Làm giàu từ mô hình tổng hợp

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đàn lợn hộc lên khi thấy có người lạ tới gần và anh Hãnh đưa tay khẽ vuốt vuốt chú lợn con đang chống chân lên thành chuồng. Liếc nhìn đồng hồ, anh Hãnh bảo: "Đến giờ chúng đòi ăn rồi đây mà !". Những xô cám được mang tới đổ vào máng xây và đàn lợn đứng thành hàng xốc thật lực nghe đến vui tai. Trông đàn lợn thật thích, con nào con nấy sạch sẽ, láng mượt.

Anh Đặng Văn Hãnh chăm sóc đàn lợn.
(Ảnh: Đào Minh)
Anh Đặng Văn Hãnh chăm sóc đàn lợn. (Ảnh: Đào Minh)

- Buổi tối anh phải ngủ ở đây mà trông coi đàn lợn chứ ? - Chúng tôi hỏi đùa.

 

Anh Hãnh mỉm cười:

 

- Vâng, tối tôi cũng phải ra đây, chỉ vài tháng thôi, lại được vài trăm nghìn một chú xuất chuồng đấy !.

 

Nhưng để có thể thu được vài trăm nghìn từ mỗi con lợn- như cách nói của anh, đó là cả một quá trình tìm kế mưu sinh của anh Hãnh trên con đường lập nghiệp.

 

Sinh năm Kỷ Hợi (1959), năm 1975, chàng trai Đặng Văn Hãnh cùng gia đình rời quê hương Hà Nam lên Yên Bình (Yên Bái) lập nghiệp. Ở cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", chưa giúp được gì nhiều cho bố mẹ, anh Hãnh đã lên đường nhập ngũ, đóng quân tận Bắc Hà- Lào Cai. 5 năm trong quân ngũ, cũng là điều kiện để anh tôi luyện ý chí, bản lĩnh của người lính. Năm 1983, anh Hãnh ra quân trở về nhà, lấy vợ và ra ở riêng tại thôn Hồng Quân 1- xã Hán Đà (Yên Bình). Cuộc sống thật gian nan vất vả vì cả hai vợ chồng không có việc làm ổn định. Được cái nhà gần ngay hồ Thác Bà, anh cũng chịu khó bươn trải khắp nơi với con thuyền trên mặt hồ: thả lưới, đi thuyền chở khách, băm nứa, đi đào đá… thôi thì đủ nghề. Vợ anh ở nhà tần tảo buôn bán cá lời lãi cũng chẳng được là bao nên cả chục năm trời kinh tế gia đình vẫn eo hẹp. Phải chăng đó cũng là một phần nguyên nhân khiến anh có cái dáng vẻ bề ngoài khắc khổ, già trước tuổi ?

 

Lênh đênh mãi chẳng nên cơm cháo gì, anh nghĩ cách đầu tư vào làm việc gì đó cho có thu nhập ổn định, có thời gian nuôi dạy 3 đứa con. Vốn đầu tư không có, sẵn ít ba ba giống bắt trong thời gian hay đi thả lưới trên hồ, anh đầu tư thêm giống, làm 50 m2 ao để nuôi. Thế rồi do không nắm được kỹ thuật, điều kiện tiêu chuẩn, môi trường sống không đảm bảo nên việc nuôi ba ba không thành. Không chịu lùi bước và với sự kiên trì, anh xoay sang việc khác, quyết làm lại từ đầu. Đất gia đình rộng, anh Hãnh đầu tư trồng trên 1,5 mẫu cỏ voi nuôi bò. Theo anh, khó khăn nhất lúc này là vốn đầu tư. Do ít vốn nên anh phải nuôi theo kiểu ngắn hạn. Mua bò về nuôi vỗ béo khoảng 3 tháng và bò béo lên rồi lại bán, lãi được trên 500 ngàn đồng một con. Anh kể, có những năm gia đình nuôi tới 3 chục con bò thịt, thu lãi một năm 10- 15 triệu đồng. Nhưng tính ra thu nhập từ nuôi bò chẳng thấm gì so với việc phải chi tiêu hàng ngày trong gia đình. Sau những trăn trở, anh nghĩ cách tận dụng mặt nước hồ Thác Bà, tận dụng nguồn cỏ voi đã trồng để nuôi cá lồng. Anh đầu tư làm chục cái lồng, mỗi lồng khoảng 15 m2 để nuôi cá trắm cỏ. Việc nuôi cá tưởng chừng trôi chảy nhưng rồi cũng gặp phải một số khó khăn do cá mắc bệnh như: bị nấm, thối mang… Có vài vụ cá đã thất bại không chỉ thiệt hại về kinh tế mà tư tưởng cũng bị lung lay. Có những lúc anh đã muốn rũ bỏ tất cả, để lại lênh đênh trên mặt hồ kiếm sống qua ngày. Song rồi không cam chịu thất bại, cộng thêm cái máu làm giàu, anh lại quyết chí tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi cá, rồi đến Trung tâm Thủy sản nhờ hướng dẫn kỹ thuật phòng chống bệnh cho cá… Việc nuôi cá của anh đã thành công, vụ cá mỗi năm gia đình anh thu khoảng 30 triệu đồng, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước.

 

Không chịu dừng ở đó, Đặng Văn Hãnh tiếp tục đầu tư vào dây chuyền làm tinh bột sắn kết hợp chăn nuôi lợn. Khu sản xuất của anh, việc chế biến rất liên hoàn từ rửa, đến nghiền, rồi đãi. Bột sắn được chảy tới một cửa vào bể để lọc, còn bã sắn ra một cửa và được cho xuống các hố rộng chừng chục mét vuông để ủ làm thức ăn cho lợn. Đây có thể cho là một dây chuyền công nghệ sản xuất- chăn nuôi tương đối hoàn hảo.

 

Bã sắn hoặc sắn củ có thể nghiền ra cho xuống hố lót vải bạt ủ hàng năm lợn ăn vẫn tốt. Vừa đi, anh Hãnh vừa cho biết: Một năm gia đình anh nghiền 200 tấn, có năm tới 400 tấn sắn củ tươi, thu được 40% tinh bột sắn, chủ yếu bán cho các nhà máy dưới Việt Trì, Hà Tây… với giá 1,5 triệu đồng/tấn. Tôi nhẩm tính, với giá đó tính ra thu từ tinh bột sắn một năm anh đã có 120 triệu đồng. Chưa kể mỗi con lợn nuôi tới 75 - 80 kg thì xuất chuồng, giá lợn hơi 13 ngàn đồng/kg, anh thu được trên dưới một triệu đồng và trừ phần đầu tư mất bảy trăm, anh thu lãi khoảng ba trăm ngàn đồng. Năm 2006, xuất chuồng 2 lứa, khoảng 50 tấn lợn, thu về trên 600 triệu đồng. Trừ chi phí, thuê 2 nhân công, giống, thức ăn, gia đình cũng thu về 180 triệu đồng. Lợn của anh nuôi tạo được uy tín đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh nên lúc nào cần xuất là người mua về tận nơi. Do nguồn thức ăn chủ yếu là từ sắn, cho nên thịt có nhiều nạc, ăn rất ngon. Nhìn khu chuồng trại bên hồ với trên 400 đầu lợn lúc cao điểm, tôi tỏ ý băn khoăn về môi trường chăn nuôi, nhưng điều này đã được anh tính toán cả rồi. Tất cả chất thải của lợn đã được đưa vào bể bi- ô- ga làm khí đốt, đảm bảo về môi trường và thu được nguồn khí đốt. Từ nguồn khí đốt này, không những gia đình sử dụng không hết mà một vài nhà gần khu vực có thể dẫn về, không phải đun bằng củi. Để đầu tư vào khu vực sản xuất, chăn nuôi này, ông chủ trang trại phải vay thêm vốn gần 100 triệu đồng của ngân hàng mua máy móc, xây chuồng trại, lợn giống. Hơn bốn chục cây vải thiều trên quả đồi gần nhà phải đào lên để san ủi tạo mặt bằng rồi sau đó lại trồng xuống tạo bóng mát, cho thêm thu nhập.

 

Nhiều năm lăn lộn đủ nghề, anh Hãnh giờ đã có thể "hãnh diện" với thành quả của mình. Thành công đã đến, ông chủ cũng từ nông dân mà nên cả. Anh Hãnh cho biết, dự định sẽ tiếp tục quy hoạch lại chuồng trại, đắp thêm một con đường lên mặt đập để thuận tiện cho vận chuyển, đảm bảo qui mô mở rộng khu sản xuất, chăn nuôi, tạo thêm việc làm cho lao động trong thôn.

 

Văn Trung- Đào Minh

Các tin khác
Thu 
hái 
chè xuân.
(Ảnh: Tô 
Anh 
Hải)

YBĐT - Theo giới thiệu của lãnh đạo xã, tôi tìm đến cơ sở chế biến chè tư nhân của gia đình anh Trần Thế Bôn ở thôn Đồng Quýt,xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Cơ sở chế biến của anh xây dựng trên diện tích rộng chừng 1.000m2 và xưởng chế biến chè đen của anh vào những ngày tháng 3 này trở nên sôi động bởi đây đang là thời kỳ bước vào vụ thu hoạch, chế biến chè xuân.

Anh Nguyễn Văn Sơn trao đổi về kỹ thuật trồng bạch đàn mô với các bạn trong chi đoàn Lâm trường Thác Bà.

YBĐT - Khi tìm hiểu về phong trào thanh niên lập nghiệp ở huyện Yên Bình, tôi thật sự ấn tượng về Nguyễn Văn Sơn - đoàn viên thanh niên ở Lâm trường Thác Bà - người có mô hình phát triển kinh tế rừng khá nhất ở huyện Yên Bình.

YBĐT – Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong những năm qua ở Lục Yên đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại tiêu biểu điển hình. ở bản Tặng Phầy xã Khánh Hòa (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) có một tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế như thế, đó là anh Nguyễn Văn Khánh.

YBĐT - Có lẽ chị Ngô Thị Hòa ở thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Trấn Yên là người nuôi gà thả vườn nhiều nhất với số lượng một nghìn con.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục