Chi bộ thôn Chống Tầu có 14 đảng viên. Là thôn vùng cao, với 100% dân số là đồng bào Mông sinh sống nên đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn. Điều đó, khiến anh Giàng A Lù luôn trăn trở phải làm gì để bà con mình có cuộc sống khấm khá hơn.
Từ mối trăn trở đó, với vai trò là người đứng đầu Chi bộ, anh luôn bám sát vào các chỉ thị, nghị quyết, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy xã Làng Nhì để cùng Ban Chi ủy cụ thể hóa vào điều kiện thực tiễn của thôn cũng như phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân như: nuôi con gì, trồng cây gì để đem lại hiệu quả kinh tế mà lại phù hợp với khả năng của người dân...
Trên cơ sở đó, Chi bộ phân công cụ thể từng đảng viên trong Chi bộ thực hiện giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế. Nhờ cách triển khai nhiệm vụ được bàn bạc dân chủ, hợp tình hợp lý mà đảng viên, người dân rất đồng thuận hưởng ứng.
Đảng viên Giàng A Dê, Chi bộ thôn Chống Tầu phấn khởi cho biết: "Trong tuyên truyền, vận động và triển khai nhiệm vụ chính trị cũng như triển khai các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã, đồng chí Lù luôn được các đảng viên, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đồng tình hưởng ứng. Bản thân đồng chí Bí thư Chi bộ nắm rất vững những tồn tại, hạn chế trong tập quán canh tác nông nghiệp của người dân địa phương để khắc phục; đồng thời, cũng rất tích cực ứng dụng cái mới vào phát triển kinh tế, nên khi đồng chí tuyên truyền, vận động luôn được người dân nhiệt tình làm theo”.
Cụ thể, thôn Chống Tầu, xã Làng Nhì có 74 hộ thì có tới 65 hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng số hơn 200 con; trong đó, đàn trâu gần 200 con. Cũng như nhiều thôn vùng cao khác, lâu nay, việc chăn nuôi trâu bò ở Chống Tầu vẫn theo hình thức chăn thả tự do vừa gây mất vệ sinh môi trường, phá hoại hoa mầu vừa ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Nhận thức được điều đó, Bí thư Chi bộ Giàng A Lù gương mẫu làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi nên toàn bộ đàn trâu, bò 20 con của anh đều chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả và sinh trưởng, phát triển tốt.
Sau khi thực hiện thành công tại gia đình, anh Lù đã tích cực tuyên truyền, vận động đảng viên và người dân trong thôn cùng thực hiện.
Thấy Bí thư Chi bộ chăn nuôi theo phương thức này hiệu quả lại chủ động được thời gian để làm các công việc khác, nhiều hộ trong thôn tự nguyện làm theo. Đến nay, hầu hết đàn gia súc của thôn Chống Tầu đều có chuồng trại nuôi nhốt và từ tháng 5/2020 tất cả các hộ chăn nuôi trong thôn đã thực hiện chăn nuôi theo hình thức chăn nuôi có kiểm soát và chấm dứt tình trạng thả rông gia súc từ bao đời nay.
Ông Giàng Say ở thôn Chống Tầu bày tỏ: "Thấy Bí thư Lù trồng cỏ, nuôi gia súc theo hướng bán chăn thả rất hiệu quả nên tôi và bà con trong thôn chủ động làm theo và đúng là rất hiệu quả. Chẳng hạn, con trâu của nhà tôi nếu thả rông như trước đây phải 5 - 6 năm mới trưởng thành, nhưng giờ nuôi nhốt chỉ mất hơn 3 năm là đã trổ mã như con trâu chọi”.
Không chỉ mạnh dạn đổi mới nếp nghĩ, cách làm, Giàng A Lù còn luôn là người gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động phát triển kinh tế. Từ việc trồng lúa, ngô, chăn nuôi gia súc anh đều mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Hai năm trở lại đây, dù không được tỉnh hỗ trợ lúa giống và ngô giống nhưng anh đã chủ động tìm mua những giống lúa giống ngô năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy. Nhờ vậy, sản lượng lương thực của nhà anh lúc nào cũng cao nhất thôn và trở thành minh chứng sinh động cho việc nêu gương của đảng viên ở Chống Tầu để người dân noi theo.
Bí thư Giàng A Lù chia sẻ: "Anh em, bạn bè và bà con trong thôn thấy mình làm có hiệu quả thực tế đã đến học hỏi rất nhiều. Bản thân mình luôn rất sẵn sàng hướng dẫn chia sẻ; thậm chí, đến làm giúp vì mình không muốn ai phải đói, phải khổ”.
Thôn Chống Tầu hiện vẫn còn tới hơn 80% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Cảm thông, chia sẻ với những nhọc nhằn của bà con, nhất là những đối tượng yếu thế, anh Lù đã giúp đỡ rất nhiều người; trong đó, có bà Hờ Thị Dinh.
Bà Dinh là hộ đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi con, không có nhà để ở, anh Lù đã làm cho bà một căn nhà nhỏ để mẹ con bà sinh sống và cho bà 6 thửa ruộng, 1 con trâu, 1 con dê giống để bà làm vốn.
Hàng ngày, bà Dinh hỗ trợ vợ chồng anh Lù chăm sóc đàn trâu, bò, còn anh chu cấp toàn bộ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu để bà Dinh nuôi 2 con ăn học. Bà Dinh bày tỏ: "Cháu Lù là người tốt. Tôi may mắn được cháu giúp đỡ rất nhiều, kể cả lúc tôi ốm đau, bệnh tật. Tôi biết ơn cháu Lù nhiều lắm!”.
Từ những đóng góp tích cực của Bí thư Chi bộ Giàng A Lù cùng sự đầu tư của Nhà nước về điện, đường, trường học, bộ mặt nông thôn ở Chống Tầu đã thực sự đổi thay rõ nét. Đời sống của người dân từng bước cải thiện, nhất là không còn hộ đói và điều quan trọng hơn cả là sự thay đổi tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Đặc biệt, bà con dần đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà còn biết chăm lo cho lợi ích tập thể như việc hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn công để mở đường, tạo nên những con đường kiên cố ở Làng Nhì; xây dựng nhà văn hóa thôn và các công trình công cộng khác...
Vinh dự hơn cả là, xã Làng Nhì đã chọn thôn Chống Tầu để làm điểm xây dựng thôn nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025. Đồng chí Hà Sông Thao - Bí thư Đảng ủy xã tự hào: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Làng Nhì đánh giá rất cao sự đóng góp của đồng chí Giàng A Lù. Đồng chí rất năng động trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cá nhân đồng chí Lù đã chủ động xây dựng các kế hoạch; đồng thời, chỉ đạo các đồng chí đảng viên và vận động nhân dân thực hiện hoàn thành tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 đề ra. Nhờ đó, thôn Chống Tầu đang trên đà phát triển mạnh cả về kinh tế và văn hóa, xã hội.
Còn với Bí thư Chi bộ Giàng A Lù, 29 năm tuổi đời, 9 năm tuổi đảng, 4 nhiệm kỳ liên tục làm bí thư chi bộ, anh được bà con yêu quý ví như người mang hạnh phúc đến với thôn Chống Tầu. Mong rằng, ở vùng cao Trạm Tấu ngày càng có nhiều hơn những tấm gương như thế.
Thu Hằng - Lộc Chầm (Trung tâm TT&VH Trạm Tấu)