Thầy tạo của làng Dao Khe Loóng

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2022 | 7:36:29 AM

YênBái - Suốt tháng Bảy âm lịch, ông Lý Văn Thủy - người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Khe Loóng, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên hầu như bận rộn vì nhiều người dân trong thôn, ngoài thôn nhờ đi cúng rằm. Ngày nhiều nhất ông đi cúng cho 5 hộ. Nhưng có phải ông Thủy bận vì người dân nơi đây ăn rằm cả tháng hay không?....

Ông Lý Văn Thủy thường xuyên đọc sách mỗi ngày.
Ông Lý Văn Thủy thường xuyên đọc sách mỗi ngày.

Ông Thủy được người dân trong thôn bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã chục năm nay. Được dân tin, dân bầu thì ông lại càng phải cố gắng để dân ngày càng tin hơn nữa. Người Dao quần trắng rất tin tưởng thầy tạo, thầy múa, ông Thủy đã phát huy lợi thế này để ngày càng làm tốt hơn, hiệu quả hơn công việc cùng Chi bộ, thôn đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và tỉnh, huyện, xã đến dân làng... 

Giải đáp thắc mắc tại sao người dân Khe Loóng lại ăn rằm kéo dài như thế, anh Lý Văn Hải - Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Đồng lên tiếng ngay: "Ấy, xin chớ hiểu nhầm là người Dao nơi đây ăn rằm cả tháng đâu ạ… Thường thì các hộ nhờ nhau, nhờ anh em luổng quế, chăm dâu, làm việc lớn gì đó rồi mổ con gà, đụng nhau con lợn… kết hợp ăn rằm tháng Bảy luôn thôi chứ không hề lãng phí thời gian, tiền bạc. Kiểu như đổi công, giúp nhau những việc cần nhiều lao động thời vụ để anh em, họ hàng, xóm giềng có dịp ngồi với nhau thêm vui, thêm gắn bó”. 

Với người Dao quần trắng Khe Loóng, cúng rằm tháng Bảy là phải nhờ, phải mời thầy tạo để thể hiện sự trang trọng, lòng thành, biết ơn đối với tổ tiên mình. 

Vừa là thầy tạo (thầy cúng) vừa là thầy múa (cấp sắc) ở mức 3 đèn, ông Thủy nói rằng: "Thuận lợi đấy, chính là thuận lợi giúp tôi được bà con thêm tin tưởng nên tuyên truyền, vận động, thuyết phục cũng dễ dàng hơn”. 

Ông bảo: "Là thầy tạo, thầy múa lại từng là y tá nên tôi vừa giúp bà con về tín ngưỡng, phong tục vừa tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu rõ  về cách chăm sóc sức khỏe, về khám chữa bệnh để có sức khỏe thể chất tốt nhất. Cứ việc nọ lại hỗ trợ cho việc kia rất nhiều trong các mặt cuộc sống thường ngày của dân, của thôn. Mình biết tiếng nói, biết chữ viết, biết phong tục, tập quán nên nhiều người phải nhờ khi có việc, thành ra mọi người cũng nể nhiều”. Hiểu rất rõ lợi thế của mình nên ông Thủy càng ra sức làm thật tốt công việc của mình để đáp lại niềm tin của mọi người. 

"Làm người có uy tín khó hay dễ? Cũng không khó lắm đâu. Cái gì cũng cần phải phân tích từng ly từng tý thì mọi người cũng nghe thôi. Phần nữa thì tất cả mọi người cũng đều là anh em, họ hàng, xóm giềng cả mà” - ông Thủy nói thế. 


Thôn nông thôn mới kiểu mẫu Khe Loóng ngày càng xuất hiện thêm nhiều ngôi nhà xây kiên cố, khang trang. 

Có những việc nhỏ nhưng cũng cần thời gian để nói lý lẽ, để thuyết phục cho sự việc  được giải quyết hài hòa, êm thuận. Như việc có 2 nhà chưa thoải mái với nhau về vài mét đất trồng cây sắn, cứ nhà kia trồng thì nhà này lại nhổ. Ông Thủy đã đến mấy lần, cùng 2 nhà ngồi lại với nhau, bàn bạc cụ thể, nhất là phải phân chia rõ ràng ranh giới, cuối cùng thì chuyện cũng xuôi. Hay như việc làm đường bê tông vào khu đồi gò sản xuất, các nhà đóng góp tiền hết rồi mà riêng có 1 nhà không thực hiện. Ông Thủy đến nhà trao đổi, nói lý lẽ: "Nếu không góp tiền theo quy định, khi gia đình muốn chở gỗ thì không được đi bằng ô tô, xe máy mà phải vác bộ qua đoạn đường đấy”. Sau đó, gia đình đã góp tiền đầy đủ. 

Rồi việc làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn thôn, khó khăn nhất ở chỗ giải phóng mặt bằng không có kinh phí đền bù. Cùng Chi bộ, cùng thôn tuyên truyền, vận động, ông chỉ nói đơn giản rằng: "Làm đường đâu chỉ có mỗi mình đi, mọi người hãy nghĩ đến con cháu mình, anh em mình, bạn bè mình từ nơi xa đến chơi nữa. Mà sau này con cháu mình còn mua xe ô tô để đi, nếu ai cũng giữ đất thì lấy đâu có đường?”. 

Làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới, mỗi người dân Khe Loóng đã chung sức đóng góp để có những trục đường thôn, xóm, ngõ sạch đẹp như hôm nay. Bao nhiêu lần làm chủ hôn, làm thầy múa, thầy tạo, cúng thay tên, làm nhà mới, cúng tổ… là bấy nhiêu lần ông Thủy kết hợp tuyên truyền, giải thích cho dân làng biết, hiểu rõ về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của cấp trên cũng như tự giác thực hiện, làm theo. 

