Xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ"
- Cập nhật: Thứ hai, 23/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Một ngày tháng Tư, chúng tôi có dịp tới thăm ông Vũ Kim Sơn, một cựu chiến binh, đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ông Vũ Kim Sơn đang bắt mạch cho người bệnh.
|
Trong căn nhà ấm cúng tại phố Quyết Thắng, phường Đồng Tâm, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe những vui buồn, gian khổ của đời lính những năm tháng chiến tranh ác liệt. Ba mươi hai năm đã trôi qua, giờ đây mái tóc đã điểm bạc, nhưng ký ức về một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" vẫn nguyên vẹn trong ông.
Ông Sơn sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo thuộc xã Đan Phượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Học hết phổ thông trung học, tháng 7/1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào thời kỳ quyết liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện tại Bắc Thái, với nhiều cố gắng trong rèn luyện, tháng 2/1970, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được bổ sung vào Đại đội hỏa lực CKZ, thuộc Trung đoàn 66 anh hùng, chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên trên địa bàn ba tỉnh Kon Tum - Gia Lai - Đắc Lắc.
Nhiệm vụ của ông là tải đạn cho khẩu đội đánh chặn quân đổ bộ của địch vào tiếp viện cho Sân bay Creng. Trong các trận chiến đấu ác liệt, ông chỉ có một suy nghĩ là làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trải qua nhiều trận đánh với nhiều chiến công, ông được bổ nhiệm giữ chức Chính trị viên Đại đội C9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã trực tiếp tham gia các Chiến dịch Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch để chiếm đánh Sân bay Tân Sơn Nhất. Với những cống hiến cho quân đội, ông đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng hai Huân chương Chiến sỹ giải phóng và nhiều huy hiệu Chiến sỹ quyết thắng.
Sau giải phóng, ông xây dựng gia đình cùng chị Đỗ Kim Thuần, nay là giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, song ông bà đã nuôi dạy hai con nên người. Cháu trai lớn Vũ Kim Hùng hiện đang làm giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, cháu gái Vũ Thị Kim Thúy đang theo học năm cuối Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Năm 1990, ông được về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá. Trở về địa phương, ông chưa nghỉ ngơi mà xác định "còn sức còn làm việc và cống hiến cho xã hội". Ông tích cực tham gia công tác xã hội và học hỏi nghề thuốc gia truyền của gia đình để "trị bệnh cứu người". Mười bảy năm qua, ông đã điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân, được mọi người trong và ngoài tỉnh biết đến với lương tâm và y đức của người thầy thuốc. Đã có nhiều người bệnh, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông đã không lấy tiền thuốc hoặc bất cứ một khoản thù lao nào.
Những năm qua, ông Vũ Kim Sơn vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: bằng khen của Trung ương Hội Y học dân tộc Việt Nam, bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái, cùng nhiều giấy khen của Tỉnh hội Đông y, của thành phố. Trong chiến đấu và khi về với cuộc sống đời thường, ông vẫn luôn tâm niệm, sống đẹp để xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ".
Thu Hồng
Các tin khác
YBĐT - Điều làm tôi ấn tượng nhất khi nói chuyện với chị Hà Thị Nhung - Bí thư chi bộ thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) đó chính là mong muốn được học của chị. Đây cũng chính là khát khao cháy bỏng của một người phụ nữ bình thường mà cuộc sống quanh năm chỉ gắn với ruộng nương.
YBĐT - Ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên có gia đình bà Triệu Thị Nảy, dân tộc Dao được Hội Khuyến học xã bình chọn là gia đình có truyền thống hiếu học.
YBĐT - Cách trung tâm xã gần chục cây số, chúng tôi đến gia đình ông Vũ Đức Hạnh ở thôn Đồng Bằng 3, xã Lương Thịnh (Trấn Yên). Ông là một trong 18 trưởng thôn của xã làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Anh Trương Thanh Bên, dân tộc Dao ở thôn 10 Khe Mạ, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên là một trong những người tiên phong chuyển đổi phương thức sản xuất và phát triển kinh tế.