Một gia đình hiếu học
- Cập nhật: Thứ năm, 19/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên có gia đình bà Triệu Thị Nảy, dân tộc Dao được Hội Khuyến học xã bình chọn là gia đình có truyền thống hiếu học.
Ảnh minh họa.
|
Sinh năm 1922, trong một gia đình nghèo ở xóm Ngả Hai, thôn Đồng Song, xã Kiên Thành, bố mất sớm, vì là chị cả nên bà phải cùng mẹ gánh vác công việc gia đình và nuôi các em khôn lớn. Những năm chống Pháp, bản thân bà vừa đóng góp vào các hoạt động xã hội tại địa phương, đồng thời còn phải đảm đương việc nhà cho chồng và các em tham gia kháng chiến.
Hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước kêu gọi đồng bào hồi cư về bản, khai hoang ruộng cấy lúa nước, vận động con em đi học. Lúc bấy giờ, trường tiểu học tại trung tâm xã Kiên Thành, cách nhà 8 km đường rừng và phải đi theo khe suối hiểm trở. Nhà nghèo, dù chỉ có khoai sắn bà cũng phải dậy sớm từ 4 -5 giờ nấu bữa sáng cho các con ăn no đi học. Mưa to, lũ lớn hay thú dữ, ông bà tìm mọi cách đưa con tới trường để không phải nghỉ học. Từ đó, các con thấy mình bao giờ cũng được chăm sóc, động viên mà thương bố mẹ và càng siêng năng học tập.
Mặc dù đã định cư, kinh tế gia đình tương đối ổn định, song do địa phương chưa có trường cho các con học tiếp lên cấp II nên kỳ nghỉ hè năm 1960, vợ chồng bà lại phải liên hệ chuyển cả gia đình về Đội 3, Hợp tác xã Cận Còng, xã Hưng Khánh. Những năm này, các em của bà đều đã học xong phổ thông, người học tiếp lên, người thoát ly đi công tác, còn các con cũng đã học đến cấp II.
Nhờ sự chăm lo của anh chị mà các em bà đều phương trưởng: ông Triệu Quý Thịnh từng là cán bộ Huyện ủy Trấn Yên; ông Triệu Quý Tiến tốt nghiệp Trường Đại học Nông - Lâm nghiệp Đông Triều, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa V, Phó Giám đốc Lâm trường Quế huyện Văn Yên; ông Triệu Quý Thụ sau khi hoàn thành nghĩa vụ chống Mỹ phục viên về địa phương tham gia công tác, là lãnh đạo xã Kiên Thành.
Đến năm 1970, một lần nữa, gia đình bà lại phải bỏ thổ cư, đất đai, vườn tược, công sức 10 năm xây dựng tại Hưng Khánh chuyển về thôn Minh An, xã Y Can sinh sống để tiện cho các con được đi học cấp I - II tại xã và học cấp III ở thị trấn Cổ Phúc. Cả đời di cư tìm trường cho các con học, đây cũng là sự lạ đối với thói quen di cư tìm đất sống của dân tộc Dao quần chẹt. Thế nên, nhiều lúc phải bỏ qua sự đàm tiếu của dân làng cũng như sự thua thiệt về kinh tế.
Năm 1988, cô con gái út học năm cuối Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên cũng là lúc chồng bà lâm bệnh nặng. Trước khi mất, ông dặn các con: “Nếu bố có mệnh hệ gì thì không được cho biết tin để nó thi đỗ đã. Bố mẹ không có tài sản gì, chỉ cho các con cái chữ làm chìa khóa mở vào đời. Có văn hóa mới khai hóa văn minh cho dân tộc. Các con phải giữ lấy truyền thống của bố mẹ để lo cho các em, các cháu học hành tấn tới”.
