Từ vận động học sinh ra lớp...
Cuối thu đầu đông, tôi có dịp rong ruổi về miền đất Ngọc Lục Yên để gặp, để được nghe chuyện đời, chuyện nghề của Thảo. Sinh 1978 ở vùng quê nghèo xã Yên Thắng, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ, năm 1998, Đoàn Thị Thảo được phân công về dạy học tại xã Tô Mậu cho đến nay. Mới ra trường, Thảo ấp ủ nhiều dự định.
"Vào nghề với sự háo hức của một cô giáo trẻ, tôi mong muốn được mang những kiến thức có được để dìu dắt các em. Nhưng đâu có dễ, bởi bất đồng ngôn ngữ (100% số học sinh là người dân tộc thiểu số), cộng thêm sự tự ti, nhút nhát nên việc tìm hiểu và gần gũi các em gặp rất nhiều khó khăn. Phụ huynh không mấy quan tâm tới việc học của con em mình và chuyện học sinh nghỉ học giữa chừng là rất bình thường"… - cô giáo Thảo nhớ lại.
Cảm xúc về những ngày đầu tiên đầy khó khăn ấy khiến Thảo nghèn nghẹn: "… Hôm ấy, đến giờ ra chơi, nhiều học sinh bỏ học về nhà, tôi nói thế nào các em cũng không nghe. Có phụ huynh còn bảo: "Nó đói thì nó đòi cơm, chứ không đòi cái chữ của cô giáo đâu”. Nghe mà đau lòng quá, anh ạ!".
Xuất thân từ vùng quê nghèo khó, sự học chưa được quan tâm đúng mức, trong suy nghĩ của cô giáo Thảo, "đói nghèo một phần là do thất học”, bởi vậy Thảo lặn lội đến từng nhà học sinh. Một lần, hai lần, rồi ba lần để thuyết phục, vận động phụ huynh cho con em ra trường học lấy cái chữ. Đến nhiều lần quá, có phụ huynh còn bảo: "Thôi, cho con đi học hộ cô một buổi để cô giáo còn có học sinh mà dạy, nếu không cô làm gì có lương…”. "Không trách phụ huynh được bởi cũng là vì đói nghèo và họ cũng rất thương mình" - cô giáo Thảo bộc bạch.
Không nản lòng, cùng với việc giảng dạy, cô giáo Đoàn Thị Thảo chủ động tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường và UBND xã thành lập Ban vận động, đề xuất cử cán bộ phụ trách các thôn để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, nhất là sau dịp tết Nguyên đán hàng năm. Mặt khác, dành nhiều thời gian tìm hiểu, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của từng học sinh.
Cá nhân Thảo, tối tối tranh thủ học tiếng Dao, rồi "đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động, phân tích về lợi ích của việc đưa con em đến trường. Như "mưa dầm thấm lâu”, phụ huynh học sinh trên địa bàn xã Tô Mậu hiểu ra có giá trị to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo nên đã chung sức, đồng lòng với sự nghiệp giáo dục. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh chuyên cần và chất lượng giáo dục của nhà trường năm sau cao hơn năm trước.
... đến "mẹ đỡ đầu” của nhiều học sinh
Người dân khu vực cầu Tô Mậu vẫn thường xuyên truyền tai nhau về lòng nhân hậu, bao dung của cô giáo Thảo. Được biết, từ năm 2010 đến nay, cô giáo Thảo đã là "mẹ đỡ đầu” của nhiều học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có em Chu Văn Minh, người dân tộc Dao ở thôn Trung Tâm được cô nhận đỡ đầu hơn 6 năm nay.
Nói về chuyện này, cô giáo Đoàn Thị Thảo trầm tư: "Hơn 23 năm dạy học, tôi thuộc từng nhà học sinh, thấy nhiều mảnh đời bất hạnh. Ngoài dạy học, tôi cũng là một người mẹ, khi tận mắt chứng kiến học sinh của mình còn gian nan vất vả, tình thương trong tôi trỗi dậy. Tôi tự nhủ với lòng mình, mỗi năm nhận và đỡ đầu 1 - 2 học sinh. Đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôi hỗ trợ toàn bộ sách vở, bút mực, quần áo, gạo, thức ăn, tiền học phí; thứ nữa là dạy cho các con nhân cách sống, cách làm người, nghị lực vượt qua mọi khó khăn khi gặp phải… Chồng tôi làm nghề lái xe tải, mặc dù cuộc sống của chúng tôi cũng chưa khá giả lắm, nhưng cả gia đình đều có điểm chung là sẵn sàng chia sẻ với người yếu thế trong xã hội…”.
Với em Chu Văn Minh và nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác, giờ đây cô giáo Thảo không chỉ là một cô giáo đáng kính mà còn là người mẹ thứ hai với tình thương yêu vô bờ bến. Chu Văn Minh tâm sự: "Gia đình em nghèo lắm. Mẹ bỏ hai bố con đi từ lúc em mới lên 2 tuổi. Vì hoàn cảnh khốn khó, bố nhiều lần bắt em nghỉ học. May có mẹ Thảo nhận em làm con nuôi nên em mới tiếp tục được đến trường. Gia đình mẹ chăm lo cho em như con ruột”.
Cảm kích trước tấm lòng của cô giáo Thảo, giờ đây bố của Chu Văn Minh đã bỏ rượu, tu chí làm ăn trở thành người có ích cho xã hội. Chia sẻ, đồng cảm với những hoàn cảnh éo le, nhất là những học sinh khó khăn, cô giáo Đoàn Thị Thảo còn là "cầu nối”, kêu gọi được nhiều đoàn từ thiện nhân đạo, các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Kim Ba - Bí thư Đảng ủy xã Tô Mậu cho biết: "Nhờ cô giáo Thảo mà hàng chục học sinh nghèo trên địa bàn xã được nhận quỹ học bỗng mỗi năm 2 triệu đồng/học sinh; nhiều xe đạp, cặp sách, bút, vở, gạo… được trao tặng đến tay học sinh nghèo, học sinh vượt khó học giỏi. Đặc biệt, cô giáo Thảo chủ nhiệm 2 lớp xóa mù chữ cho 80 học viên tham gia học vào các buổi tối và hoàn thành chương trình phổ cập xóa mù tại thôn, bản, góp phần cùng địa phương xây dựng tiêu chí nông thôn mới”.
Tự nguyện xin miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng
Cô giáo Đoàn Thị Thảo là một trong số 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu toàn quốc được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.
44 tuổi đời, 23 năm công tác, cô giáo Đoàn Thị Thảo có 7 năm giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Tô Mậu và 6 năm giữ chức vụ Hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Tô Mậu. Vinh dự, tự hào và với cô giáo Thảo, đó còn là một tinh thần trách nhiệm chứa đựng sự hy sinh và bao dung: cô đã tự nguyện viết đơn xin miễn nhiệm chức vụ Hiệu trưởng khi Đề án sáp nhập quy mô trường lớp các trường trên địa bàn huyện Lục Yên được triển khai thực hiện, dù hàng năm cô luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Cô Thảo bộc bạch: "Năm học 2015 - 2016, khi thực hiện Đề án sáp nhập quy mô trường lớp, các trường trên địa bàn huyện, số lượng cán bộ quản lý dôi dư rất nhiều. Trước khó khăn của ngành, với tinh thần tự nguyện chia sẻ với ngành, tôi viết đơn tự nguyện xin miễn nhiệm chức vụ để có nhiều thời gian hơn trong dạy học”.
Nhiều đồng nghiệp nhắn tin, gọi điện can ngăn; lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không đồng ý với đơn tự nguyện của Thảo, sau 3 lần làm đơn xin miễn nhiệm, cuối cùng huyện Lục Yên cũng phải đồng ý theo nguyện vọng của Thảo. Chia sẻ việc mình làm, cô giáo Thảo cười hiền: Trong cuộc sống cũng phải biết hy sinh vì cái chung, không đặt nặng cái tôi cá nhân, bởi cho đi là để nhận lại hạnh phúc của riêng mình”.
Đồng chí Nông Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: "Cô giáo Thảo là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là trường hợp rất đặc biệt, sẵn sàng hy sinh cái riêng vì cái chung, có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục - đào tạo của huyện và tỉnh”.
Thành công trong vận động học sinh ra lớp, sống có trách nhiệm với cộng đồng, nhất là học sinh nghèo, người yếu thế trong xã hội và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với ngành, Đoàn Thị Thảo còn là một giáo viên năng động, nhiệt huyết và sáng tạo trong dạy học nên hàng năm, lớp học do cô chủ nhiệm đều có tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt và xuất sắc đạt trên 51,5%; nhiều năm liền có học sinh đạt giải Nhất, Nhì tại các cuộc thi cấp huyện.
Cá nhân cô giáo Thảo nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi các cấp, được UBND huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng giấy khen, bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy. Đặc biệt, dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Đoàn Thị Thảo vinh dự là một trong số 400 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu toàn quốc được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Chia tay cô giáo Đoàn Thị Thảo khi tiếng trống tan trường đã điểm. Lắng đọng trong tôi những năng lượng tích cực, quan niệm sống lạc quan, nhân ái và cả sự sẻ chia bao dung của một nhà giáo tận tụy, nhiệt huyết, thầm lặng nâng bước cho bao thế hệ học trò trưởng thành…
Văn Tuấn