“Ông bí thư” say mê giữ gìn di sản văn hóa dân tộc Khơ Mú - Kỳ 1: Vào Đảng để phục vụ nhân dân được nhiều hơn

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/7/2023 | 4:50:38 PM

YênBái - Cựu chiến binh, nghệ nhân Vì Văn Sang thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái người có 79 năm tuổi đời, 54 năm tuổi đảng hiện là một già làng uy tín ngày ngày vẫn góp phần mình giúp Đảng ủy, chính quyền địa phương vận động người dân hiện thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Ông đã thiết thực học tập gương Bác Hồ thông qua hoạt động bảo tồn văn hóa của dân tộc Khơ Mú trên quê hương mình.

Một buổi sinh hoạt của đội văn nghệ dân tộc Khơ Mú Nghĩa Sơn.
Một buổi sinh hoạt của đội văn nghệ dân tộc Khơ Mú Nghĩa Sơn.

Nép mình bên ngọn núi Phú Lương hùng vĩ của đại ngàn Hoàng Liên Sơn, thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn là một điểm sáng văn hóa, bảo lưu nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khơ Mú. Đường nông thôn mới rộng mở, chạy xuyên qua những sườn đồi yên ngựa phủ đầy những loại cây ăn quả lâu năm đang là thế mạnh chủ lực trong sản xuất của người dân địa phương.

1/ Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn, Trịnh Xuân Thành không giấu được nhiều cung bậc cảm xúc và tâm tình trong ánh mắt, giọng nói. Anh bùi ngùi kể: "Trước đây, đồng bào Khơ Mú sống du canh, du cư rải rác trên các ngọn núi. Cuộc sống vô cùng đói khổ. Tỉnh, huyện đã có chủ trương giúp đồng bào định canh định cư từ nhiều năm nhưng vướng nhiều "điểm nghẽn” trong tư tưởng, lối sống, tập tục văn hóa của người dân. Sau này, ta xác định lại cách làm, phương pháp thực hiện, việc định canh định cư phải do chính người dân từ thay đổi nhận thức, tự nguyện chấp hành, đó mới là hướng đi bền vững. Trong công cuộc đổi mới tư duy này, nổi lên có sự đóng góp của nghệ nhân Vì Văn Sang, người dân tộc Khơ Mú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn, gom đồng bào Khơ Mú về thôn Nậm Tộc ổn định cuộc sống mới có được khung cảnh của ngày hôm nay”. 

Lời giới thiệu trên đường đi của đồng chí Thành, khiến mỗi thành viên trong đoàn công tác của chúng tôi nảy sinh đồn đoán, tò mò về nhân vật nghe như có nhiều dấu ấn "huyền thoại” giữa núi rừng Nậm Tộc. Song cứ gặng hỏi, đồng chí Thành lại cười lớn, nói: "Cứ gặp bác ấy đi các anh sẽ hiểu hết”.

Nói về cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt giữa đồng bào dân tộc Thái và Khơ Mú có nhiều nét văn hóa tương đồng, tiếng nói, cách ăn mặc, kiến trúc cũng na ná giống nhau, chỗ khác nhau có chăng là lối canh tác. 

Người Thái hay bám lấy các dòng sông, con suối để tăng gia sản xuất, trong khi đó người Khơ Mú vùng Tây Bắc lại chọn lối sống du canh du cư đốt nương làm rẫy. Dân gian thường nói "Người Thái ăn theo nước, người Khơ Mú ăn theo lửa” là ý như thế. Từ tập quán canh tác đã ảnh hưởng tới đời sống tinh thần, nghi lễ và đặc biệt là âm nhạc, hát xướng, dân ca, dân vũ… Và cả hai dân tộc đều có những làn điệu dân ca, dân vũ để lại dấu ấn đặc biệt trong di sản văn hóa Việt Nam.

Từ cách xa nửa ngọn đồi chúng tôi đã nghe thấy âm thanh của các loại đàn trống, đàn môi, ống gõ, ống giỗ… Vi vu trong tiếng gió, tiếng của các loại nhạc cụ ấy nghe như hơi thở của núi rừng, của đại ngàn. 

Rồi tiếng hát như lời tự sự của một lão niên bất chợt vang lên: "Người Khơ Mú Nghĩa Sơn xưa kia/Như chim không tổ, như gà lạc mẹ... Ngày nay ơn Đảng, Nhà nước/Trẻ em mỗi sớm líu lo i tờ/Ốm đau cúng bái xưa rồi/Ngày nay đã có trạm xá thuốc thang uống liền”. 

Có người reo lên: "Ở đây có hội hát tơm (Một loại hình diễn xướng dân ca của đồng bào Khơ Mú)”. Có người đã từng nghe và biết tên bài hát này, song hôm nay được vô tình thưởng thức giữa mênh mông núi rừng chợt thấy lòng xao xuyến đến lạ kỳ.

Chẳng mấy chốc, cả đoàn đã đến trước ngôi nhà sàn, nơi vang điệu hát tơm. Rợp trong ánh nắng, trong khung cảnh yên bình, chúng tôi đã thấy nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn Vì Văn Sang đang trong vai một nghệ nhân diễn xướng, uốn nắn từng nốt nhạc, lời ca cho các thành viên tham gia đội văn nghệ dân tộc Khơ Mú Nghĩa Sơn. Thấy chúng tôi còn đang đứng nhìn chăm chú, ông tươi cười chào đón.

Rồi vừa như giới thiệu, vừa như tâm sự, ông nói: "Đồng bào Khơ Mú Nghĩa Sơn có được cuộc sống ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Bài hát tơm này là tiếng lòng của tôi, cũng là lời nhắc nhở của tôi với các thế hệ đồng bào Khơ Mú ở thôn Nậm Tộc này về công ơn của Đảng, của Bác Hồ cũng là kể chuyện xưa, tích cũ để người dân không còn du canh, du cư nữa”.

2/ Nghệ nhân Vì Văn Sang, sinh ra và lớn lên đã được chứng kiến, được nghe cha ông kể về nỗi đau mất nước, về kiếp đời lầm than, nô lệ, tủi nhục, đói khát của cộng đồng dân tộc Khơ Mú sống trong vòng cương tỏa, hà hiếp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Ông hướng ánh mắt về những ngọn núi cao trùng điệp, nhớ lại từ miền ký ức xa xăm: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Nghĩa Sơn, nhưng gốc cha, ông là người Khơ Mú Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… du canh, du cư đến đây lập nghiệp. 

Trước Cách mạng Tháng Tám, người Khơ Mú ở Yên Bái bị bắt phu phen, tạp dịch cho bọn phìa, tạo, thống lý… 

Những người ở nhà cũng bị đánh sưu, đánh thuế rất nặng khiến không ít gia đình phải bán vợ, bán con rồi đi ở đợ. Cuộc đời cơ cực đấy tưởng sẽ kéo dài vĩnh viễn nếu không có Cách mạng Tháng Tám nổ ra. 

Người Khơ Mú khắp vùng Yên Bái, Sơn La, Điện Biên bảo nhau rằng, Cụ Hồ chính là người làm cách mạng để phá xiềng xích, giải phóng cho dân tộc mình, vậy nên hễ ai là người của cách mạng, người của Cụ Hồ thì chúng ta phải giúp đỡ.

Rồi kháng chiến nổ ra, người Khơ Mú Nghĩa Sơn ở giữa vùng tự do của chiến khu Việt Bắc, lần đầu tiên trong đời Vì Văn Sang được học con chữ. Biết chữ rồi ông lại được giao việc kèm cặp cho những đồng bào chưa biết chữ. 