Nhớ lời di huấn, các con của ông bà đều cố gắng học tập. Hai người anh lớn tốt nghiệp cấp II và xung phong đi bộ đội chống Mỹ, một người là thương binh, còn một hy sinh ngoài chiến trường được truy tặng liệt sĩ. Hai con gái đều tốt nghiệp đại học, người theo nghề dạy học, người làm nghề thầy thuốc nhưng chung mục đích cao cả vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.
Người con trai thứ ba, anh Dương Minh Vượng đang tham gia công tác tại địa phương, là Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Y Can. Ở tuổi năm mươi mà anh vẫn không ngừng học tập nâng cao hiểu biết, nhất là công nghệ tin học. Hầu như các báo cáo, văn bản của Đảng ủy đều tự tay anh soạn thảo trên máy tính. Gia đình cũng mua máy riêng để làm việc và cho các cháu nội, ngoại có phương tiện học tập. Tại nông thôn vùng ba đặc biệt khó khăn mà sớm có sự suy nghĩ như vậy, thật đáng cảm phục biết bao! Các cháu nội, ngoại của bà Triệu Thị Nảy đều học giỏi, chăm ngoan; đứa đã là cán bộ Nhà nước, có cháu đang học chuyên nghiệp hoặc phổ thông và ở vị trí nào cũng luôn luôn biết tiếp bước thế hệ đi trước, giữ vững truyền thống hiếu học của gia đình. Ngay hôm nay đây, cái tuổi “thượng thượng thọ” khiến sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng bà vẫn đón một số cháu trong gia tộc ở quê Đồng Song (Kiên Thành) sang nhà trọ học.
Nói về việc học tập của gia đình, bà luôn muốn được bày tỏ “lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng và Chính phủ đã chỉ lối đưa đường cho nhân dân, đặc biệt là dân tộc Dao từ thuở cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sống đổ gốc ăn ngọn, các cháu không được học hành; bây giờ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bản làng người Dao đã đổi mới, định canh định cư, có ruộng cấy lúa, có đường giao thông vào tận bản, có điện thắp sáng, trường học, trạm y tế được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, 100% các cháu trong độ tuổi được đến trường”.
Truyền thống hiếu học của gia đình bà Nảy là tấm gương cho mọi người trong bản Minh An noi theo. Đến nay, các gia đình đều chú trọng cho con học tập. Các cặp vợ chồng trẻ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, ít con để có điều kiện hơn trong việc nuôi dạy con cái. Trẻ em đến tuổi đều được đến trường học và tỉ lệ độ tuổi học cấp III của các cháu người Dao thôn Minh An, xã Y Can chiếm tới 98%; nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Nhân dân trong thôn tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tương trợ giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh tế trong vùng từng bước ổn định và tỷ lệ hộ nghèo giảm. Thôn Minh An vinh dự được công nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh. Câu cửa miệng của nhiều người ở đây mỗi khi răn dạy con cháu: Hãy cho con đi học cái chữ như gia đình cụ Nảy!
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Cách trung tâm xã gần chục cây số, chúng tôi đến gia đình ông Vũ Đức Hạnh ở thôn Đồng Bằng 3, xã Lương Thịnh (Trấn Yên). Ông là một trong 18 trưởng thôn của xã làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Anh Trương Thanh Bên, dân tộc Dao ở thôn 10 Khe Mạ, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên là một trong những người tiên phong chuyển đổi phương thức sản xuất và phát triển kinh tế.
YBĐT - Tôi tìm gặp anh thương binh Mông Văn Thông, dân tộc Nùng quê xã Yên Thắng, nay sống ở tổ dân phố 4 thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Người ta bảo rằng, anh là thương binh nhưng chẳng lúc nào chịu ngồi yên, rất bạo dạn dám nghĩ dám làm.
YBĐT - Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, hiện đang giảng dạy tại Trường PTCS Dân tộc nội trú huyện Yên Bình. Sinh ra và lớn lên ở xã Thịnh Hưng (Yên Bình), từ nhỏ, Hằng đã mơ ước trở thành cô giáo dạy học ở quê nhà và ước mơ đó đã thành sự thật.