Những quyển sổ ghi chép được ông Thủy cất cẩn thận, ghi chép rõ ràng, đánh số thứ tự, theo từng nội dung công việc mà ông đã đi làm, đi giúp các hộ gia đình suốt những năm qua. Con số lên đến hàng trăm lần cũng phần nào cho thấy nỗ lực của ông Thủy vừa giúp việc tâm linh, phong tục cho dân thôn vừa chung sức đưa Khe Loóng ngày càng phát triển theo hướng tiến bộ, văn minh, mạnh giàu, giữ gìn và dạy bảo lớp trẻ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Dao quần trắng.

Khe Loóng như một bức tranh nhiều màu sắc rực rỡ với màu xanh của quế, màu sơn tươi sáng của những ngôi nhà khang trang, màu bê tông của những con đường tỏa đi mọi ngả… Anh Lý Văn Hải - Phó Chủ tịch HĐND xã, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Đồng vui mừng chia sẻ thêm, cuối năm 2021, Khe Loóng đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Là thôn thứ 3 trong xã nhưng Khe Loóng lại là thôn đầu tiên trong 3 thôn có 100% đồng bào dân tộc sinh sống của xã đạt được chuẩn này. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 43 triệu đồng năm 2021 so với mức trên 45 triệu đồng của xã Tân Đồng. Khe Loóng giờ chỉ còn 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo so với tổng số 114 hộ của cả thôn. Nói gì thì nói cũng phải nhìn vào những con số cụ thể như vậy để thấy, để biết tinh thần vượt khó vươn lên của Khe Loóng bao năm qua. 

Chị Nguyễn Thị Vui, người thôn Phúc Lương làm dâu Khe Loóng hơn chục năm nay, bộc bạch: "Thay đổi nhiều lắm rồi, tất cả mọi thứ, kể từ ngày tôi về làm dâu thôn này. Cái hay nhất của người Khe Loóng là nếu thấy cán bộ xã, chi bộ, thôn, người có uy tín tuyên truyền, vận động việc hay, việc tốt thì mọi người cứ thế theo nhau làm thôi”. 

Chả thế mà như anh Lý Văn Hải bảo: "Ông Thủy bất kể việc gì cũng gương mẫu làm trước, rồi sau đó tham gia tuyên truyền, giải thích, vận động người dân làm theo. Từ họp thôn, tâm sự, chia sẻ với từng hộ, từng người…, ông đều tận tình, trách nhiệm, vì việc chung của thôn, của xã. Đặc biệt, ở vùng chúng tôi đây đòi hỏi là người có uy tín trong cộng đồng phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc thì người dân mới tin, mới nghe, nghĩa là phải toàn diện trong cuộc sống”. 

Chia sẻ này quả thật phù hợp với con người ông Thủy, gia đình ông Thủy. Bản thân ông Thủy cũng luôn tâm niệm như thế này: "Trước hết, mình phải gương mẫu đã rồi phải giáo dục con cháu trong nhà làm theo, làm tốt. Được vậy thì mình mới ra ngoài tự tin nói được với dân làng, mới dễ nói chứ. Như kiểu là phải quét nhà trước rồi mới quét ra sân, ra cổng, ra ngõ, ra đường ấy mà, nếu không cứ thấy làm sao, không dám nói mạnh với mọi người được đâu”. 

Đơn giản suy nghĩ sao làm vậy, ông Thủy đã nuôi dạy các con, các cháu nên người cùng với làm tốt trách nhiệm của một người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Nói như làm, làm như nói, ông Thủy luôn gương mẫu từ chính mình, từ dạy bảo con cháu mình. Ông Thủy vẫn hàng giờ, hàng ngày học tập kiến thức của người xưa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Mong muốn của ông là con cháu mình, thế hệ trẻ ngày càng có nhiều người học tập để tiếp nối truyền thống văn hóa, đưa truyền thống ấy mãi sáng đẹp trong cuộc sống mỗi gia đình dân tộc Dao quần trắng Khe Loóng.
Nguyễn Thơm

Tags người uy tín dân tộc thiểu số dân tộc Dao quần trắng

Các tin khác
Trung tá Giàng A Ly hướng dẫn người dân cách thâm canh cây lúa.

Trung tá Giàng A Ly - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Mù Cang Chải thường xuyên gần dân, bám bản, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh được người dân yêu mến coi như người con trong gia đình.

5 chiến sỹ công an nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.

Khoảng 11 giờ ngày 7/9, sau khi kết thúc buổi huấn luyện chuẩn bị diễn tập khu vực phòng thủ tại thôn Yên Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên, nhóm các chiến sỹ công an di chuyển về doanh trại để nghỉ thì bất ngờ gặp một phụ nữ bị tai nạn giao thông, do đang di chuyển bằng xe mô tô trên tỉnh lộ 166, đoạn qua xã Yên Hợp thì bất ngờ ngất xỉu, ngã lăn ra đường.

Anh Đỗ Dựng (bên phải) giới thiệu với lãnh đạo Hội Nông dân xã Hồng Ca mô hình phát triển kinh tế của gia đình.

Cần cù, chịu đựng khó khăn để từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc, nghị lực của mình, gia đình anh Đỗ Dựng ở thôn Liên Hợp, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên là một trong điển hình làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp.

Trung tá Đinh Thị Thu Hương - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Trấn Yên giúp đỡ em Phạm Thị Kiều Vân trong học tập.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp trong các cấp Hội phụ nữ Công an tỉnh. Các cán bộ, chiến sĩ đã cùng nhau chung tay chăm sóc, giúp đỡ, góp phần xoa dịu những nỗi đau về tinh thần, cũng như chia sẻ những khó khăn về vật chất mà các em đang hàng ngày phải đối mặt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục