NMD và cuộc đấu trí Nga - Mỹ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/3/2009 | 12:00:00 AM

Ngày 17-3, Thủ tướng CH Séc Mi-rô-xláp Tô-pô-la-nếch đã bất ngờ tuyên bố hoãn cuộc bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định ký với Mỹ về triển khai một phần hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) trên lãnh thổ nước này

Căn cứ quân sự Brơ-li (CH Séc), khu vực dự định đặt trạm ra-đa - một phần NMD của Mỹ.
Căn cứ quân sự Brơ-li (CH Séc), khu vực dự định đặt trạm ra-đa - một phần NMD của Mỹ.

Đây có thể xem là một hành động khôn khéo của chính quyền Séc khi tân Thổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào khẳng định ông sẽ tiếp tục hay không tiếp tục dự án tên lửa của người tiền nhiệm G.Bu-sơ. Với quyết định này, Thủ tướng Mi-rô-xláp Tô-pô-la-nếch cũng tạm thời giảm bớt được sức ép từ dư luận trong nước, vốn rất phản đối kế hoạch này trong suốt vài năm trở lại đây.

 

Hiện tại, các nhà quan sát quốc tế đang hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 tại Luân Đôn (Anh). Ngoài những vấn đề nóng bỏng liên quan tới cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đây cũng là thời điểm Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và người đồng nhiệm phía Nga Đ.Mét-vê-đép có cuộc gặp đầu tiên, một thời điểm được coi là quyết định tới mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, khi những vấn đề gai góc nhất sẽ được đặt lên bàn thảo luận. Và tương lai của NMD là một trong số nội dung chính.

 

Mặc dù, kể từ khi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma lên nắm quyền, cả Nhà Trắng và Điện Crem-lin đều tung ra những tín hiệu tích cực nhằm đưa hai nước hướng tới một mối quan hệ tốt đẹp hơn, nhưng trên thực tế, để giải quyết những bất đồng đã tích tụ giữa hai cường quốc suốt hơn 1 thập kỷ qua quả là một điều không dễ dàng. Nhất là khi các "nút thắt" đều nhạy cảm và có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích chiến lược của cả hai phía.

 

Không phải ngẫu nhiên mà trước thềm cuộc gặp quan trọng này, ngày 17-3, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép ra tuyên bố, nguy cơ xung đột tại một loạt khu vực và việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đòi hỏi Nga phải hiện đại hóa các lực lượng vũ trang trước hết là lực lượng hạt nhân chiến lược. Đây là một dấu hiệu cho thấy Mát-xcơ-va có thể đưa ra lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán sắp tới với chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma. Chắc chắn, những kế hoạch tương tự như đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của NATO tới sát lãnh thổ Nga, tăng cường ảnh hưởng của phương Tây tại không gian hậu Xô Viết, gạt Nga ra khỏi khu vực lợi ích truyền thống... sẽ chỉ làm mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước đồng minh thêm căng thẳng và phức tạp.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, sự trì hoãn triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ tại châu Âu là do chính sách đối ngoại thành công của Nga. Ngoài ra, nước Nga ngày nay đã là một hình ảnh hoàn toàn mới. Đó là kết quả của chiến lược "lấy lại vị trí siêu cường" mà nước Nga theo đuổi trong suốt một thập kỷ qua. Rõ ràng, giờ đây, trên bàn cờ chính trị thế giới không thể không tính đến vai trò của nước Nga.

 

Trong kế hoạch tái vũ trang quân đội mà Tổng thống Đ.Mét-vê-đép vừa tuyên bố, Điện Crem-lin dự kiến triển khai một chương trình cải tổ đầy tham vọng trong năm 2009 nhằm biến các lực lượng vũ trang Nga thành một đội quân gọn nhẹ hơn, cơ động hơn và được trang bị tốt hơn. 25% tổng ngân sách 43 tỷ USD dành cho mua sắm các loại vũ khí trang bị trong năm 2009 sẽ được chi cho việc nâng cấp lực lượng hạt nhân đã lạc hậu. Đây không phải là một nỗ lực nhằm đánh bóng hình ảnh mà chứng tỏ, bất chấp những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Nga vẫn có đủ tiềm lực để hiện đại hóa quân đội và thành lập các lực lượng vũ trang hiệu quả cao. Ngoài ra, Mát-xcơ-va cũng sẵn sàng sòng phẳng với Mỹ trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu Nhà Trắng tiếp tục tham vọng tên lửa của mình, chắc chắn Nga sẽ không chịu "lép vế" khi trong tay đã nắm những quân bài tốt.

 

Sự sẵn sàng của Tổng thống B.Ô-ba-ma xem lại các kế hoạch triển khai những bộ phận của hệ thống tên lửa phòng thủ tại Ba Lan và Séc đã tạo ra "một cơ hội" để cải thiện mối quan hệ Nga - Mỹ. Nhưng cuộc đấu trí thực sự vẫn chưa bắt đầu. Chắc chắn, sẽ có những mặc cả khó khăn về nhiều vấn đề và nhiều câu hỏi chờ được giải đáp trong lần gặp quan trọng vào đầu tháng 4 tới.

 

(Theo HNMO)

Các tin khác
Các nghi can cướp biển ngoài khơi Somalia.

Một tàu chở hàng của Hy Lạp cùng toàn bộ 24 thành viên thủy thủ đoàn vừa bị các tên cướp biển Somalia đang hoạt động tại vịnh Aden bắt giữ.

Xác chiếc máy bay đổ nát.

Một máy bay quân sự nhỏ tối 19/3 đã lao vào hai tòa nhà ở thủ đô mù sương của Ecuador, làm 5 người trên máy bay và 2 người dưới mặt đất thiệt mạng.

Ngày 19-3, phiên điều trần bất tín nhiệm Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva (ảnh) cùng 5 quan chức nội các đã diễn ra tại Văn phòng Quốc hội ở Bangkok. Mở đầu phiên chất vấn, nghị sĩ Chalerm Yoobamrung, người được đảng Puea Thai đề cử làm “Thủ tướng” trong trường hợp chính phủ của ông Abhisit sụp đổ, đã đọc bản kiến nghị, yêu cầu Thủ tướng Thái giải trình về những cáo buộc liên quan đến việc lạm dụng quyền lực.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do IMF đưa ra

Kinh tế thế giới sẽ suy giảm 0,5-1% trong năm 2009, sự sụt giảm toàn cầu đầu tiên trong vòng 60 năm qua. Đây là dự báo ảm đạm nhất mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục