Một tấm lòng vàng
- Cập nhật: Thứ ba, 24/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi còn nghèo, trình độ dân trí không đồng đều, ở các xã vùng sâu vùng xa người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và xã hội. Nhận thấy vấn đề đó, từ năm 2000, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam giúp đỡ 2 tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Yên Bái.
Nữ cán bộ công chức Ngân hàng làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và tham gia công tác xã hội.
Ảnh: Giao dịch, phục vụ khách hàng vay vốn tại trụ sở Ngân hàng.
|
Từ khi có sự trợ giúp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tại Yên Bái, đến nay, một số nơi đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang cho giáo dục như: năm 2000, đầu tư xây dựng Trường tiểu học Pá Hu (Trạm Tấu) với tổng giá trị là 378 triệu đồng; năm 2005, tặng Trung tâm giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một nhà lớp học đa chức năng, trị giá trên 500 triệu đồng và năm 2006 xây tặng Trường Mẫu giáo xã Đào Thịnh (Trấn Yên) - một ngôi trường 2 tầng với 4 phòng học khép kín khang trang trị giá trên 500 triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh đúng giờ các em đang tập thể dục. Đây là một ngôi trường đặc biệt được Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ. Năm 2005, Trung tâm được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tặng cho một nhà lớp học đa chức năng, giúp cho học sinh có một môi trường học tập và phát triển toàn diện.
Dõi theo các em học sinh đang say sưa tập những động tác của bài thể dục giữa giờ, Cô Trịnh Thị Mai Hạnh - Giám đốc Trung tâm tâm sự: “Trước kia, trời mưa như thế này là chúng tôi cho các em nghỉ thể dục, còn bây giờ các em đã có chỗ để hoạt động ngoại khoá. Toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh rất cảm ơn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Yên Bái. Ngân hàng đã giúp cho các em có điều kiện thuận lợi trong việc học tập và phát triển thể chất...”.
Rời Trung tâm, chúng tôi đến thăm Trường Mẫu giáo Đào Thịnh. Đưa chúng tôi đi tham quan, cô Vũ Thị Thành – Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại thời gian cách đây 2 năm khi mà các em nhỏ ở đây phải học dưới một mái trường chật chội, lụp xụp, không đảm bảo sinh hoạt cho các em, các bậc phụ huynh đưa con em đến trường cũng không yên tâm. Từ năm 2006, ngôi trường 2 tầng với 4 phòng học khép kín được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tặng đã là địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh gửi gắm con em mình, tập thể giáo viên của nhà trường có điều kiện công tác tốt hơn. Niềm vui có mái trường mới được nhân đôi khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển còn tặng quà cho nhà trường với số tiền 20 triệu đồng.
Để giúp cho các em học sinh có một điều kiện học tập tốt nhất, hàng năm, cán bộ công nhân viên của Ngân hàng còn góp 8 ngày lương để ủng hộ vào Quỹ Khuyến học của tỉnh. Không chỉ đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh mà ở đâu gặp khó khăn là ở đó có tấm lòng vàng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Năm 2005, chung tay với cả nước xoa dịu nỗi đau mà cơn lũ quét gây ra tại Văn Chấn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ủng hộ 3 tấn gạo, 2.400 bộ quần áo, 4.000 quyển vở học sinh.
Năm 2006, đoàn viên công đoàn đã đóng góp xây dựng các quỹ với số tiền trên 42 triệu đồng, ủng hộ đồng bào miền Trung bị cơn bão Chan Chu, xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, ủng hộ quần áo cho trẻ em vùng cao trước mùa đông. Được tỉnh phân công giúp đỡ xã Ngọc Chấn, một trong những xã khó khăn của huyện Yên Bình, hàng năm cán bộ Ngân hàng đầu tư và Phát triển đều xuống cơ sở để động viên chia sẻ những khó khăn vất vả trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; mỗi năm đầu tư, ủng hộ và tặng quà cho xã trị giá trên 20 triệu đồng.
Tấm lòng nhân ái của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nói chung và chi nhánh Yên Bái nói riêng đã giúp cho nhiều địa phương còn gặp khó khăn có cơ sở vật chất khang trang, có điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ánh Dương
Các tin khác
YBĐT - Một ngày tháng Tư, chúng tôi có dịp tới thăm ông Vũ Kim Sơn, một cựu chiến binh, đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
YBĐT - Điều làm tôi ấn tượng nhất khi nói chuyện với chị Hà Thị Nhung - Bí thư chi bộ thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) đó chính là mong muốn được học của chị. Đây cũng chính là khát khao cháy bỏng của một người phụ nữ bình thường mà cuộc sống quanh năm chỉ gắn với ruộng nương.
YBĐT - Ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên có gia đình bà Triệu Thị Nảy, dân tộc Dao được Hội Khuyến học xã bình chọn là gia đình có truyền thống hiếu học.
YBĐT - Cách trung tâm xã gần chục cây số, chúng tôi đến gia đình ông Vũ Đức Hạnh ở thôn Đồng Bằng 3, xã Lương Thịnh (Trấn Yên). Ông là một trong 18 trưởng thôn của xã làm kinh tế giỏi.