- Thưa PGS.TS Hoàng Văn Hùng, năm 2022, ông đã trở về dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Cảm Nhân, huyện Yên Bình. Ngôi trường ấy đã để lại gì trong ông?
Cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, huyện Yên Bình lúc đó chỉ có duy nhất một trường cấp III, bởi vậy, học sinh ở các xã: Cảm Nhân, Xuân Lai, Tích Cốc, Mỹ Gia, Ngọc Chấn tốt nghiệp cấp II phải về Thác Bà hoặc sang tỉnh Tuyên Quang học. Tháng 7/1972, Trường cấp III số 2 Yên Bình được thành lập, đặt tại trung tâm xã Cảm Nhân với cơ sở vật chất đơn sơ, lại đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân. Tôi được biết, từ mái trường tranh tre, nứa, lá ban đầu ấy, nhiều thế hệ học sinh của nhà trường hiện đang là kĩ sư, bác sĩ, nhà giáo, doanh nhân…, không ít người trở thành cán bộ lãnh đạo trong các ngành, lĩnh vực ở các địa phương.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên (thứ hai từ phải sang) cùng các thế hệ thầy cô giáo về dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành THPT Cảm Nhân.
Là người con của quê hương Yên Bình, tôi được học tập tại Trường THPT Cảm Nhân niên khóa 1990 - 1992. Có thể nói đây là giai đoạn nhiều khó khăn của đất nước, đời sống thầy trò thiếu thốn. Lúc đầu cấp, lớp chúng tôi có tổng số 58 bạn, nhưng vì quá khó khăn nên đến khi thi tốt nghiệp chỉ còn lại 11 bạn.
Thế nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực vì sự nghiệp "trồng người” các thầy cô đã khắc phục mọi khó khăn, thách thức đưa những chuyến đò qua sông, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của chúng tôi. Có thể nói, đó cũng là hành trình vượt lên chính mình, khát vọng chinh phục tri thức của lớp lớp các thế hệ học trò; dù có nhiều gian nan, vất vả nhưng rất đáng tự hào.
"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” - tôi nhận ra rằng, lời thơ của nhà thơ Huy Cận đã phần nào thể hiện được nỗi niềm đối với ngôi trường thân yêu mà tôi từng gắn bó, cảm xúc mỗi khi trở lại hoặc nhớ về trường xưa vẫn còn vẹn nguyên. Dù ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai, trường THPT Cảm Nhân - ngôi trường mang dấu ấn lịch sử vẫn luôn là niềm hãnh diện trong lòng của mỗi học sinh vùng Đông hồ như chúng tôi.
- Thưa ông, sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong giai đoạn phát triển hiện nay có gì phải quan tâm?
Với tầm nhìn chiến lược sắc bén, ngay từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai khóa VIII (tháng 12 năm 1996), Đảng ta đã khẳng định: "Thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Ngày nay, khi khoa học và công nghệ đang phát triển như vũ bão, tri thức đã trở thành thước đo sự phát triển và dự báo tương lai cho mỗi quốc gia.
Có thể khẳng định, không có sự đầu tư nào mang lại nhiều lợi ích như đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bởi đây là lĩnh vực, nền tảng góp phần hình thành, tạo nên nhân cách chuẩn mực cho mỗi công dân, tạo ra những lao động có trình độ, năng lực, sáng tạo, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Do đó, giáo dục và đào tạo không nên dừng lại ở việc trao truyền kiến thức mà giáo dục phải là môi trường để người học khai phá những tri thức mới, hình thành những thói quen tư duy độc lập, sáng tạo. Đồng thời, giúp người học phát triển toàn diện các phẩm chất, kỹ năng phù hợp với chuẩn mực của xã hội và bối cảnh của thời đại.
- Bắt đầu công việc ở trọng trách mới là Giám đốc Đại học Thái Nguyên, ông dự kiến đặt ra những nhiệm vụ và quyết tâm gì?
Đại học Thái Nguyên là một trong ba đại học vùng của Việt Nam thực hiện theo mô hình đại học hai cấp, được giao trọng trách là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn.
Hiện Đại học Thái Nguyên có 2.454 cán bộ giảng dạy, trong đó có 7 giáo sư, 131 phó giáo sư, 873 tiến sĩ với 148 giảng viên cao cấp, 515 giảng viên chính. Đội ngũ cán bộ khoa học có mặt ở tất cả các lĩnh vực. Bởi vậy, Đại học Thái Nguyên có tiềm lực không nhỏ về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Đại học Thái Nguyên đang đào tạo gần 300 ngành học ở các trình độ, trong đó 177 ngành trình độ đại học, cao đẳng, 64 ngành trình độ thạc sĩ, 32 ngành trình độ tiến sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa, 9 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ các nước Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Hà Lan; gần 20 chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn AUN-QA.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên ký kết hợp tác với Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc.
Trong thời gian tới, tôi cùng tập thể lãnh đạo và các thế hệ giảng viên sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược, phát triển các trường đại học thành viên, xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành đại học trọng điểm, thực hiện tốt chức năng, chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và đất nước. Đồng thời, lấy nghiên cứu khoa học làm trọng tâm, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, góp phần tạo ra tri thức mới, công nghệ mới, sản phẩm mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của con người và xã hội tương lai.
- Trước thềm xuân mới, ông có điều gì muốn nhắn nhủ và gửi gắm đến thế hệ trẻ?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, tin tưởng và đánh giá cao vai trò thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Người từng viết: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân / Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ / Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong cuộc đời của mỗi con người, thanh xuân là quãng thời gian tươi đẹp nhất, tràn đầy những ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến và trưởng thành. Nếu được giáo dục, định hướng tốt, thế hệ thanh niên sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của xã hội.
Có thể nói, tuổi trẻ chính là khoảng thời gian phù hợp nhất để phát triển tài năng của bản thân, không quá sớm cũng không quá muộn. Đây chính là thời điểm vàng bởi các bạn đã có đủ sức khỏe, kiến thức và tầm nhìn, có khả năng biến ước mơ đó thành hiện thực.
Mong rằng các bạn trẻ - những chủ tương lai của đất nước hãy ra sức rèn đức, luyện tài, nỗ lực phấn đấu học tập, tu dưỡng đạo đức, tiên phong trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Đồng thời, cần chuẩn bị hành trang đầy đủ, tâm thế vững vàng để trở thành những công dân toàn cầu, mang thương hiệu của quốc gia khẳng định trên trường quốc tế. Để từ đó, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
- Trân trọng cảm ơn ông! Chúc ông năm mới sức khỏe và thêm nhiều thành công mới!
Quang Tuấn (thực hiện)