lượng cứu hộ để cử đến các nơi hiện trường động đất. Các đoàn cứu hộ Hà Lan, Rumania đã lên đường.
(Theo VTV)