Người phụ nữ gương mẫu đi đầu
- Cập nhật: Chủ nhật, 22/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Điều làm tôi ấn tượng nhất khi nói chuyện với chị Hà Thị Nhung - Bí thư chi bộ thôn Quang Vinh, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) đó chính là mong muốn được học của chị. Đây cũng chính là khát khao cháy bỏng của một người phụ nữ bình thường mà cuộc sống quanh năm chỉ gắn với ruộng nương.
Song, không phải ai cũng có chung suy nghĩ như chị. Chị Hà Thị Nhung cho chúng tôi biết: Chị đã tự đi nhiều nơi như đến thăm các mô hình kinh tế ở Việt Cường, Vân Hội để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng, chăn nuôi bò bán công nghiệp, cách thức trồng cỏ voi... Với chị, các kiến thức đã được học hỏi không bao giờ cũ.
Sinh ra ở mảnh đất này với bao khó khăn vất vả bởi công việc nhà nông, chị Nhung có suy nghĩ: nếu như chỉ canh tác đơn thuần bằng các loại cây trồng truyền thống thì không biết đến bao giờ cuộc sống mới khá lên. Năm 1998, chị được bà con trong thôn bầu làm cán bộ Hội phụ nữ. Được tham gia sinh hoạt Hội, theo học các lớp chuyển giao KHKT chị Nhung càng vỡ vạc ra nhiều điều. Chị hiểu rằng, thì ra xưa nay mình mới làm nông nghiệp theo những kinh nghiệm cũng như tập quán lâu đời mà cha ông truyền lại, chứ quả thật những kiến thức và tiến bộ kỹ thuật chưa được chị áp dụng vào đồng ruộng. Vậy là, các khái niệm mới mà lâu nay chỉ có cán bộ khuyến nông hay sử dụng như: mật độ cây, mật độ con, phương pháp IPM, hay trà sớm, trà muộn, giống tiến bộ... dần dần đã trở thành những từ thông dụng giúp chị có phương pháp đúng trong gieo cấy mùa vụ.
Năm 2000 chị Nhung lặn lội ra tận Trung tâm giống cây trồng tỉnh mua giống về làm nấm rơm với tổng số hơn 100 bịch, song do kiến thức trồng nấm còn hạn chế nên bị thất bại. Tuy vậy, chị không lùi bước mà tiếp tục vận dụng các kiến thức đã học từng bước phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều cây trồng mới.
Thấy thôn mình là một trong những thôn chủ lực sản xuất cây lúa của xã Hưng Thịnh, song đa số người dân vẫn chưa có sự thay đổi trong tập quán canh tác, vì vậy năng suất các loại cây trồng chưa cao. Hiểu được hạn chế đó chị Nhung đã mạnh dạn đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Với vai trò là đảng viên lại là Bí thư chi bộ thôn nên chị có suy nghĩ rằng mình phải là người đầu tàu gương mẫu không chỉ trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước mà điều thiết thực nhất đó chính là phải nói được và làm được. Muốn làm được điều này đòi hỏi chị phải mạnh dạn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện tại gia đình chị có 4 ha rừng, chủ yếu là trồng quế và trồng chè mỗi năm cũng đem lại nguồn thu vài chục triệu đồng. Tận dụng đất đai rộng rãi, chị được Hội nông dân xã tín chấp cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi 7 con bò và 2 con trâu. Ngoài ra với 9 sào ruộng nước của gia đình, chị Hà Thị Nhung đã áp dụng nhiều giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, lại áp dụng các kỹ thuật đã được hướng dẫn nên lúa nhà chị vụ nào cũng đạt năng suất cao nhất thôn. Gia đình chị Nhung còn là một trong những hộ đầu tiên tham gia làm cây vụ đông trên chân ruộng hai vụ và vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của gia đình chị từ 5 năm nay.
Không chỉ trồng ngô đông, năm nay gia đình chị Hà Thị Nhung còn trồng thêm 4 sào củ cải đường. Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên của xã Hưng Thịnh. Tham gia mô hình này gia đình chị Nhung được Trạm khuyến nông huyện Trấn Yên hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra thường xuyên và đến vụ thu hoạch sẽ được Công ty Vạn Đạt bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nếu mô hình trồng củ cải đường của gia đình chị thành công sẽ tạo cơ hội mở rộng diện tích cho nhân dân trong vùng.
Năng động, nhiệt tình và có trách nhiệm - đó là những nét nổi bật mà tôi thấy ở chị. Không cam chịu cuộc sống đói nghèo, chị Hà Thị Nhung - một phụ nữ người dân tộc Tày đang không ngừng học tập làm giàu cho gia đình mình để bà con trong thôn học tập theo. Chia tay chị Nhung trong căn nhà sàn ngập tràn hạnh phúc, tôi tin chắc rằng ước muốn được học hỏi trau dồi kiến thức của chị chắc chắn sẽ thành công. Bởi với một người có đầy nghị lực như chị điều đó không phải là việc khó làm. Chị Hà Thị Nhung thật xứng đáng là người đảng viên "đầu tàu gương mẫu" của bà con dân bản.
Hương Giang - Kiều Loan
Các tin khác
YBĐT - Ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên có gia đình bà Triệu Thị Nảy, dân tộc Dao được Hội Khuyến học xã bình chọn là gia đình có truyền thống hiếu học.
YBĐT - Cách trung tâm xã gần chục cây số, chúng tôi đến gia đình ông Vũ Đức Hạnh ở thôn Đồng Bằng 3, xã Lương Thịnh (Trấn Yên). Ông là một trong 18 trưởng thôn của xã làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Anh Trương Thanh Bên, dân tộc Dao ở thôn 10 Khe Mạ, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên là một trong những người tiên phong chuyển đổi phương thức sản xuất và phát triển kinh tế.
YBĐT - Tôi tìm gặp anh thương binh Mông Văn Thông, dân tộc Nùng quê xã Yên Thắng, nay sống ở tổ dân phố 4 thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Người ta bảo rằng, anh là thương binh nhưng chẳng lúc nào chịu ngồi yên, rất bạo dạn dám nghĩ dám làm.