Chiếc máy ước mơ

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/6/2018 | 6:05:38 AM

YBĐT - Với ước mơ về một nền nông nghiệp hiện đại, 2 em Đoàn Thị Thảo Linh và Nguyễn Đình Trung Đức, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã chế tạo thành công chiếc máy thu hoạch rau cầm tay, phù hợp với các vườn rau quy mô lớn trồng theo hướng an toàn ở Yên Bái.

Em Đoàn Thị Thảo Linh và Nguyễn Đình Trung Đức cùng nghiên cứu hoàn thiện chiếc máy thu hoạch rau cầm tay.
Em Đoàn Thị Thảo Linh và Nguyễn Đình Trung Đức cùng nghiên cứu hoàn thiện chiếc máy thu hoạch rau cầm tay.


Nói về ý tưởng của mình, Thảo Linh chia sẻ: "Hiện nay, việc ứng dụng máy móc vào thu hoạch tại các trang trại lớn đã rất thành công ở các quốc gia phát triển nhưng với nước ta thì không bởi nhiều lý do như: giá thành cao, đòi hỏi kỹ thuật cao, máy quá lớn, cồng kềnh không phù hợp với những mô hình trồng rau tại tỉnh ta nói riêng và nước ta nói chung… Vì vậy, chúng em đã ấp ủ ý tưởng về một chiếc máy giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công sức lao động trong việc thu hoạch, đồng thời cho năng suất cao, giá thành hợp lý, dễ dàng sử dụng”. 

Trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa có chiếc máy thu hoạch rau phù hợp, do đó, ý tưởng của 2 em bị cho là viển vông, không thực tế. Nhưng rồi chiếc máy thu hoạch rau cầm tay ra đời, hoạt động trơn tru với năng suất tăng 12 lần so với thủ công đã hoàn thành ước mơ bé nhỏ của đôi bạn trẻ.

Để làm được điều đó, ngay sau khi hình thành ý tưởng về chiếc máy, đôi bạn Thảo Linh và Trung Đức đã tiến hành khảo sát thị hiếu của khách hàng. Từ đó, tìm hiểu, phân tích, đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng, làm cơ sở để nghiên cứu ra một sản phẩm vừa đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu, vừa phù hợp với thị hiếu khách hàng. Việc khảo sát được tiến hành tại 3 khu sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố là xã Âu Lâu, Văn Phú và Tuy Lộc với 100 phiếu được phát hành. 

Công đoạn khảo sát nhu cầu của khách hàng đã giúp đôi bạn xác định rõ hơn các vấn đề cần nghiên cứu, đó là: động cơ dễ sử dụng, gọn nhẹ; thu hoạch được nhiều loại rau; dễ dàng vận chuyển, bảo trì; kiểu dáng đẹp mắt, kích cỡ phù hợp với quy mô rau sạch trên địa bàn tỉnh, giúp nhóm có được những định hướng mục tiêu quan trọng trong việc thiết kế chiếc máy của mình. Sử dụng nguyên lý của máy cắt chè và máy cắt rau mầm, đôi bạn đã thiết kế ra chiếc máy thu hoạch rau với các bộ phận: động cơ 2 kỳ, khung máy, bộ phận cắt, ống thổi, băng tải… 

Các bộ phận được gắn và hàn trực tiếp vào máy, tuy nhiên, do có thiết kế nhỏ gọn, khối lượng 12kg vừa phải, nên khi vận chuyển không tốn quá nhiều công sức và thời gian, phù hợp di chuyển kể cả địa hình đường làng nhỏ. 

Cách sử dụng cũng khá dễ dàng không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ. Người sử dụng chỉ cần đưa máy di chuyển trên các luống rau là rau tự động được cắt và đưa về khoang chứa. Bởi, sau khi khởi động máy, động cơ của máy khiến 2 lưỡi dao đặt song song chuyển động sang trái, sang phải đồng thời ống thổi hoạt động đẩy rau vào phía băng chuyền khiến rau không bị ngả ra phía trước gây dập, nát, giúp rau định hình thành bó, qua băng chuyền di chuyển vào khoang chứa rau.

Chiếc máy thu hoạch rau cầm tay ra đời đã cơ giới hóa việc thu hoạch rau - một công đoạn trước giờ chỉ làm thủ công. Với 1 chiếc máy, 1 người sử dụng thu hoạch 1 luống rau trong thời gian 20 phút, nhanh gấp 12 lần so với thủ công. Sản phẩm còn có thể ứng dụng trong các địa hình nhỏ, không bằng phẳng và có thể ứng dụng vào việc thu hoạch lúa trên ruộng bậc thang hoặc cắt cỏ cho các sân bóng. Chia sẻ về dự định trong tương lai, em Nguyễn Đình Trung Đức phấn khởi cho biết: "Chúng em đang tiếp tục nghiên cứu lắp đặt thêm một số cải tiến như: hệ thống xới đất để có thể tích hợp việc thu hoạch củ và xới đất sau khi thu hoạch; hệ thống điều khiển từ xa; đơn giản hóa mạch điện và động cơ. Nếu hoàn thiện, tính năng của chiếc máy sẽ hiện đại hơn bây giờ rất nhiều”.

Hoài Anh

Các tin khác
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung bó mía chuẩn bị đi bán.

YBĐT - 25 năm trồng mía đã giúp cho gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở thôn 4, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái có thêm một nguồn thu nhập ổn định. Cây mía trên đất bãi bồi nơi đây cũng trải qua nhiều đổi thay, giá cả thị trường lên xuống, diện tích ngày càng thu hẹp nhưng chị Nhung đã lựa chọn cách đi riêng để gắn bó cùng loại cây này.

YBĐT -  Huyện Yên Bình hiện có 147 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Vi Văn Nguyên ở thôn Bản Lầu, xã Cảm Nhân là một trong những người tiêu biểu. 

Bà Hoàng Thị Thêm chăm sóc vườn ươm cây giống.

YBĐT - Bà Thêm "cây giống", đó là cái tên mà nhiều người vẫn thường gọi khi nhắc đến bà Hoàng Thị Thêm ở tổ 33, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái. 

Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Văn Yên).

YBĐT - Năm 1990, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, cô giáo Vũ Thị Hạnh được phân công về công tác tại Trường cấp 3 Văn Yên, nay là Trường THPT Chu Văn An. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục