“Ngọc sáng” vùng Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/7/2017 | 7:58:00 AM

YBĐT - Múa là loại hình nghệ thuật đòi hỏi diễn viên phải có năng lực cảm thụ âm nhạc, diễn xuất, cả sự tưởng tượng và nhiều kỹ năng vũ đạo khác trên sân khấu. Vì vậy, chỉ những ai có năng khiếu và tình yêu thực sự mới sống được với nghề. Diễn viên múa Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, sinh năm 1992 thuộc Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã tâm sự như vậy khi nói về nghề múa mà cô đam mê.

Diễn viên Hoàng Thị Ngọc cùng bạn diễn tập luyện.
Diễn viên Hoàng Thị Ngọc cùng bạn diễn tập luyện.

Tới thăm Ngọc đúng vào dịp em và các diễn viên của Đoàn đang hăng say tập luyện tại rạp Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Không gian mờ ảo, tiếng nhạc réo rắt, Ngọc hiện lên thật đẹp và lộng lẫy. Từng động tác vũ đạo mềm rẻo, thướt tha, uyển chuyển, lúc mạnh mẽ, khi quyết liệt. Khuôn mặt khi tươi tắn mang nét đẹp rất riêng của thiếu nữ miền sơn cước đang tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống, khi lại căm phẫn, góc cạnh, cứng cỏi trước kẻ thù xâm lược…

Cứ như vậy, chúng tôi như được hòa mình vào không gian của bản hùng ca bừng bừng khí thế ra trận của quân và dân ta mang tên "Về đây đồng đội” do anh Đinh Phú Bình - Phó trưởng Phòng Nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật tỉnh biên đạo, dàn dựng. Màn diễn tập kết thúc, Ngọc hướng về phía chúng tôi, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, cô cười:

- Để các anh đợi lâu, thật ngại quá!

- Có gì đâu mà ngại, mình còn thấy may mắn khi được xem các bạn biểu diễn ấy chứ! Để hoàn thiện một chương trình hoàng tráng như này, chắc vất vả lắm nhỉ? - tôi hỏi.

- Mỗi chương trình trước khi được biểu diễn, chúng em phải tập luyện từ 2 đến 3 tuần! Nói ra thì cũng khá vất vả nhưng em quen rồi. Quan trọng hơn cả là được sống với nghề mình yêu thích.
Hoàng Thị Ngọc sinh ra trong một gia đình nông nghiệp ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên.

Mặc dù bố mẹ không làm nghệ thuật nhưng Ngọc lại thừa hưởng niềm đam mê múa từ Nghệ sỹ ưu tú, biên đạo múa Bích Thảo là bà trẻ và dì ruột Hoàng Thị Thúy - diễn viên múa thuộc Đoàn Nghệ thuật tỉnh. Từ lúc được xem bà trẻ dàn dựng, hướng dẫn các "vũ công không chuyên” của xã tập luyện đến những lần xem đoàn nghệ thuật của huyện Trấn Yên, của tỉnh về địa phương biểu diễn đã khiến cô bé Ngọc mê tít. Tuy nhỏ tuổi nhưng sớm bộc lộ năng khiếu và đặc biệt rất say mê, chăm chỉ tập luyện mỗi khi được bà trẻ Bích Thảo và dì Thúy chỉ bảo nên gia đình đã hướng Ngọc đi theo bộ môn nghệ thuật đầy khó khăn này.

Để thực hiện ước mơ, học xong lớp 9, Ngọc xin phép gia đình, một mình "khăn gói” xuống Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhờ dì Thúy hướng dẫn tập luyện để thi vào Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. "Hôm nào cũng vậy, khi các diễn múa đã về nghỉ, Ngọc vẫn chăm chỉ luyện tập đến 10 giờ đêm, mồ hôi ướt đẫm mới thôi. Có hôm thấy Ngọc bàn chân, bàn tay bầm dập, rướm máu… mà thấy tội” - chị Hoàng Thị Thúy, dì ruột của Ngọc chia sẻ.

Sau hơn 2 tháng miệt mài tập luyện, Ngọc đã hoàn thành xuất sắc các phần thi và lần lượt "đánh bại” nhiều đối thủ để ghi tên mình vào danh sách học viên thi đỗ có thành tích cao của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam lúc bấy giờ.

Là cô gái thôn quê quanh năm làm công việc đồng áng nên thể hình cứng, vóc dáng, chiều cao "khiêm tốn” so với các bạn học viên khác song không vì thế khiến Ngọc tự ti. Để chứng minh bản thân, sau các tiết học văn hóa trên lớp, Ngọc tranh thủ mọi thời gian tập luyện thể lực, sức bền, độ dẻo dai của cơ thể hay những động tác khó của nghệ thuật múa.

Những ngày nghỉ, thay vì đi chơi với bạn bè, Ngọc tìm đến các câu lạc bộ khiêu vũ để "học lỏm” những kỹ năng múa cổ điển và hiện đại của các nghệ sỹ múa đã thành danh. Từ đó, Ngọc biết cách cảm nhận, cảm thụ âm nhạc để khi diễn, cơ thể chính là ngôn ngữ diễn đạt tốt nhất nội dung mà người đạo diễn, biên kịch muốn truyền tải đến người xem…

Không chỉ khắc nghiệt trong tập luyện, điều tiên quyết mỗi học viên trường múa phải có đó là thực sự có năng khiếu, sức cảm âm nhạc, sự đam mê, nhiệt huyết với nghề… Còn không, trong quá trình học tập, chính bản thân người học sẽ tự loại mình ra khỏi bộ môn nghệ thuật không đơn giản này.

Nhờ nỗ lực tập luyện, cộng với năng khiếu bẩm sinh và niềm đam mê nghệ thuật múa vô bờ bến của mình, Ngọc đã dần được bạn bè, thầy, cô yêu quý, trân trọng. Sau 6 năm rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp, Ngọc đã không vội trở về quê mà tiếp tục ở lại Hà Nội tham gia các show diễn của đồng nghiệp và thầy cô trong trường. Các show diễn lớn, các sân khấu hoành tráng ở thủ đô đã giúp Ngọc tích lũy nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là sự tự tin trước khán giả và ánh đèn sân khấu.

- Là diễn viên múa có năng khiếu, sớm khẳng định được tài năng sao Ngọc không ở lại Hà Nội - nơi có nhiều điều kiện để mình phát triển sự nghiệp tốt hơn? - tôi hỏi.

- Ngọc nghĩ ở đâu cũng vậy thôi! Nếu mình thực sự đam mê, tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này thì sân khấu nào cũng có thể khẳng định được tài năng của mình. Với lại về quê, Ngọc được gần gia đình, người thân vẫn thích hơn anh ạ!

- Không về sao được, khi em là người quyết định mà! - câu nói hóm hỉnh và cái nhìn ý nhị có phần khẳng định vai trò "chỗ dựa tinh thần” của Nguyễn Mạnh Huân (chồng Ngọc) về phía người vợ của mình, khiến cả hai cùng mỉm cười hạnh phúc.

Ngọc và Huân quen nhau từ khi còn là cô, cậu học viên Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Từ cảm mến, khâm phục tài năng của cô gái trẻ vùng sơn cước, chàng trai đất Tổ đã quyết định rời quê hương cùng người bạn đời lên Yên Bái phát triển sự nghiệp.

Nhiệt huyết, niềm đam mê nghệ thuật múa đã giúp đôi bạn trẻ cùng tham gia thi và trúng tuyển vào đội múa thuộc Đoàn Nghệ thuật tỉnh. Rồi họ đã cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình với một cậu con trai kháu khỉnh hơn 4 tuổi.

Nắm tay người bạn đời thật chặt, Ngọc chia sẻ: "Ban đầu mới về đây, cuộc sống khá khó khăn do đồng lương ít ỏi, công việc lại vất vả, song vì niềm đam mê bộ môn nghệ thuật múa cùng sự động viên, giúp đỡ của anh xã nên chúng em đã vượt lên tất cả!”.

Sau hơn một năm tham gia tập luyện, biểu diễn tại các sân khấu Yên Bái, bằng tài năng, niềm đam mê, Ngọc sớm được các biên đạo múa chú ý và luôn được các bạn diễn khen ngợi, khâm phục. Hàng loạt các vai diễn chính trong các tác phẩm múa từ dân gian đến đương đại, từ múa sô lô cá nhân đến tập thể, Ngọc luôn là ưu tiên số một. Dù điệu múa nào, yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, động tác hình thể ra sao, nhiều khi bị lệch cổ chân, giãn dây chằng, bị mất thăng bằng và tụt chân ngã trên vai bạn diễn… nhưng cô cũng không nản chí.

Kỷ niệm lớn nhất khi đến với bộ môn nghệ thuật múa chuyên nghiệp của Ngọc là năm 2012, sau khi xem các diễn viên múa thuộc Đoàn Nghệ thuật tỉnh biểu diễn, Nghệ sỹ ưu tú, biên đạo múa Thanh Nam đã chọn Ngọc là diễn viên múa chính trong tác phẩm "Hòn đá đỏ” để tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Đắk Lắk.

Tại sân khấu lớn, bằng tài năng, kỹ thuật điêu luyện của ngôn ngữ hình thể, tác phẩm "Hòn đá đỏ” của Ngọc đã vẽ lên bức tranh hoàn mỹ về vẻ đẹp của vùng đất ngọc Lục Yên, Yên Bái. Từ hòn đá thô sơ, qua nhào nặn của các nghệ nhân đã trở thành viên ngọc sáng lung linh, diệu kỳ. Và "viên ngọc” ấy đã chinh phục toàn bộ các thành viên Ban Giám khảo để đạt giải cao nhất - Huy chương Vàng tại Hội diễn.

Cũng tại Hội diễn này, Ngọc tiếp tục gặt hái thành công khi đoạt tấm Huy chương Bạc với tiết mục múa "Sao xa hồ Thác” do Ngọc múa chính. Không dừng lại ở đó, năm 2015, khi tham gia Liên hoan Nghệ thuật chuyên nghiệp tại Thái Nguyên, Ngọc tham gia múa phụ họa góp phần đoạt Huy chương Vàng ca khúc "Bâng khuâng” do Nghệ sỹ ưu tú Thanh Hương thể hiện; Huy chương Bạc ca khúc "Khát vọng sông Chảy” do ca sỹ Thành Long thuộc Đoàn Nghệ thuật tỉnh thể hiện.

Năm 2016, Ngọc tham gia Liên hoan Nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan tại tỉnh Quảng Trị và tiếp tục đoạt Huy chương Vàng tác phẩm "Những cung bậc của núi”, Huy chương Bạc tác phẩm múa "Khát” do Nghệ sỹ ưu tú Thanh Nam biên đạo…

Với vai trò người quản lý diễn viên nghệ thuật múa và tổng đạo diễn các chương trình biểu diễn múa của Đoàn Nghệ thuật tỉnh, anh Đinh Phú Bình - người luôn được các diễn viên múa nhận xét khó tính, yêu cầu cao về thể hình, kỹ năng, động tác trong nghệ thuật múa khẳng định: "Ngọc là nữ diễn viên múa trẻ tuổi đầy triển vọng của tỉnh. Dù là tôi hay các nghệ sỹ múa trung ương lên làm việc đều rất cảm phục tinh thần làm việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật điêu luyện và sự sáng tạo của Ngọc trong khi biểu diễn. Ngọc xứng đáng là một trong những diễn viên múa xuất sắc nhất hiện nay của vùng Tây Bắc”.

Vẫn còn đó những khó khăn trong cuộc sống gia đình, song được sống, cống hiến cho niềm đam mê nghệ thuật múa chính là món quà vô giá đối với Ngọc. Chia tay Ngọc, tôi thầm cảm phục về tinh thần, thái độ làm việc, ý chí, nghị lực vươn lên để sống trọn với niềm đam mê của nữ diễn viên trẻ này. Cô thật xứng đáng là diễn viên múa hàng đầu vùng Tây Bắc.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Ông Hoàng Kim Chân tuyên truyền, vận động đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân trong xã Bình Thuận.

YBĐT - “Ở đây không phải nhiều tuổi là có uy tín mà quan trọng là sự tin cậy của người dân vào mình. Mình nói được và làm được nên người dân tin cậy, bầu mình vậy thôi”. Đó là tâm sự của già Hoàng Kim Chân, dân tộc Tày, thôn Quăn 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn.

Bà Hà Thị Long 17 năm làm việc thiện.

YBĐT - Quả là "lạ đời" quá thể trong con mắt thiên hạ khi người đàn bà ấy cứ lụi cụi bỏ thời gian, công sức làm cái công việc chẳng những không mang lại lợi lộc gì mà còn tiềm ẩn hiểm nguy cho bản thân: nhặt ống kim tiêm của những con nghiện bỏ lại. Tính ra, đến giờ, cũng đã 17 năm bà Hà Thị Long ở tổ 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình "gắn bó" với "công việc" này.

Đồng chí Vũ Tiến Đức – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải (thứ ba, trái sang) cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và lãnh đạo xã Nậm Khắt thăm đồng ruộng của bà con nhân dân tại xã Nậm Khắt.

YBĐT - Quá nửa số cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trong huyện từng là học trò cũ của anh - thầy giáo Vũ Tiến Đức. Nên có chuyện, bao lần làm việc, cán bộ cấp dưới lên báo cáo với anh - Chủ tịch UBND huyện, câu đầu trơn tru suôn sẻ, sau quên, cứ một câu thầy giáo, hai câu thầy giáo khiến anh Đức muốn phì cười nhưng rồi cũng thông cảm.

Ông Đặng Xuân Nghĩa thu hái chè.

YBĐT - “Đất tốt hay xấu là do bàn tay con người”, “không có khoảng trống của thời gian”- đó là quan điểm của những nông dân có ý chí, nghị lực vươn lên mạnh mẽ làm giàu trên quê hương Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục