Châu Á trong vòng xoáy lạm phát
- Cập nhật: Thứ bảy, 15/3/2008 | 12:00:00 AM
Đó là một vấn đề nóng đang đặt ra nhiều thách thức cho cả khu vực châu Á - châu lục vốn đang có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ lạm phát luôn ở mức cao.
|
Các dự báo gần đây cho thấy, năm 2008 này nguy cơ lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan... do giá dầu, vàng và lương thực... liên tục trong cơn “bão” giá và một số yếu tố khác. Theo dự đoán kinh tế Xin-ga-po sẽ tăng trưởng khoảng 6,4% trong năm 2008, giảm so với mức 8% của năm ngoái, song tỷ lệ lạm phát lại có thể lên tới 3,9% so với mức 2% năm 2007. Trong khi đó, lạm phát tại Ấn Độ cũng được dự báo là ở mức 4,3% vào năm 2007-2008 và 4,7% vào năm 2008-2009.
Tình trạng lạm phát ở Trung Quốc - cường quốc kinh tế thứ 4 thế giới - được dư luận quốc tế quan tâm hơn cả. Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI-thước đo lạm phát) của Trung Quốc tiếp tục tăng tới con số kỷ lục 8,7%. Đây là mức tăng nhanh nhất hàng tháng trong hơn 12 năm qua. Điều này nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế và trở thành mối lo ngại thực sự của các nhà lãnh đạo nước này.
Theo dự báo, lạm phát của Trung Quốc có thể tiếp tục ở mức cao như hiện nay và đến tháng 5 và sau đó mới bắt đầu giảm dần. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thực phẩm tăng mạnh, nhất là các sản phẩm thịt; cụ thể là thịt lợn ở nhiều nơi tăng tới gần 50%.
Cũng như các quốc gia trong khu vực, nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy lạm phát. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI hai tháng đầu năm của nước ta đã tăng lên 6,02% so với tháng 12 năm 2007. Con số này hiện chỉ còn cách mốc chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 (8,5% đến 9%) mà Quốc hội đề ra. Số liệu này cho thấy nền kinh tế Việt Nam tuy tăng trưởng cao và liên tục, song mức tăng trưởng chưa tương xứng với kỳ vọng. Chỉ số lạm phát như trên đã phát đi một tín hiệu đáng lo ngại. Theo các nhà kinh tế, lạm phát một con số, chẳng hạn ở mức 4% nhích lên 5% hay 6%... thì dễ có thể kiềm chế, nhưng khi đã vượt quá hai con số thì tốc độ tuột dốc sẽ rất nhanh. Điều này cho thấy “cuộc chiến” chống lạm phát đang trở thành một nhiệm vụ vô cùng cấp bách.
Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực, coi tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng hàng đầu giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; ổn định đất nước. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát tăng cao sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân và ảnh hưởng lớn đến thành tựu tăng trưởng.
Đã đến lúc chính phủ mỗi nước cần cân nhắc ưu tiên giữa hai mục tiêu: Tăng trưởng và lạm phát để lạm phát không đánh bạt tăng trưởng. Rõ ràng với mỗi quốc gia, để vừa duy trì mức tăng trưởng cao, vừa kiềm chế được chỉ số lạm phát là điều không đơn giản.
(Theo HNMĐT)
Các tin khác
Giá dầu thô tại New York (Mỹ) đã tăng liên tục trong 7 ngày, đạt mức kỷ lục mới khi giao dịch với giá 111 USD/thùng vào hôm 13.3.
Theo BBC, Tổng thống Serbia Boris Tadic ngày 13/3 đã giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử vào ngày 11.5. Bước đi trên xảy ra sau khi chính phủ do Thủ tướng Vojislav Kostunica đứng đầu sụp đổ vào tuần trước.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) vừa thông báo dự kiến tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia trong lĩnh vực dầu mỏ vào ngày 17-3 trong bối cảnh giá dầu thô đang tăng mạnh và liên tục phá kỷ lục trong những ngày qua.
Một bản nghiên cứu chi tiết mới đây của Lầu Năm Góc đã chỉ ra rằng, không có mối liên hệ nào giữa cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Điều này bác bỏ hoàn toàn lý do mà chính quyền Bush sử dụng để thực hiện cuộc xâm lược Iraq.