Về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
- Cập nhật: Thứ ba, 3/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái -
YBĐT - Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn có ý nghĩa chính trị sâu sắc và có nội dung phong phú, thiết thực.
Để góp phần làm cho cuộc vận động có kết quả, người viết bài này xin đề cập và làm rõ thêm một số vấn đề sau:
I- Vì sao Đảng ta quyết định tiến hành cuộc vận động?
Năm 2006, Bộ Chính trị khoá X đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW, tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Đảng ta quyết định tiến hành cuộc vận động vì các lý do sau:
1- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cộng sản Việt Nam đẹp nhất. Người tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức và khí phách của dân tộc ta, của Đảng ta.
2- Giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống tốt đẹp theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của sự nghiệp cách mạng nước ta; vừa là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Đảng, của đất nước.
3- Tiến hành cuộc vận động nhằm tới nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu chủ yếu là:
Thứ nhất: Đẩy mạnh giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời kỳ mới thông qua tấm gương đạo đức của Bác Hồ nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống, chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
Thứ hai: Hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là những con người có nhân cách cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống văn minh và xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ.
4- Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có ý nghĩa sâu sắc và tính thiết thực rất cao.
4.1- Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, được tiến hành trong thời gian dài, có nội dung phong phú và thiết thực.
4.2- Đảng ta xác định tiến hành cuộc vận động là một trong những biện pháp cơ bản, phải làm sớm, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các nghị quyết của Trung ương.
4.3- Đồng thời xác định rõ tổ chức cuộc vận động chính là một trong những động lực chính trị quan trọng để góp phần tăng cường sức mạnh của Đảng, của dân tộc, của quốc gia trước cục diện, thời cơ, vận hội mới hiện nay.
Từ những vấn đề nêu trên, Đảng ta quyết định phát động cuộc vận động ngay sau Đại hội X thành công.
II- Phạm vi, cách thức tổ chức cuộc vận động.
Phạm vi cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" rất rộng lớn. Đây là đợt sinh hoạt chính trị bao trùm tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong cả nước. Cuộc vận động diễn ra trong toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đối tượng cuộc vận động là tất cả đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức các cấp trong bộ máy công quyền; đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn thể các tầng lớp nhân dân.
Cuộc vận động được tổ chức trong thời gian dài, từ năm 2006 đến hết nhiệm kỳ Đại hội X (2011), sau đó sẽ trở thành nếp thường xuyên trong việc học tập và làm theo lời Bác dạy.
Cách thức tổ chức cuộc vận động cũng có những nét riêng. Đó là lấy tổ chức cơ sở Đảng làm đơn vị tiến hành cuộc vận động. Không tổ chức hội nghị riêng cho cán bộ chủ chốt các cấp ở Trung ương, tỉnh và cấp huyện. Tất cả mọi đảng viên, cán bộ, công chức, dù ở cương vị công tác nào, đều phải học tập và thực hiện các yêu cầu của cuộc vận động ở nơi sinh hoạt Đảng trực tiếp của mình.
Đây là một việc làm mới, qua đó gắn liền trách nhiệm của từng cá nhân đảng viên, từng cán bộ, công chức với việc thực hiện các nội dung của cuộc vận động.
III- Tiến hành cuộc vận động nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực thực sự, căn bản về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua hình thức tự phê bình và phê bình.
Cuộc vận động có nhiều khâu, nhiều bước, trong đó có việc lấy ý kiến quần chúng nhân dân góp ý cho tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Từng đảng viên, từng cán bộ, công chức đều có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cá nhân.
Đây được xác định là khâu quan trọng trong quy trình tiến hành của cuộc vận động.
Với việc làm này, cuộc vận động sẽ gắn sự chuyển biến nhận thức với sự kiểm chứng thực tiễn, giúp cán bộ, đảng viên có đầy đủ cơ sở đánh giá đúng bản thân, có hướng phấn đấu cụ thể, chính xác. Cũng qua đó, mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân trở nên gắn bó, mật thiết hơn. Mặt khác, tạo ra ý thức và thói quen cho quần chúng nhân dân tham gia công tác xây dựng Đảng, trước hết là việc giám sát, góp ý thường xuyên cho tổ chức Đảng và đảng viên để đạt tới mục đích mà Bác Hồ đã từng căn dặn: Đảng viên là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân; cán bộ, công chức là công bộc của dân.
IV- Tiến hành cuộc vận động trong thời điểm cả nước đang đẩy mạnh các biện pháp để đưa Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đi vào chiều sâu chất lượng.
Thực hiện cuộc vận động gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ, các sự kiện chính trị - xã hội đồng thời diễn ra, như: tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII; thực hiện NQTW 3, NQTW 4 (khoá X); tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh nhiệm vụ lấy công nghiệp làm khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2007 là "Chủ động hội nhập, tăng cường thu hút đầu tư và đẩy mạnh cải cách hành chính"...
Cuộc vận động là một nhiệm vụ trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng; là giải pháp cơ bản trong hệ thống các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
V- Làm thế nào để cuộc vận động có kết quả, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra?
Thắng lợi của cuộc vận động phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng trước hết và cơ bản, tuỳ thuộc vào 2 yếu tố sau:
1- Sự nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hành động và sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp uỷ Đảng.
2- Sự nhận thức, nghiêm túc tự giác thực hiện của từng đảng viên, từng cán bộ; sự ủng hộ, đóng góp xây dựng có trách nhiệm cao của mọi tổ chức và mọi người dân.
Triệu Tiến Thịnh
Các tin khác
YBĐT - Đảng bộ phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) có 462 đảng viên, sinh hoạt tại 18 chi bộ, trong đó có 11 chi bộ đường phố; 7 chi bộ khối cơ quan , đơn vị trường học. Năm 2006 , thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ VI nhiệm kỳ 2005- 2010, Đảng bộ phường đã triển khai nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp uỷ cấp trên tới các đảng viên, các chi bộ, tổ Đảng.
YBĐT - Trong cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập là điều kiện thuận lợi để cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Song mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã khiến không ít những cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất đạo đức lối sống, làm ăn bất chính, dùng tiền ngân sách chi tiêu lãng phí, tham nhũng... làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở tỉnh Yên Bái tệ tham nhũng, lãng phí tuy chưa phải là vấn đề lớn, nhưng cũng không phải là không có.
YBĐT - Sau khi tổ chức Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XXII thành công tốt đẹp, Đảng bộ thị trấn Mậu A (Văn Yên) đã nhanh chóng cụ thể hoá các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội đưa vào cuộc sống được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thị trấn đồng tình ủng hộ.
YBĐT - Vừa qua, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã tổ chức lễ phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc thi “Tự hào truyền thống quê hương Yên Bái” và “Huyện Mù Cang Chải - 50 năm một chặng đường lịch sử”.