Nguyễn Văn Chi và mô hình 5 giống nho trên đồng đất An Thịnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/9/2022 | 8:22:13 AM

YênBái - Những chùm nho nhiều màu sắc, căng tròn, bóng loáng đã chuyển ngọt trên đồng đất An Thịnh, huyện Văn Yên với thành công của mô hình trồng 5 giống nho của anh Nguyễn Văn Chi ở thôn Cổng Trào.

Anh Nguyễn Văn Chi kiểm tra chất lượng nho trước khi thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Chi kiểm tra chất lượng nho trước khi thu hoạch.

Những chùm nho nhiều màu sắc, căng tròn, bóng loáng đã chuyển ngọt trên đồng đất An Thịnh, huyện Văn Yên với thành công của mô hình trồng 5 giống nho của anh Nguyễn Văn Chi ở thôn Cổng Trào.


Vốn không phải nông dân chuyên nghiệp nhưng anh Chi có một niềm đam mê với nông nghiệp. Niềm đam mê ấy cũng xuất phát từ nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch cho gia đình. Anh Chi kể: "Các thành viên trong gia đình tôi khá thích ăn nho. Trước đây, tôi cũng đã trồng thử nho nhưng không thành công lắm, vẫn cho trái nhưng chùm không sai, quả nhỏ. Rồi tình cờ tôi có quen một người bạn ở Lạng Sơn trồng nho đã thành công nên tôi đã nhờ mua giống về trồng thử”. 

Thử mà thật, năm 2019, anh Chi đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua gần 300 cành nho giống với 5 loại: hạ đen, hồng ngọc, 126 nho kẹo, ngón tay 152, cự phong; đồng thời, cải tạo lại 3 sào ruộng vốn trồng lúa bằng cách đổ đất phù sa, bừa đất, đắp luống, đào rãnh, bón phân, rào lưới B40 xung quanh và lắp camera để quan sát vườn nho... 

Vốn không có kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm nên tất cả anh Chi đều tự học, tự mày mò trên mạng Internet, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Một năm sau ngày xuống giống, vườn nho của anh Chi bắt đầu kết trái mặc dù theo đúng quy trình chỉ cần 6 tháng nhưng đổi lại chùm khá sai, quả to, mẫu mã đẹp và vị ngọt đậm. 

Cây nho là loài cây ưa sáng hoàn toàn, thích hợp với khí hậu khô, ít mưa bởi mưa rất dễ rụng hoa và quả. Đối với khí hậu miền Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng nóng ẩm, mưa nhiều; bởi vậy, để nho sinh trưởng, phát triển, anh Chi đã đầu tư thêm mái che bằng nilon chuyên dụng để tránh mưa, rồi tận dụng cột của mái che để làm giàn cho nho leo. 

Đường rãnh thì trải thêm nilon đen để tránh cỏ mọc. Anh Chi khẳng định, kỹ thuật trồng nho không khó nhưng cái công chăm sóc phức tạp, kỳ công, nhất là việc tính toán thời gian phát triển, chiều dài các cành để thực hiện các kỹ thuật ngắt ngọn, ngắt chồi, bấm cành hợp lý, đúng thời gian, thời điểm. 

Ngắt ngọn, ngắt chồi có mục đích là để chất dinh dưỡng không nuôi dài cành mà quay lại để nuôi cành và quả nho phát triển. Bởi vậy, khi những cành to khỏe được xác định để cho ra hoa, đậu quả đạt chiều dài từ 60 - 100 cm thì sẽ tiến hành ngắt ngọn, ngắt chồi. 

Còn sau mỗi lần thu hoạch, sẽ tiến hành bấm cành để dinh dưỡng tập trung nuôi mắt ngủ. Việc bấm cành cũng cần phải quan sát để lựa chọn cành bấm phù hợp. Thông thường, từ mắt ngủ từ thứ 5 đến thứ 7, lựa chọn mắt ngủ to khỏe thì bấm cành phía trên để nho ra hoa tiếp tại các mắt ngủ đó trong vụ tới. Thu hoạch xong cũng cần có một số chế độ đặc biệt như: cắt nước, bón phân hợp lý, khi thấy nho đã sung sức trở lại thì mới bấm cành. 

Anh Nguyễn Văn Chi chia sẻ: "Xuất phát từ trồng nho để phục vụ gia đình nên việc trồng nho của gia đình tôi được thực hiện hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Phân thì tôi ủ hoai mục từ phân bò và chế phẩm sinh học, vôi; thuốc phòng trừ sâu bệnh thì chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học và một vụ chỉ phun 1 lần vào thời điểm ra chồi hoa nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng quả. Bởi vậy, mà người nọ truyền tai người kia, đến mùa thu hoạch, người dân ở một số vùng lân cận đến tận vườn mua, còn không đủ để bán”. 

Với cách chăm sóc như vậy, vườn nho của anh Chi cho thu hoạch 2 vụ/năm, mỗi vụ trên 7 tạ nho với giá bán từ 100-120.000/kg, lãi trên 100 triệu đồng/năm. Theo anh Chi, sản lượng này vẫn thấp do anh chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, hơn nữa, cây càng lớn sẽ cho sản lượng càng nhiều, giá trị cao, lợi nhuận khoảng 80%, lại có vòng đời cả chục năm. 

Mô hình của anh Chi đã chứng minh sự phù hợp của một loại cây trồng mới, là cơ sở thực tế để địa phương nghiên cứu, bổ sung giống cây ăn quả có hiệu quả cao, góp phần chuyển đổi hiệu quả cây trồng trên đất lúa.

Hoài Anh

Tags Văn Yên trái ngọt An Thịnh trồng nho chùm nho

Các tin khác
Cách làm du lịch của vợ chồng chị Vàng Thị Lỳ đã thu hút một lượng khách du lịch khá lớn đến với Mù Cang Chải.

Người thành công thường có lối đi riêng. Và chỉ có những người dám dấn thân, dám thay đổi, dẫn đầu xu hướng thì mới tạo nên những đột phá. 4 năm trước, đó là câu chuyện "cơn sốt trà chanh" theo hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đã từng khuấy đảo thị trường Yên Bái.

Bà Phạm Thị Mận (bên trái) cùng hội viên sử dụng phế liệu nhựa tái chế thành các chậu hoa xinh xắn, với kiểu dáng, màu sắc khác nhau.

"Bà mõ” là cái tên người dân tổ dân phố số 5, phường Đồng Tâm trìu mến gọi thường gọi đùa bà Mận. Bà là Phạm Thị Mận - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 5, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái. Và không phải ngẫu nhiên bà có cái biệt danh ấy....

Anh Phạm Văn Năm vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn nái.

Từ ngày nuôi lợn nái, nhà anh Năm hầu như chưa bao giờ cung cấp đủ lợn con giống cho nhu cầu của người mua. Không cần bán đâu xa, chỉ ngay những người dân trong thôn, trong xã đã liên tục đặt mua lợn con của nhà anh quanh năm. Chất lượng lợn con đảm bảo cũng là một yếu tố giúp lợn con nhà anh bán ra được người nuôi đánh giá cao.

Ông Vi Đình Vân - người được cấp ủy, chính quyền các cấp khen thưởng nhiều lần.

Năm 2021, ông Vi Đình Vân là một trong 70 cá nhân tiêu biểu vừa được UBND huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen, giấy khen trong phong trào "hiến đất, vật kiến trúc, cây cối làm đường giao thông nông thôn

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục