Làm giàu trên đất quê mình

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cách đây 5 năm, gia đình anh Lê Văn Huệ và chị Hoàng Thị Xuân ở thôn 7, xã Hợp Minh, huyện Trấn Yên là một trong những hộ nghèo của thôn. Nhà có 5 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, một ít đất bãi khéo lắm cũng chỉ đủ ăn nên những khi có việc lớn cần chi tiêu là gia đình anh lại phải vay mượn.

Tiếp chuyện với chúng tôi, hai vợ chồng anh chị bộc bạch: Năm 1988, anh chị bắt đầu khai hoang được gần 1 ha đất, tuy sinh ra và lớn lên ở vùng đất thuần nông nhưng kinh nghiệm và kiến thức nông nghiệp còn rất hạn chế. Vì vậy bước đầu hai vợ chồng chỉ trồng bồ đề, chè theo phong trào. Nhưng từ năm 2001 phong trào làm kinh tế ngày càng phát triển mạnh, nhiều gia đình ở thành phố vào tận thôn bản tìm mua đất để xây dựng trang trại. Anh chợt nảy ý nghĩ: “Đất đồi mình có nhiều, người ta làm được thì mình cũng sẽ làm được”. Với quyết tâm đó, lại được sự ủng hộ của vợ con, của chính quyền địa phương, gia đình anh nhận thêm 5 ha đất rừng và cơm đùm, cơm nắm tập trung vào khai hoang, xới đất, lật cỏ và phát triển kinh tế vườn rừng.

Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh chị thực hiện “lấy ngắn nuôi dài”. Anh trồng keo, bồ đề xen lúa, ngô, sắn vừa phục vụ đời sống gia đình, vừa kết hợp chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi lại được cán bộ khuyến nông nhiệt tình hướng dẫn về kỹ thuật nên 3 ha keo lai phát triển xanh tốt dự kiến cuối năm 2007 sẽ cho khai thác. Hai năm sau khi tập trung sản xuất vườn rừng ổn định, anh đã vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên 8 triệu đồng với lãi suất 0,6%/tháng để đào 3 sào ao thả cá như trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính... mỗi năm thu được 5 - 6 tạ cá với trị giá từ 10 - 12 triệu đồng. Nhận thấy vải là một trong những loại hoa quả có khả năng tiêu thụ lớn và được người tiêu dùng ưa thích, với số tiền vốn thu về anh chị tiếp tục đầu tư trồng thêm 1 ha vải chín sớm. Với hơn 200 gốc vải, mỗi năm cho thu được 20 - 25 triệu, đây là nguồn thu không nhỏ của gia đình. Như vậy, thu nhập hàng năm sau khi trừ các chi phí gia đình anh thu lãi về từ 45- 50 triệu đồng.

Hơn 10 năm phấn đấu làm kinh tế không biết mệt mỏi đến nay gia đình anh đã sắm được nhiều đồ vật dụng cụ gia đình có giá trị như ti vi màu, đầu video, bàn ghế, giường, tủ, xe máy... các con anh đều chăm ngoan, học giỏi. Khi được hỏi về cách làm giàu của gia đình, anh Huệ tâm sự: “Cái khó nhất của người làm nông nghiệp là thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì làm gì cũng dễ bị thất bại và không mang lại hiệu quả. Thành công có được của gia đình tôi là nhờ ở sự cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi và đặc biệt hơn là phải có lòng kiên trì,  quyết tâm và không sợ thất bại”.

Với một quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, gia đình anh chị đã vươn lên làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc trên quê hương mình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận thấy trong con người anh chị một tấm lòng nhân ái, giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật, giúp cây, con giống cho họ. Chúng tôi thật khâm phục ý chí, nghị lực của gia đình anh quyết không cam chịu đói nghèo mà vươn lên làm giàu. Mong rằng, ở tỉnh Yên Bái ngày càng có thêm nhiều điển hình như gia đình anh Huệ, chị Xuân.

Nguyễn Huyền
(Trung tâm Khuyến nông Yên Bái)

 

Các tin khác

YBĐT - Đến xã Sơn Thịnh, Huyện Văn Chấn mọi người đều nhắc đến gia đình anh Nguyễn Văn Tiến chị Nguyễn Thị Cầu là một điển hình phát triển kinh tế gia đình giỏi của xã.

Nữ cán bộ công chức Ngân hàng làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và tham gia công tác xã hội.
Ảnh: Giao dịch, phục vụ khách hàng vay vốn tại trụ sở Ngân hàng.

YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi còn nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, ở các xã vùng sâu vùng xa người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và xã hội. Nhận thấy vấn đề đó, từ năm 2000, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam giúp đỡ 2 tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Yên Bái.

Ông Vũ Kim Sơn đang bắt mạch cho người bệnh.

YBĐT - Một ngày tháng Tư, chúng tôi có dịp tới thăm ông Vũ Kim Sơn, một cựu chiến binh, đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

YBĐT - Điều làm tôi ấn tượng nhất khi nói chuyện với chị Hà Thị Nhung - Bí thư chi bộ thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) đó chính là mong muốn được học của chị. Đây cũng chính là khát khao cháy bỏng của một người phụ nữ bình thường mà cuộc sống quanh năm chỉ gắn với ruộng nương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục