Nga dọa cắt khí đốt sang châu Âu
- Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2008 | 12:00:00 AM
Việc Nga vừa cảnh báo sẽ ngưng cung cấp khí đốt sang châu Âu do tranh chấp với Ukraine về các khoản nợ chưa được thanh toán đã khiến cả châu Âu lo lắng. "Không loại trừ khả năng tình hình hiện nay của Ukraine và một số hành động của nước này có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn trong việc bảo đảm ổn định nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu", Phó thủ tướng kiêm Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga Viktor Zubkov tuyên bố hôm 22.12.
Một trạm nén khí đốt của Ukraine, nơi trung chuyển chính khí đốt từ Nga sang EU.
|
Gazprom cho biết Công ty khí đốt nhà nước Ukraine Naftogaz hiện còn nợ tới 2,4 tỉ USD, theo hãng tin RIA Novosti. Cũng theo hãng tin này, hồi tuần trước, Ukraine đã chi 1 tỉ USD để thanh toán tiền nợ cho Gazprom đối với lượng khí đốt được bơm hồi tháng 9 và 10 nhưng Gazprom cảnh báo tập đoàn này không có trách nhiệm pháp lý phải cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu chưa nhận đủ tiền.
Sở dĩ Nga phải tỏ thái độ cứng rắn như vậy vì Moscow cho rằng với khoản tiền 16,5 tỉ USD mà Ukraine vay được từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp nước này vượt qua cơn bão kinh tế thì lẽ ra Kiev đã phải trả hết nợ cho Nga. Sự việc càng phức tạp khi Gazprom muốn bán khí đốt cho Kiev với giá cao hơn trong hợp đồng mới. Ukraine hiện trả cho Nga 179,5 USD/1.000m3 khí đốt nhưng Gazprom cảnh báo mức giá này có thể tăng lên mức 400 USD/1.000m3 kể từ năm tới. Ukraine đã phản đối điều này. Căng thẳng càng tăng cao khi thời hạn ký hợp đồng mới trước ngày 1.1.2009 đang đến gần cộng thêm với mối quan hệ không mấy êm ấm gần đây giữa Moscow và Kiev.
Cuộc tranh chấp liên quan tới khí đốt giữa Nga và Ukraine đã khiến các nước châu Âu đứng ngồi không yên. Điều này cũng dễ hiểu bởi Ukraine là quốc gia trung chuyển chính đối với việc xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU. Hơn 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga, cung cấp hơn 25% nhu cầu năng lượng EU, là thông qua lãnh thổ Ukraine.
Cách đây gần 3 năm, tranh cãi về giá khí đốt giữa Nga và Ukraine đã khiến nguồn cung cấp khí đốt sang nhiều nước châu Âu bị gián đoạn trong khoảng thời gian ngắn hồi tháng 1.2006, gây tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội của châu lục này. Với vụ tranh chấp mới trên, Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng EU Andris Piebalgs cho biết ông đã sẵn sàng đến Moscow vào đầu năm tới để thực hiện các cuộc hội đàm khẩn cấp với Nga, theo báo Guardian. "Tôi rất lo lắng", ông Piebalgs nói. Cũng theo báo này, hai bên dự định sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Moscow vào tháng tới để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Trong khi đó, theo hãng tin Interfax, một quan chức cấp cao thuộc Chính phủ Ukraine đã lên tiếng trấn an rằng mức dự trữ khí đốt của Ukraine hiện rất cao, vào khoảng 16 tỉ m3, nên nước này vẫn còn đủ xài nếu không ký được hợp đồng mới với Nga. Về phía EU, giới chức Ủy ban châu Âu mặc dù khẳng định rằng châu Âu và Ukraine hiện còn nguồn dự trữ khí đốt đáng kể đủ dùng trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn (kho khí đốt dự trữ của châu Âu chứa tới 90% công suất) nhưng cũng thừa nhận sự bất ổn về nguồn cung là rất đáng lo ngại.
(Theo TNO)
Các tin khác
Quốc hội Iraq hôm 23/12 đã cho phép chính phủ nước này ký thoả thuận đồng ý để quân Anh, và lính từ nhiều nước khác tiếp tục có mặt tại Iraq sau năm 2008.
Quốc vương Bỉ Albert II ngày 22-12 đã chấp nhận đơn từ chức của chính phủ của Thủ tướng Yves Leterme, tuy nhiên yêu cầu họ tiếp tục hoạt động trong khi chờ thành lập chính phủ mới.
Hai ngày trước lễ Giáng sinh, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố số quà tặng mà giới chức nước này nhận được trong năm ngoái. Ngoại trưởng Rice là một trong số quan chức được tặng nhiều châu báu nhất.
Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej hôm 22/12 đã kêu gọi chính phủ mới khôi phục sự ổn định sau nhiều tháng bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế tại lễ nhậm chức của Chính phủ mới.