Qua công việc như một nhà giáo, ông được tiếp xúc với các dân tộc khác ở khắp mọi miền Tổ quốc, được nghe những câu chuyện mà từ đời cha, đời ông chưa hề biết tới. Và tất cả những điều "thần kỳ” đó đều được thuật qua những người của Đảng. Trong tâm tưởng của ông, Đảng là một điều gì đó kỳ vĩ đến thiêng liêng, là "người thầy lớn” dạy dân tri thức; bảo ban, kèm cặp trong mỗi việc làm, để cuộc sống mỗi ngày một no ấm, vươn lên. Và từ đó ông đã quyết tâm phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau nhiều lần viết đơn xung phong đi nhập ngũ, năm 1964 ông đã được chấp thuận. Ông biết rằng đây là cơ hội lớn để mình cống hiến sức trẻ và hơn hết là con đường đúng đắn nhất để vào Đảng.

Sau khi nghỉ hưu, ông Vì Văn Sang giữ trọng trách của một già làng uy tín luôn trách nhiệm hết mình, chung tay chung sức với Đảng ủy, chính quyền góp phần cùng đồng bào các dân tộc xã Nghĩa Sơn thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đem lại đời sống ấm no cho người dân địa phương.

Nghệ nhân Vì Văn Sang kể: "Tôi nhập ngũ và chiến đấu trên các chiến trường trong đội hình Sư đoàn 316, Quân khu 2. Đến năm 1971, vì bệnh tật nên được xuất ngũ. Thời gian sống, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 316, tôi được học rất nhiều kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và biết thêm nhiều kiến thức bổ ích về mọi mặt. Đó cũng là nền tảng để sau này tôi giúp đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi là năm 1969 tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tôi tự hứa với lòng mình, nguyện suốt đời này tận hiến tới hơi thở cuối cùng thực hiện lý tưởng của Đảng”. 

Sau khi xuất ngũ về với quê hương là xã Nghĩa Sơn, đảng viên Vì Văn Sang đã được giao nhiều trọng trách, từ xã đội trưởng cho đến vị trí cao nhất là Bí thư Đảng ủy xã trong suốt 30 năm (từ 1974 đến 2004).

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn, Lường Văn Si mở lời cắt ngang không khí bâng khuâng của chúng tôi khi nghe một câu chuyện hay, giàu cảm xúc. Anh vui vẻ cho biết: "Xã đang có kế hoạch chúc mừng đồng chí Vì Văn Sang tới đây sẽ tròn 55 tuổi đảng, lúc đấy nhất định phải mời các anh về cùng chung vui”.

(Còn nữa)
(Theo NDO)

Các tin khác
Dự án Máy tra hạt rau của em Hoàng Thị Liếng đã xuất sắc lọt vào Top 135 dự án được lựa chọn vào vòng bán kết của Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Máy tra hạt rau của em Hoàng Thị Liếng – sinh viên Lớp Kế toán Doanh nghiệp A-K30, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã xuất sắc vượt qua 446 hồ sơ dự án của thanh niên trên cả nước, lọt vào top 135 dự án được lựa chọn vào vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Chị Nguyễn Mai Hiên nghiên cứu các loại tài liệu, văn bản tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa được Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tuyên dương, khen thưởng, thời gian qua, chị Nguyễn Mai Hiên - cán bộ Ban Phong trào, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh đã có những đóng góp thiết thực, góp phần đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Doanh nhân CCB Nguyễn Văn Lộc (thứ hai, bên phải) trao đổi với cán bộ kỹ thuật trên công trường thi công cầu liên hợp thôn Khe Hùm - Khe Cọ, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình.

Nghỉ hưu sau 35 năm phục vụ trong quân đội, bước chân vào lĩnh vực kinh tế với hành trang mang theo là khát vọng cống hiến, khát khao khẳng định bản lĩnh người lính trên trận tuyến mới, doanh nhân cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng (CPXD) Đại Lộc đã có hơn 20 năm “chèo lái”, đưa CPXD Đại Lộc ngày càng phát triển.

Giám đốc HTX Suối Giàng Lâm Thị Kim Thoa giới thiệu sản phẩm Trà Suối Giàng do HTX chế biến với Đoàn công tác của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.

Ngày 3/7, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký Quyết định về việc trao tặng danh hiệu 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023. Tỉnh Yên Bái có 2 giám đốc hợp tác xã (HTX) tiêu biểu, xuất sắc được vinh dự trao tặng danh hiệu này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục