Không lùi bước trước khó khăn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2018 | 1:43:59 PM

YBĐT - Sinh ra khi đất nước còn chìm trong chiến tranh, như bao thanh niên khác, năm 1976, chàng thanh niên 19 tuổi Trần Đức Huy theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). 

Không quản khó khăn, cựu thanh niên xung phong Trần Đức Huy luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Không quản khó khăn, cựu thanh niên xung phong Trần Đức Huy luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Biên chế vào Đại Đội 14, đóng quân tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, lúc ấy ông cùng đồng đội khi thì trồng lương thực, lúc đi tải đạn, mở đường vùng đất biên giới Chư Prông phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Trong chiến tranh, những công việc tưởng chừng như đơn giản ấy lại vất vả không tưởng, kèm theo đó là những cơn sốt rét rừng liên miên mà đến giờ ông vẫn không thể nào quên được. Thế nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, phát huy truyền thống các thế hệ TNXP, ông Huy đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương năm 1980. Khi ấy, ông đăng ký học nghề mộc.
 
Đến năm 1984 ông lên Lào Cai lập nghiệp và xây dựng gia đình. Với đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm ông làm ra được bà con trong vùng tin dùng. Nhưng rồi sức khỏe không cho phép, ông Huy tiếp tục làm nghề và về sống ở tổ 29, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái.
 
Hoàn cảnh gia đình ở thời điểm ấy hết sức khó khăn, vợ ông làm công nhân ở Xí nghiệp Sứ (nay là Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn), bố mẹ vợ tuổi cao sức yếu, ông Huy đã cố gắng vượt lên chăm lo cuộc sống gia đình. Khắc phục khó khăn của thời kỳ bao cấp, ông nuôi lợn, nuôi gà để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiều gian truân, vất vả, nhưng ông Huy luôn lạc quan, yêu đời và nỗ lực hết mình trong cuộc sống.
 
Ông Huy chia sẻ: "Làm gì để thoát nghèo luôn là suy nghĩ trong đầu tôi lúc bấy giờ. Bao nhiêu cái khó khăn, gian khổ tôi cũng đều đã trải qua trong chiến tranh, giờ chẳng nhẽ lại phải chịu thua. Thế rồi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tôi đánh liều chăn nuôi quy mô lớn. Vợ tôi ban đầu cũng lo lắng và không đồng tình, nhưng sau vì tôi quyết tâm nên vợ cũng ủng hộ” - ông kể lại bằng giọng hào sảng. Một thời gian sau, vợ ông xin về nghỉ theo chế độ 174 của Chính phủ. Hai vợ chồng không có lương hưu nên tất cả phải trông chờ vào đàn lợn, đàn gà tăng gia.

Do không được học tập chuyên sâu nên ban đầu ông cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, lợn nuôi không năng suất, lại có thời điểm lợn mất giá khiến ông thiệt hại mất hàng trăm triệu đồng. Nhưng những khó khăn đó không khiến người TNXP năm ấy lùi bước.
 
Tất cả những kinh nghiệm ông có được đều là do tự học hỏi. Bản tính chăm chỉ, cần cù đã giúp ông có được thành công như ngày hôm nay. Mô hình chăn nuôi của ông Huy luôn duy trì từ 30 - 40 con lợn thịt, 30 con gà đẻ mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
 
Đồng vốn giành dụm được từ chăn nuôi, rồi anh em trong Hội Cựu TNXP động viên, hỗ trợ năm 2004 gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành, ông Huy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông đã có kinh nghiệm 10 năm làm tổ phó tổ nhân dân và 12 năm làm công tác an ninh tại khu phố.
 
Ông Phùng Xuân Thu - Chi hội phó Chi hội Cựu TNXP phường Yên Ninh cho biết: "Trong công tác Hội, ông Huy luôn được đánh giá là hội viên xuất sắc, chấp hành mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội và tích cực giúp đỡ các hội viên khó khăn”.

Được tôi luyện qua chiến trường gian khổ, nay trở về với đời thường, ông Trần Đức Huy luôn phát huy được phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người chiến sỹ cách mạng, không quản ngại khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Bảo Linh

Các tin khác

YBĐT - "Một gia đình văn hóa tiêu biểu, mẫu mực, có bề dày truyền thống cách mạng” - đó là lời nhận xét của hầu hết bà con nhân dân khu dân cư Hồng Thanh, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, khi nhắc tới gia đình ông Trần Thi và bà Vương Thị Ngân.

Phạm Thị Ngọc Ánh đã giành giải Nhì trong Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, vòng sơ khảo, Cụm thi số 2.

YBĐT - Sinh năm 1987, là Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, đã đạt nhiều danh hiệu như: "Giảng viên dạy giỏi cấp trường”, "Giảng viên dạy giỏi toàn quốc”, Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…Đó là cô gái người dân tộc Dao - Phạm Thị Ngọc Ánh.

YBĐT - Hơn 11 năm công tác gắn bó với các bệnh nhân tại Khoa ngoại, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, bác sỹ Giàng A Lu không nhớ chính chính xác trong chừng ấy năm, mình đã mổ cho bao nhiêu bệnh nhân; chỉ nhớ năm 2017, anh đã trực tiếp phẫu thuật mổ cho trên 200 ca...

YBĐT - Sinh năm 1979, quê gốc ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, từ nhỏ Nguyễn Thị Gấm đã ao ước sau này trở thành giáo viên. Vì vậy, sau khi học xong phổ thông, chị đã thi vào ngành sư phạm. Ra trường, chị về làm giáo viên môn Sinh học ở Trường THCS Nguyễn Thái Học, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục