Trường THCS Nguyễn Du (thành phố Yên Bái) luôn có những giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần được học trò chờ đợi bởi những điều thú vị, câu chuyện ý nghĩa từ cô Hoàng Thị Loan - Hiệu trưởng nhà trường mang lại. Đó có thể là những khơi mở về khái niệm người thầy như trong dịp 20/11.
"Người thầy không chỉ thuần túy là thầy cô trên bục giảng. Những ai cho mình được kinh nghiệm, được bài học nào đó thì cũng chính là người thầy của mình” - lời cô nhắn nhủ mở ra những tư duy mới về người thầy, về việc học cho các em.
Rất nhiều những giờ sinh hoạt dưới cờ như thế đã cho các em học sinh thêm nhiều bài học ý nghĩa. Còn ở cuối mỗi lớp học, chiếc "Bảng cảm xúc” là nơi mà các cô, cậu học trò được bày tỏ mọi cảm xúc của mình, để rồi được thầy cô nắm bắt, đồng hành, tháo gỡ. Nếu muốn trực tiếp được hỗ trợ tâm lý, có bạn tìm đến "Ban tư vấn tâm lý” của nhà trường do cô Hiệu trưởng trực tiếp làm trưởng ban - nơi thầy cô sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu các em.
Yêu thương, an toàn và tôn trọng là những điều mà cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Loan luôn muốn tạo dựng dưới mái trường. Đó vừa là mục đích vừa là động lực cho những phương thức giáo dục tích cực, nhân văn, những đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã có trong nhà trường; cho những tri thức ngoài sách vở mà cô Hiệu trưởng nhiệt tâm truyền tải tới học trò, cho những tình thầy trò thật chân thành, ấm áp đã được gây dựng.
Có những "khoảng cách” quá trọng thị thường thấy giữa học trò với thầy cô ban giám hiệu nơi trường học đã được xóa nhòa dưới mái trường Nguyễn Du bằng nụ cười chào đón của cô Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhà trường dành cho các em ngay từ cổng trường mỗi sáng; bằng những giờ phút cô trò hòa đồng trong những hoạt động trải nghiệm, văn hóa, thể thao…
Những thân thiện, gần gũi chân tình của cô Hiệu trưởng đã "chạm” đến tâm hồn học trò. Có những em bảo rằng rất muốn gọi cô là mẹ. Ấy là niềm hạnh phúc được đáp đền xứng đáng bởi những "yêu thương, an toàn và tôn trọng” mà cô Hoàng Thị Loan đã mang lại cho học trò dưới mái trường.
Bản Ao Luông, xã Sơn A (thị xã Nghĩa Lộ) - nơi có con đường hoa của bản được chăm sóc xanh tốt bởi người phụ nữ trẻ Nguyễn Lệ Thùy cùng các em nhỏ trong bản. Từ buổi đầu thôn bản trồng tuyến đường hoa 2 năm trước, thấy bà con bận công việc đồng áng khó chăm sóc hoa được thường xuyên, chị Thùy tự nguyện bỏ công sức và huy động các em thiếu nhi trong bản cùng chăm sóc đường hoa.
Mỗi chiều, sau giờ tan làm, tan học, chị Thùy cùng các bạn nhỏ khi tưới nước, khi dọn cỏ đường hoa. Vừa làm, chị vừa nói cho các bạn nhỏ hiểu hơn về ý nghĩa của việc mình đang làm. "Mình muốn góp một chút sức nhỏ bé làm đẹp bản làng và cũng muốn giáo dục ý thức cho các em thiếu nhi biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Những buổi lao động, mình đều chấm công cho các bạn nhỏ và đề nghị thôn bản tuyên dương, khen thưởng vào các dịp tết Thiếu nhi hay Trung thu của bản” - chị Thùy chia sẻ.
Với ý thức vì cộng đồng đó, đến giờ, chị Thùy được thôn bản giao làm nhóm trưởng cùng một số chị em đảm nhiệm việc chăm sóc tuyến đường hoa hàng tháng. Thế nhưng, chị Thùy vẫn cùng các em nhỏ chăm sóc hoa hàng tuần bởi chị muốn làm gương và vun đắp ý thức tốt đẹp cho các bạn nhỏ nơi đây, từ những việc làm nhỏ bé.
Du khách ghi lại những khoảnh khắc bên Homestay Dò Gừ của vợ chồng Giàng Thị Gừ.
Xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), homestay Dò Gừ của vợ chồng cô gái Mông Giàng Thị Gừ là cơ nghiệp đáng mơ ước với nhiều người bản địa. 28 tuổi làm chủ một homestay có "thương hiệu” trên địa bàn huyện cũng là bởi cô gái người Mông ấy thật nhiều tư duy và hành động khác với thường lệ của phụ nữ Mông vùng cao.
Cũng lấy chồng khi vừa học xong trung học phổ thông nhưng Giàng Thị Gừ lại quyết tâm đi học tiếp đại học. Rồi ngay sau tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ, Gừ táo bạo cùng chồng đầu tư làm homestay đầu tiên ở La Pán Tẩn.
Năm đó là 2016, Gừ chỉ mới 24 tuổi, không vốn, không kinh nghiệm làm du lịch, kinh doanh mà chỉ có một suy nghĩ là muốn khởi nghiệp, vươn lên. Ban đầu ấy, vợ chồng Gừ đầu tư làm một nhà sàn với không gian sinh hoạt cộng đồng. Năm sau, homestay có thêm 1 nhà sàn nữa với 11 phòng riêng. Năm 2022 này, homestay vừa đưa vào sử dụng thêm 1 nhà xây 2 tầng hiện đại.
Đến giờ, homestay cho doanh thu chừng 700 triệu đồng/năm. Mùa du lịch lúc nào cũng kín khách. Gừ trực tiếp đảm nhận khâu tiếp đón khách, ẩm thực và hỗ trợ đắc lực cùng chồng khâu marketing. "Không biết ở đâu thì học ở đó” - nghĩ thế suốt bước đường khởi nghiệp nên Gừ từng về tận Hà Nội học tiếng Anh nhiều tháng liền, rồi sau mày mò tự học. Đến giờ, Gừ tự tin giao tiếp với khách.
Gừ cùng chồng cũng tự tìm hiểu để quảng bá về homestay trên các trang thương mại điện tử du lịch, sớm tận dụng các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok để thu hút du khách và ứng dụng công nghệ trong quản lý homestay. Gừ còn chủ động lấy đánh giá của khách để dần hoàn thiện từng khâu nhỏ của homestay.
La Pán Tẩn giờ đã có rất nhiều homestay lớn, nhỏ nhưng "Dò Gừ” vẫn là địa chỉ homestay được tìm đến nhiều ở đây. Sáng tạo, hội nhập để mạnh mẽ khởi nghiệp, cô gái Mông trẻ tuổi này vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng nữa để đưa homestay của mình cùng bản sắc Mù Cang Chải vươn xa.
Phụ nữ thời đại mới - ấy là những người phụ nữ có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Họ đã và đang dệt thêu nên những sắc màu tươi đẹp cho gia đình, quê hương, đất nước.
Thu Hạnh