Xuất khẩu nông dân sang châu Phi

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/12/2008 | 12:00:00 AM

Trung Quốc thiếu đất canh tác, châu Phi thiếu lương thực, và một doanh nhân ở đất nước 1,3 tỉ người đã nhạy bén thuyết phục nông dân di cư sang lục địa đen.

Châu Phi nhiều đất đai nhưng kỹ thuật canh tác còn lạc hậu.
Châu Phi nhiều đất đai nhưng kỹ thuật canh tác còn lạc hậu.

Ông Lưu Kiến Quân chống gậy, mặc một bộ đồ châu Phi truyền thống sặc sỡ, với chiếc mũ theo kiểu tù trưởng cùng một chuỗi tràng hạt đỏ quấn quanh cổ. Bên cạnh ông là một bức chân dung nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông. Một cảnh tượng mới nhìn có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng nó phản ánh chân thực mối quan hệ thân thiết hiện tại giữa nền kinh tế khổng lồ của châu Á, Trung Quốc và châu lục nghèo nhất thế giới châu Phi.

Công thức thành công

Ước tính có khoảng 750.000 người Trung Quốc qua lại làm ăn hoặc định cư lâu dài tại châu Phi. Ông Lưu, một trong những đại diện tư nhân làm ăn thành công nhất của Trung Quốc ở nước ngoài, cho biết riêng tại tỉnh Hà Bắc quê ông, trong vài năm qua hơn 10.000 nông dân đã đến 18 quốc gia ở châu Phi để tìm kiếm cơ hội. Họ làm việc trong những ngôi làng “Bảo Định”, đặt theo tên thị trấn mà ông Lưu đang sống, những nơi có 400-2.000 nông dân Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố thương mại song phương giữa châu Phi và Trung Quốc sẽ đạt cột mốc 100 tỉ USD vào cuối năm 2008, sớm hơn dự tính hai năm. Những mỏ dầu và khoáng sản giàu có của châu Phi đứng đầu danh sách nhập khẩu của Trung Quốc. Đổi lại, quốc gia đông dân nhất hành tinh gửi tới đó hàng chục ngàn nông dân có tay nghề.

Ông Lưu nảy ý tưởng xây làng Bảo Định khi còn lãnh đạo cơ quan ngoại thương của tỉnh Hà Bắc vào năm 1998, khi đó bị ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng tài chính châu Á, và ông đã tìm ra châu Phi. “Chúng tôi thấy châu Phi không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và chúng tôi tới đó, thấy dân địa phương thiếu lương thực, dù họ có rất nhiều đất đai canh tác và chăn nuôi. Thế nên tôi quyết định thay vì xuất khẩu nông sản sẽ xuất khẩu nông dân”.

Cho tới giờ đó là một công thức thành công với Trung Quốc. Với số dân chiếm 20% dân số thế giới, nước này chỉ sở hữu 7% diện tích đất canh tác được trên toàn cầu. Ông Lưu nhìn thấy ở châu Phi đầy cơ hội vì người dân “thường thích hái quả hơn trồng cây và kỹ thuật canh tác lại lạc hậu”.

Với những nông dân từ tỉnh Hà Bắc đã ra đi, triển vọng kiếm được hơn 10.000 USD mỗi năm tại châu Phi là hết sức hấp dẫn bởi họ có thể gửi về nhà số tiền rất cần thiết để nuôi sống gia đình. “Gia đình tôi vẫn ở quê nhà, còn tôi tới châu Phi một mình để dạy họ cách trồng rau củ” - Trương Học Đông, một nông dân làm ở làng Bảo Định tại Abidjian, thủ đô của Bờ Biển Ngà, đã được một năm, không giấu vẻ tự hào.

Biết nắm bắt cơ hội

Ông Lưu Kiến Quân trong trang phục truyền thống châu Phi.
Ông Lý Trụ, chủ tịch quỹ đầu tư quốc tế Dafei, đã nghe về những cơ hội ở châu Phi lần đầu tiên từ Internet và báo chí. Ông đã mua hơn 800ha đất tại Mbale (Uganda) và đang đứng đầu hội người Hoa tại đó. Ông chia sẻ: “Trước khi tới đó tôi rất lo lắng. Gia đình tôi cũng lo. Chúng tôi chỉ nghe về xung đột vũ trang và bệnh tật, nhưng cuối cùng tôi cũng tới sống ở đó từ tháng tám năm ngoái”. Là bạn của ông Lưu, ông Lý hi vọng có thể sớm lập nông trại và nhà máy sản xuất nông cụ cơ giới.

Ông Lý bộc bạch: “Tôi yêu châu Phi, thời tiết đẹp, dễ chịu và ấm áp. Người dân hiền hòa và đầy cảm xúc. Tôi đã tới thăm Kenya và Uganda, rồi chọn Uganda vì nước này tương đối ổn định. Chính quyền địa phương rất muốn phát triển đất nước nhưng họ không biết cách, họ muốn học từ chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp những ý tưởng giống như việc thành lập các đặc khu kinh tế. Tuy nhiên, mặt bất lợi là chúng tôi không biết rõ đất nước này cũng như các quan chức địa phương, tham nhũng cũng là một vấn đề”.

Không chỉ có các cá nhân nhìn thấy cơ hội. Ông Lý Nhã Lộc, chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, cam kết sẽ hỗ trợ về tài chính cho những người di cư sang châu Phi trong chương trình đẩy nhanh đô thị hóa ở thành phố Trùng Khánh, hiện đang là vùng đô thị lớn nhất thế giới với 32 triệu dân. Do thúc đẩy đô thị hóa, hàng triệu nông dân sẽ phải di dời nên chuyển họ sang lục địa đen để tiếp tục nghề nghiệp là một chính sách hợp thời.

Khả năng chịu đựng gian khổ và thích nghi nhanh chóng với một đời sống không khác mấy so với quê nhà là một ưu điểm tuyệt đối của những nông dân Trung Quốc đến châu Phi. Họ cũng không e ngại nhiều những bất ổn về chính trị hay tôn giáo, miễn là cơ hội đến họ sẽ chộp lấy. Ông Lưu cho biết nhiều người Trung Quốc đã ở hẳn lại đó và kết hôn với những phụ nữ châu Phi. Ông kết luận: “Người ta sợ hãi trước khi đến đây, rồi ngạc nhiên khi tới, sau đó thấy nhớ nó khi ra đi”.

(Theo TTO)

Các tin khác
Tổng thư ký Ban Ki-Moon kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động quân sự ở dải Gaza.

Trước tình hình bạo lực leo thang ở dải Gaza, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Ban Ki-Moon đã kêu gọi Israel ngừng ngay các cuộc tấn công vào khu vực này.

Cấp cứu một người Israel bị thương do rocket của các phần tử vũ trang Palestine

Chiến dịch oanh tạc Dải Gaza của Israel đã bước sang ngày thứ tư với các cuộc tấn công vào hàng loạt trụ sở và cơ sở an ninh của Hamas. Trong khi đó, các tay súng Palestine vẫn tiếp tục bắn rocket sang lãnh thổ Do Thái.

Quang cảnh ở bắc Gaza sau đợt không kích của Israel.

Nhà Trắng ngày 30/12 kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Trung Đông và tuyên bố ủng hộ các cuộc không kích chết người của Israel tại Dải Gaza, đồng thời cho rằng Hamas thực sự là một tổ chức khủng bố.

Người biểu tình bịt kín các ngả đường vào Quốc hội.

Khoảng 10.000 người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vây kín tòa nhà Quốc hội Thái Lan ở Bangkok suốt ngày 29/12 khiến hoạt động của cơ quan lập pháp bị đảo lộn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục