Triệu Phú Cam
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm 1986-1987, mảnh đất đồi quanh nhà anh Nguyễn Chí Thông ở đội 8, thị trấn Nông trường Trần Phú, Văn Chấn (Yên Bái) không bạt ngàn cam như bây giờ, bởi đấy là những ngày đầu tiên anh bắt đầu vỡ đất rừng làm kinh tế, nhưng chưa biết cây trồng nào thực sự phù hợp với đất này. Qua một vài năm trồng nhiều loại cây, anh nhận thấy cây cam mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hơn những cây trồng khác. Từ đó, anh mạnh dạn đầu tư và chí thú với cây cam.
|
Để mở rộng vườn cam anh bắt tay vào công cuộc cải tạo đất đồi hoang cằn cỗi, tập trung cho loại cây ăn quả này. Từng nhát cuốc bổ xuống mảnh đất đồi khô khốc, cằn cọc. Phát cỏ ranh, cây dại, hì hụi đào từng hố đất. Chỉ có cuốc với xẻng cùng đôi bàn tay lao động, những mảnh đồi hoang dại hôm nào được khoanh vùng lại thành đồi trồng cam.
Kiên trì, anh đã tự mày mò từ trong sách báo những kiến thức liên quan đến cây cam. Rồi tự đi thực tế đến một vài địa phương thành công với cây cam ở một số tỉnh phía Bắc, về tận trường Đại học Nông nghiệp I để mua giống. Ban đầu, anh trồng thử nghiệm tất cả các loại cam anh được biết: cam sành, cam chanh, cam sen... Qua một vài lần thu hoạch, chất lượng và giá trị kinh tế từng loại được bộc lộ, anh loại bỏ dần những giống cam không phù hợp với đất hoặc không mang lại giá trị cao. Rồi lại tìm tòi thêm những giống mới có giá trị kinh tế. Có sản phẩm rồi, để tiêu thụ sản phẩm lại là cả vấn đề. Cùng với thị trường nội tỉnh, hai vợ chồng anh phải tự mang sản phẩm theo ô tô đi bán ở tận Việt Trì, Hà Nội. Theo thời gian, lợi nhuận từ cây cam đem lại ngày một cao. Anh Thông lại càng chăm chú hơn cho cây cam của mình. Anh đánh luống, làm đường rộng để xe máy hoặc xe trâu, xe cải tiến cũng có thể lên tận đồi cam. Việc chăm sóc cây cam và thu hoạch cũng theo đó mà thuận lợi hơn rất nhiều.
Với trên 1ha cam sành, cam sen, cam chanh, cam canh, mỗi năm đồi cam mang lại cho gia đình thu nhập từ một đến hai trăm triệu đồng. Năm nay riêng cam canh đã đưa lại 100 triệu đồng cho gia đình. Đến tết này, anh dự tính sẽ tiêu thụ khoảng gần 30 tấn cam sành. Bây giờ, hỏi gia đình ông "Thông cam" ở Trần Phú thì ai cũng biết. Ngôi nhà xây to đẹp đang dần hoàn thiện là thành quả và công sức của anh chị từ vườn cam với những mùa bội thu. Nhưng không dừng lại ở những gì đã làm được, anh chị vẫn luôn tìm tòi thêm những giống mới để thay thế giống cây đã không còn mang lại giá trị kinh tế cao. Sắp tới, bưởi Diễn sẽ là cây được anh chị lựa chọn trồng thử. Đó là hướng đi phù hợp không những của một triệu phú cam mà còn là của một triệu phú bưởi trong tương lai.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Nhiều năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phố Phúc Sơn, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái luôn được đảm bảo ổn định và giữ vững. Chi bộ phố Phúc Sơn với 44 đảng viên liên tục nhiều năm đạt danh hiệu: "Chi bộ trong sạch vững mạnh". Đạt được những thành tích đó, có một phần đóng góp không nhỏ của bác Trần Huy Toàn, Bí thư Chi bộ phố.
YBĐT - Đó là bác Trịnh Minh Tự - phường Yên Thịnh - thành phố Yên Bái. Sinh ra ở Phố Hiến (Hưng Yên), năm 1963 tốt nghiệp trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Trung ương (nay là Trường Đại học Nông Nghiệp I Hà Nội), bác Tự được điều về Công ty ong Trung ương. Đến năm 1969 được lãnh đạo tăng cường lên xây dựng Trại ong Lào Cai, năm 1979 bác cùng cơ quan chuyển về Yên Bái.
YBĐT - Đứng trước ngôi nhà mới xây rộng gần 200m2 giá trị trên 200 triệu đồng, tất cả là từ đồi rừng mà ra, từ tiền bán quế mà có chúng tôi không khỏi khâm phục. Đúng là làm giàu từ rừng, đi lên từ đồng đất quê hương điều đó đã được không ít các hộ gia đình thực hiện thành công. Gia đình anh Dương Đức Văn, chị Dương Thị Thuận người dân tộc Dao ở thôn An Hoà xã Y Can huyện Trấn Yên (Yên Bái) là một trong những điển hình đó.
YBĐT - Chúng tôi được bác Phạm Xuân Khánh - Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Lai (Yên Bình) giới thiệu đến thăm mô hình kinh tế VACR của gia đình bác Trần Văn Tình ở thôn Cây Luồng.