Mười một năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi
- Cập nhật: Thứ hai, 9/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, hiện đang giảng dạy tại Trường PTCS Dân tộc nội trú huyện Yên Bình. Sinh ra và lớn lên ở xã Thịnh Hưng (Yên Bình), từ nhỏ, Hằng đã mơ ước trở thành cô giáo dạy học ở quê nhà và ước mơ đó đã thành sự thật.
Năm 1990, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, cô được phân công về dạy học ở xã Tích Cốc, một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn. Sau 2 năm, cô được điều động về Trường THCS thị trấn Yên Bình. Và từ năm 1998 đến nay, cô trực tiếp giảng dạy tại Trường PTCS Dân tộc nội trú huyện Yên Bình. Tâm huyết với sự nghiệp trồng người, cô luôn đặt ra kế hoạch cụ thể cho bản thân để nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Hơn 16 năm đứng lớp thì 11 năm cô Hằng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, trong đó 5 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 6 năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục, của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Yên Bái. Thành tích của cô là một trong những nhân tố làm nên thành tích chung của nhà trường những năm học qua. Là giáo viên chủ nhiệm, đảng viên, Tổ trưởng bộ môn Khoa học tự nhiên, tham gia giảng dạy môn Toán và trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường, hầu hết trong những kỳ thi học sinh giỏi các cấp, cô đều có học sinh đoạt giải. Chỉ tính từ năm học 2004 - 2005 đến nay, trong số học sinh cô bồi dưỡng có 28 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, 18 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 29 em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái). Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tổ chức tháng 3/2007, huyện Yên Bình có 34 em đoạt giải thì riêng Trường cô chiếm tới 13 giải. Kết quả đó là nguồn động viên rất lớn để cô Hằng tiếp tục khẳng định mình và thực hiện tốt vai trò người tổ trưởng chuyên môn.
Cùng với sự nỗ lực của bản thân, cô Hằng còn tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, thường xuyên cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp, có điều chỉnh và rút kinh nghiệm trong cách truyền đạt kiến thức, nhằm kích thích khả năng tư duy của học sinh. Cô đã có 5 đề tài sáng kiến kinh nghiệm được ngành giáo dục đánh giá cao. Hiện nay, cô Hằng đã tốt nghiệp đại học Toán và đang theo học lớp đại học quản lý giáo dục tại tỉnh.
Mười một năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi đối với một cô giáo 37 năm tuổi đời, 16 năm tuổi nghề quả là sự cố gắng lớn và niềm say mê với nghề của cô giáo Hằng. Đó cũng chính là niềm vui, niềm mong ước mà cô hằng ấp ủ và nguyện suốt đời phấn đấu để góp phần nhỏ bé của mình vào thành tích chung của nhà trường và vì lợi ích trăm năm trồng người.
Thu Hòa
Các tin khác
YBĐT - Đàn lợn hộc lên khi thấy có người lạ tới gần và anh Hãnh đưa tay khẽ vuốt vuốt chú lợn con đang chống chân lên thành chuồng. Liếc nhìn đồng hồ, anh Hãnh bảo: "Đến giờ chúng đòi ăn rồi đây mà !". Những xô cám được mang tới đổ vào máng xây và đàn lợn đứng thành hàng xốc thật lực nghe đến vui tai. Trông đàn lợn thật thích, con nào con nấy sạch sẽ, láng mượt.
YBĐT - Theo giới thiệu của lãnh đạo xã, tôi tìm đến cơ sở chế biến chè tư nhân của gia đình anh Trần Thế Bôn ở thôn Đồng Quýt,xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Cơ sở chế biến của anh xây dựng trên diện tích rộng chừng 1.000m2 và xưởng chế biến chè đen của anh vào những ngày tháng 3 này trở nên sôi động bởi đây đang là thời kỳ bước vào vụ thu hoạch, chế biến chè xuân.
YBĐT - Khi tìm hiểu về phong trào thanh niên lập nghiệp ở huyện Yên Bình, tôi thật sự ấn tượng về Nguyễn Văn Sơn - đoàn viên thanh niên ở Lâm trường Thác Bà - người có mô hình phát triển kinh tế rừng khá nhất ở huyện Yên Bình.
YBĐT – Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong những năm qua ở Lục Yên đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại tiêu biểu điển hình. ở bản Tặng Phầy xã Khánh Hòa (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) có một tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế như thế, đó là anh Nguyễn Văn Khánh.