Yên Bái: Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày 21 tháng 7 năm 2006, Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái có nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2010 đưa huyện ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, rút ngắn được khoảng cách chậm phát triển của huyện so với các huyện, thị trong tỉnh.

Để đạt như vậy thì sau 5 năm phải có tiến bộ rõ nét về kinh tế, trọng tâm là đưa sản xuất nông lâm nghiệp đạt được thế ổn định và phát triển; đưa chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng sản xuất dần trở thành ngành sản xuất chính, theo hướng sản xuất hàng hoá. Cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường, điện, các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá và các thiết chế văn hoá ở thôn bản cũng cơ bản giải quyết được. Và giải quyết được cơ bản những vấn đề xã hội bức xúc như: tái trồng cây thuốc phiện; tệ phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy; di dịch cư tự do; giáo dục ổn định và phát triển; khắc phục được tỷ lệ sinh đẻ cao; an ninh - quốc phòng được giữ vững; nhất là xây dựng hệ thống chính trị huyện, xã vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010. Huyện cũng thành lập ban chỉ đạo và ban quản lý các dự án từ huyện đến xã, lập kế hoạch tổ chức thực hiện và xây dựng nhiệm vụ chi tiết năm 2007 theo mục tiêu đã ghi trong đề án. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,2%, các chỉ tiêu về sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, tài chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đối với nông nghiệp, ngành kinh tế quan trọng trong vấn đề an ninh lương thực tại địa phương đã được huyện chỉ đạo tập trung vào thâm canh, khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước. Kế hoạch đến năm 2010 là 1.000 ha thì hiện có 835 ha và diện tích tăng thêm năm 2007 là 47,2 ha bằng 22.2%. Diện tích gieo cấy 2 vụ cũng tăng và năng suất ước đạt 42 tạ/ha, các loại cây trồng khác như ngô, sắn, đậu tương... đều có sự gia tăng về diện tích. Là huyện miền núi có ưu thế đồi rừng và đồng cỏ, Nghị quyết đề ra “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá”.

Tính đến thời điểm này đàn gia súc, gia cầm đều phát triển khá, đàn trâu bò có trên 8.500 con, đàn lợn 11.469 con và không có dịch bệnh xảy ra. Huyện đã tích cực chăm sóc tốt 500 con bò thuộc đề án hỗ trợ bò cái sinh sản, đảm bảo về chuồng trại, thức ăn để đẩy mạnh phát triển đàn bò theo hướng đưa vật nuôi vào cơ cấu kinh tế hộ. Mặt mạnh của Trạm Tấu vẫn là phát triển kinh tế đồi rừng và kinh tế rừng phải trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện. Năm 2006 và đầu năm 2007 đã trồng và chuẩn bị đủ cây giống trồng mới 2.330 ha, trong đó 500 ha rừng kinh tế.

Khó khăn trước mắt là người dân chưa có thu nhập từ những sản phẩm phụ của rừng. Mặc dù tỉnh áp dụng cho thêm tiền bảo vệ rừng là 200.000 đồng/ha, nhưng chưa được thực hiện. Nếu có nguồn này thì với 23.000 ha rừng cần bảo vệ như hiện nay mỗi hộ cũng chỉ được giao 6,5 ha và thu nhập cả năm là 1,3 triệu đồng, bình quân đầu người 200.000 đồng/năm.

Ngoài ra lực lượng khuyến nông cắm bản chưa được tăng cường, việc hỗ trợ 300 kg phân NPK cho 1ha diện tích tăng vụ huyện đã lập kế hoạch và làm nhưng chưa được tỉnh hỗ trợ cũng tạo nên vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết.

 

Nhiều công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất của đồng bào vùng cao.

Năm vừa qua, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn đạt khá cao. Từ nguồn vốn chương trình 135,134, chương trình Dự án Giảm nghèo, trái phiếu Chính phủ.. đã có 83 công trình được thực hiện với số tiền đầu tư là 68,8 tỷ đồng. Nhiều công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt, điện, nhà lớp học, trạm xá.. được xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Riêng giao thông đã triển khai thực hiện được 17 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 43,1 tỷ đồng. Trong đó có các dự án đầu tư quy mô lớn như đường Làng Nhì - Phình Hồ, đường Tà Xi Láng và đang triển khai đường Trạm Tấu đi Bắc Yên ( Sơn La) với số vốn dự ước trên 50 tỷ đồng. Về phát triển văn hoá - xã hội đều có cố gắng trong việc nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, tinh thần của nhân dân. Tồn tại lớn đối với Trạm Tấu vẫn là chất lượng giáo dục- đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao.

Theo ông Hà Chí Họp - Bí thư Huyện uỷ Trạm Tấu: “ Qua một năm thực hiện nghị quyết, kinh tế - xã hội của địa phương bước đầu đã có sự khởi động. Nếu cứ làm như năm qua thì trong 4 mục tiêu chỉ thực hiện thắng lợi mục tiêu “ cơ bản giải quyết cơ sở hạ tầng nông thôn” khi xây dựng đủ các dự án và đủ vốn. Các mục tiêu còn lại khó thực hiện được hoặc thực hiện cũng không đáp ứng như yêu cầu đề ra”.

Lý do có nhiều song cái chính vẫn là huyện không đủ nguồn lực cũng như thẩm quyền giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án, phải chờ sự hỗ trợ của cấp trên nên thực hiện thường chậm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong huyện chưa đồng bộ dẫn đến việc xây dựng kế hoạch ở một số lĩnh vực còn lúng túng, từ đó dẫn đến nhiều nguồn lực ghi trong đề án không chuyển thành dự án chi tiết để có cơ sở đề nghị tỉnh hỗ trợ thực hiện. Đặc biệt là hệ thống tổ chức thực hiện nghị quyết và đề án ở cấp xã chưa được xây dựng, trình độ và năng lực của cán bộ còn hạn chế khó có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về phía tỉnh công tác hướng dẫn nội dung, các bước và trình tự xây dựng, lập dự án đầu tư và triển khai các đầu công việc theo nhiệm vụ ghi trong đề án chưa được quan tâm, dẫn đến nhiều lĩnh vực mới phát sinh và các lĩnh vực có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên khi triển khai thực hiện huyện gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Đồng thời, do mục tiêu, nhiệm vụ bao gồm nhiều lĩnh vực, có quan hệ tới nhiều ngành nên khi triển khai gặp khó khăn về chuyên môn, trong khi các ngành được tỉnh giao giúp huyện tổ chức triển khai các nhiệm vụ chưa bố trí cán bộ đủ năng lực xuống giúp để xử lý công việc. Một số chính sách đặc thù và nguồn lực của tỉnh ghi trong đề án hỗ trợ cho huyện để thực hiện nhiệm vụ chậm được thông báo, chậm được thực hiện . Nhiều cơ chế chính sách trong đề án được ghi chi tiết đến từng năm nhưng cũng chưa được tỉnh giải quyết dù huyện đã có đề án và đề nghị. Công tác phối hợp, tăng cường trao đổi giữa ban chỉ đạo tỉnh và huyện cũng chưa thật nhịp nhàng ăn khớp.

Để nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vấn đề quan tâm chỉ đạo phải được đặt ra thường xuyên. Bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn lực của tỉnh, các địa phương, trong đó có Trạm Tấu cũng cần phát huy nội lực để sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thế Quynh

Các tin khác
Phụ nữ dân tộc Mông ngày càng có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. (Ảnh: Văn Tuấn)

YBĐT - Sau khi được củng cố về tổ chức, hoạt động của bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền ở thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã phát huy được tác dụng, hiệu quả công tác rõ rệt.Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ thị trấn tập trung chỉ đạo củng cố chi bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quan tâm đúng mức đến phát triển đảng viên mới, chú ý bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú là tuổi trẻ.

Đường vào trung tâm xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) được đầu tư xây dựng cầu.(Ảnh: Đình Tứ)

YBĐT - Được học tập và quán triệt sâu sắc Nghị quyết T.Ư5 khoá IX và chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Mù Cang Chải, trong quá trình thực hiện các Đảng bộ đều nhận thức rõ chức năng nhiệm vụ của mình. Các cơ sở Đảng ở Mù Cang Chải luôn xác định vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...

YBĐT - Mấy năm gần đây, xã vùng cao Phình Hồ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã có sự đổi thay đáng mừng. Tuyến đường cấp phối từ quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Sơn Thịnh dẫn vào xã dài hơn 10 km đã rộng mở thênh thang; đường điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường tiểu học, trung học cơ sở… mới được đầu tư xây dựng khá khang trang.

YBĐT - Nghị quyết TW V (khóa IX) đã mở đường cho Đảng bộ và cả hệ thống chính trị phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cách suy nghĩ và cách làm mới để phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm đổi mới, khắc phục những mặt còn hạn chế mà trước hết là nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng bộ và hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục